“Tháp đôi” ở khu Mỹ Đình, Hà Nội. |
Có thể bàn thảo rất nhiều về cái mái nhà: Đông, Tây, kim, cổ – Nơi nào cũng ưa chuộng cái mái nhà. Người ta còn làm lễ “cất nóc”
Cố kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện có lần kể lại với chúng tôi là trong một lần được gặp Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư nhắc đến mái nhà Việt Nam như một bản sắc văn hoá Việt Nam.
Có dịp sẽ bàn vấn đề mái nhà nhiều nhiều, trong bài viết này tôi chỉ nói đến hiện tượng mái dốc đứng mang tên nhà kiến trúc người Pháp Francois Mansard (1598-1666) đang có nguy cơ tràn lan, thậm chí đẩy lên thành ấn tượng, điểm nhấn thẩm mỹ kiến trúc đô thị.
Triết học phương Đông dạy rằng thuyết tam tài: Thiên – Địa – Nhân liên quan mật thiết, tạo dựng vũ trụ phong phú, đa dạng. Mái nhà là một thực thể trong vũ trụ, nên trên cơ sở thuyết Thiên – Địa – Nhân, cần chọn giải pháp mái nhà thích hợp.
Kiến trúc cổ điển Châu Âu, thông qua các kiến trúc sư người Pháp, du nhập vào nước ta đầu thế kỷ 20, mang theo một hình thức mái dốc đứng. Mái lợp đá Ardoise, một loại đá đen sẻ mỏng thành từng viên chở từ nước Pháp sang. Mái mang tên tác giả KTS Francois Mansard. Cho đến nay còn thấy ở một số công trình ở Hà Nội như Nhà hát Lớn – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ga Hà Nội, Chủ tịch Phủ…
Sài Gòn cũng có nhiều đá Ardoise màu sám đen làm màu sắc tháp mái thêm phần độc đáo. Toà Đốc lý Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) có tháp mái màu đỏ rất đặc biệt. Thế nhưng hơn bốn thế kỷ đã qua, ngay ở chính nơi sinh ra nó người ta cũng không làm nữa.
Ở Việt Nam từ thời kỳ đổi mới, kiểu mái nhà này đột nhiên phát triển dữ dội, mặc cho các nhà kiến trúc có bề dày nghề nghiệp thường can ngăn (biết đâu chỉ can ngăn trên diễn đàn, khi ngồi vào bàn thiết kế lại đưa hình ảnh đó vào vì: “Cơm áo không đùa với khách thơ”).
Đâu đâu cũng nhan nhản mọc lên những mái dốc đứng. Không chỉ một tầng mái mà cả hai tầng mái (cửa mái chồng lên cửa mái), cái cao lênh khênh, cái thấp toen hoẻn. Xưa chỉ là tầng áp mái, có thể để vài thứ đồ cũ kỹ không dùng đến, bây giờ người ta tận dụng như một tầng nhà (Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội). Có thể là cách lách luật, vẫn chỉ là 5 tầng mà sử dụng thành 6 tầng. Vật liệu thì thật hổ lốn: Bêtông, gạch, tôn, đá lát… Màu sắc cũng đủ cả: Hồng, đỏ, xanh, vàng – Cửa sổ tròn, chữ nhật chồng lên nhau, cả những gờ chỉ đánh đai thật lớn…
Đau xót nhất cho kiến trúc chân chính là “Tháp đôi” ở khu Mỹ Đình (ảnh). Người ta bảo điểm nhấn kiến trúc phía Tây Nam thủ đô – hai khối – cao tầng đội 2 mái Mansard lớn với mấy mái nhỏ lô nhô kề bên. Vay mượn cái già cỗi của người để làm cái tinh hoa của ta. Bản sắc kiến trúc Việt Nam mà như thế ư?
Vậy mà nhiều nhà nhiếp ảnh, nhà báo cứ đua nhau trương hình ảnh này lên mặt báo, lên màn ảnh truyền hình. Không biết kiến trúc sư Francois Mansard mà sống lại sẽ buồn hay vui. Lớp công dân Việt Nam sau ông 4 thế kỷ, xa ông nửa vòng trái đất đang tôn vinh ông hay làm nhạt danh ông?
Theo KTS Ngô Huy Giao / Lao Động