Sau phiên họp vào tối chủ nhật, Hội đồng Tài chính tối cao của Dubai quyết định bơm thanh khoản cho các ngân hàng ở Dubai, cùng với lời hứa hẹn hỗ trợ từ người láng giềng Abu Dhabi.
trước đó một ngày, Abu Dhabi, tiểu vương quốc lớn thứ hai và cũng là thủ đô của UAE, tuyên bố sẽ giúp đỡ nhưng theo phương thức “có chọn lọc”. “Chúng tôi sẽ phải xem xét những cam kết của Dubai và hỗ trợ theo tuần tự từng bước một. Abu Dhabi không muốn trở thành nhà bảo hiểm cho mọi khoản nợ của Dubai”, một quan chức của Abu Dhabi trả lời trog phỏng vấn với Reuters.
Động thái của Ngân hàng trung ương UAE cùng Abu Dhabi không làm nguội bớt những lo ngại liên quan đến tình hình tài chính cùng đà phục hồi của nền kinh tế Dubai. Các nhà phân tích cho rằng những hỗ trợ này vẫn còn ở mức khiêm tốn. “Ngoài hỗ trợ ban đầu này, có vẻ như chính quyền sẽ không đưa ra thêm tuyên bố nào cho đến tối thứ Hai. Do đó, thị trường sẽ khá thất vọng”, một nhà phân tích ngân hàng đến từ hãng EFG-Hermes nhận định.
trong khi khắp thế giới, từ chính trị gia, ngân hàng trung ương đến lãnh đạo của các tập đoàn lần lượt bày tỏ mối quan ngại liên quan đến cuộc khủng hoảng Dubai, thì chính quyền tiểu vương quốc này dường như vẫn khá thờ ơ.
Hòn đảo hình cây cọ, một trong những biểu tượng cho sự giàu có của tiểu vương quốc Dubai, chứng kiến sự sụt giảm doanh số bán bất động sản trong năm vừa rồi. Anhr: Telegraph |
Các hãng thông tấn địa phương, vốn thuộc sở hữu của Chính phủ, cũng tảng lờ cuộc khủng hoảng đang diễn ra ngay trước mắt họ. Tờ Al-bayan, viết bằng tiếng Ảrập, hôm chủ nhật chạy dòng tít: “Dubai là hình mẫu của các điểm thu hút vốn đầu tư”. Tờ tiếng Anh Gulf News thì viết: “Thế giới đang trầm trọng hóa cuộc tái cải tổ của Dubai World”.
trong lúc đó, nhà đầu tư trên khắp thế giới lo sợ và đổ tiền vào các kênh an toàn hơn như vàng hay đôla Mỹ. Đà đua bán chứng khoán bắt đầu tư châu Âu, rồi lan sang châu Á và sau đó đến Mỹ. trước lễ Tạ ơn, thị trường đóng cửa ngày thứ 5 ở mức thấp hơn 3% so với mở cửa. Sang ngày thứ 6, thị trường Mỹ chốt tuần giảm 1% trước những tin tức chưa mấy sáng sủa từ Dubai.
Sau 4 ngày nghỉ lễ, thị trường Dubai mở cửa trở lại vào thứ hai, được dự đoán sẽ lao dốc 10%. Giới phân tích đánh giá thị trường bất động sản của Dubai có thể sẽ tiếp tục chứng kiến đà giảm giá 20 đến 30% trong năm nay.
Giấc mơ Dubai trở thành thảm họa Dubai
Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ ngày 25/11 khi Dubai (Tiểu vương quốc thuộc UAE), đề nghị được hoãn trả khoản nợ trị giá 80 tỷ USD. Hai con nợ lớn nhất là Tập đoàn Dubai World, gánh khoản nợ 59 tỷ USD, cùng một công ty con của họ là hãng bất động sản Nakheel. Nakheel là chủ thầu của hòn đảo hình cây cọ nổi tiếng, nơi thu hút rất nhiều ngôi sao cùng đại gia của thế giới đến mua nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên, lời đề nghị này đã bị các chủ nợ bác bỏ.
trung tâm tài chính quốc tế Dubai (Dubai International Financial Centre) nằm trên diện tích 44,5 ha, từng tự “vỗ ngực” rằng họ là “trung tâm tài chính quốc tế phát triển nhanh nhất thế giới”. Tham vọng của Dubai là trở thành một tượng đài về tài chính, ngang hàng với New York, London và Hong Kong. Tuy nhiên, giấc mơ này trở nên ngày càng mong manh.
“Đây là thử thách đầu tiên mà hệ thống luật tài chính non trẻ của Dubai gặp phải trong mối quan hệ với cộng đồng quốc tế rộng lớn. Không ai muốn chơi trong một sân mà luật không rõ ràng”, một chuyên gia từ trung tâm phân tích nghiên cứu Celent, nhận xét.
trong khi đó, cuộc khủng hoảng tại khu vực xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất toàn cầu nhắc nhở cả thế giới về nguy cơ khi đầu tư vào những thị trường mới nổi như Nga, Hy Lạp hay Mexico.
Thanh Bình