Không bay, vẫn ngủ trên cành như chim






Tạp chí Kiến trúc Nhà Đẹp 9.2007

Bạn sẽ bảo, đó là giấc mơ thời
thơ bé ngây ngô? Cũng có thể lắm. Khi đang bám vào những bậc thang cây rừng để
leo lên ngọn cây ngủ, tôi vẫn còn tự hỏi: liệu đây có phải là một giấc mơ còn
nằm trong… những giấc mơ khác?

Nhà Đẹp
mời bạn khám phá những túp lều trên cây ở Đà Lạt, Vũng Tàu. Nó không lạ
với thế giới nhưng còn tương đối mới ở Việt Nam.


Nằm sâu trong rừng Đarahoa, cánh rừng hoang dại nhất còn sót ở bên kia hồ Tuyền
Lâm. Những mái nhà được dựng nên theo kiểu tổ chim mọc tự nhiên trên cây tạo một
ấn tượng lạ lùng, vừa ngộ nghĩnh, vừa bay bổng.

Một nhà chim gần gũi hơn được đạo diễn Lưu
trọng Ninh thiết kế.

Chất liệu cho ngôi nhà dễ đến độ
dân kiến trúc phải lắc đầu: Chọn một chạc cây thông lớn vài người ôm, đặt lên đó
hai thanh cây bắt chéo chữ X, buộc dây giữ trụ và cứ thế chất lên đó nào là ván
để làm “nền tổ” và liếp tranh lợp mái trên một khung sườn bằng thép. Thế là có
“nhà chim”.
Nào, leo lên và lồm cồm chui vào bên trong, mỗi tổ như thế chỉ đủ 1 hoặc hai
người nằm, có lót nệm hay chiếu đơn giản, có chiếc bàn nhỏ để thức ăn vặt và cửa
sổ đặt đèn cầy khi đêm về. Cửa chính nhỏ xíu. Cửa sổ càng nhỏ xíu. Nhưng bạn yên
tâm chung quanh là những… đọt cây cao. Chẳng ai có thể nhìn trộm hay tò mò xem
hai chú chim non trong chiếc tổ kia đang làm gì, “tám” chuyện gì với nhau.

Nhà bồ câu

Nếu là ngày mưa, rừng vắng, ở
trong nhà tổ chim có thể tận hưởng đủ giai điệu tiết tấu của những cơm mưa rừng
Đà Lạt và cái lạnh lan tỏa cùng sương núi bủa vây những cành cây nơi bạn cuộn
chăn tận hưởng cảm giác ủ dột. Tôi trải qua cảm giác lạ lùng chưa từng thấy khi
nhận ra tiếng rơi thư thả của những hạt sương li ti trên cửa sổ ngôi nhà nhỏ kỳ
lạ này.
Ngày nắng, từ cửa ngôi nhà chim, tôi có thể ngồi thiền, quan sát hơi thở bấy lâu
lăng xăng thất thường trong mình, cũng có thể ngắm rừng qua làn nắng vàng mật
xuyên từ những khóm thông già, trải xanh mịn màng trên bãi cỏ non hay những bờ
hoa dại không cần đặt tên vẫn hồn nhiên như nguyên thủy. Tiếng suối róc rách từ
bên dưới, tiếng chim lảnh lót từ trên đầu… thanh âm rừng hoang đủ sức làm cho
tôi khi leo xuống khỏi chỗ ngủ đêm qua chợt thấy… nhớ tổ. Nhớ mùi ẩm mốc của
mấy cọng cây thô, nhớ làn gió dịu mát, mùi lá non giữa không gian trong veo,
thanh lọc đến từng ý nghĩ…
Ông phúc – một cựu binh – doanh nhân đã nghĩ ra ý tưởng kỳ cục là đưa người lên
ngủ với chim có lẽ từ những đêm rừng lạnh người lính phải chọn một độ cao để
tránh muỗi vắt. Và dù đó là một ý tưởng “khùng khùng” thì cũng dễ dàng chia sẻ.
Vì nó dẫn người ta gần lại với tự nhiên, một cảm giác “không bay vẫn sống trên
cành”.

Có khoảng chục tổ chim nằm ngẫu
nhiên trên những tán cây núi Voi – Đarahoa. Mỗi một tổ chim mang đến cho tôi một
cảm giác khó tả khi sống và tận hưởng không gian sống trên những tàng cây. Đạo
diễn Lưu trọng Ninh khi đến đây chọn cảnh làm phim trường thực hiện bộ phim Dốc
tình, đã góp cho rừng thêm một “tổ chim” mà chỉ mấy tháng, dây và hoa dại đã leo
vào um tùm. “Nhà tổ chim” của đạo diện Lưu trọng Ninh có một lối vào được bắt từ
lưng một ngọn đồi. Từ đó, trong bộ phim về Đà Lạt, có những lối mòn lên đồi và
mỗi lối mòn diễn ra một câu chuyện tình giống như trong mơ.
Riêng với tôi, người yêu giấc ngủ của chim rừng thì mỗi lần ghé lại đây, chỉ
muốn được ngắm những chú chim ngoài cửa sổ vào những buổi sáng. Chúng ngơ ngác
nhìn loài người thức giấc trong thế giới của mình?
Những ngôi nhà trên các ngọn cây theo kiểu tổ chim còn thô vụng này như một gợi
ý LẠ cho những kiến trúc sư theo đuổi cuộc trở về thiên nhiên để cân bằng đời
sống tốc độ hiện nay.

Bài và ảnh:
Nguyễn Vĩnh Nguyên

(KTNĐ số 9-2007)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *