|
KTĐT – Thành phố Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích hơn 334.470ha với địa hình tự nhiên khá phức tạp gồm cả đồi núi, trung du và đồng bằng.
Tháng 8, mùa mưa ở Hà Nội bắt đầu và thường kéo dài đến hết tháng 10. Trong trận lụt lịch sử tháng 10/2008, Hà Nội đã thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng và bị mất đi 20 sinh mạng.
Thành phố đang nỗ lực để chuẩn bị đối phó với mùa mưa lũ năm nay và các năm tới. Tuy nhiên, những nỗ lực này như “muối bỏ bể” vì toàn bộ kế hoạch chống ngập úng đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ.
Bài toán kinh tế được đặt ra, bằng cách nào để Hà Nội có một hệ thống tiêu thoát nước đáp ứng đủ yêu cầu, tránh được những cơn “đại hồng thủy” khi mùa mưa bão tới?
“Bó tay” với một vài khu vực
Thành phố Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích hơn 334.470ha với địa hình tự nhiên khá phức tạp gồm cả đồi núi, trung du và đồng bằng. Địa bàn thành phố được chia thành nhiều lưu vực thoát nước theo các con sông lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Cầu Bây…
Ông Nguyễn Lương Ngọc, Giám đốc Xí nghiệp Khảo sát thiết kế – Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết Hà Nội mới chỉ đủ nhân lực, tài chính để cải tạo hệ thống thoát nước của khu vực trung tâm các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình…
Còn các khu vực lân cận khác như quận Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân và các khu vực Hà Nội vừa mở rộng gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây cũ và một phần các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc thì việc tiêu thoát nước đang phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống tiêu thoát nước nông nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu lại xảy ra các trận mưa lớn như năm 2008 thì hệ thống tiêu thoát của các khu vực này đành… bó tay.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước Hà Nội, hiện nay do ngân sách có hạn nên quy hoạch thoát nước của Hà Nội mới chỉ ưu tiên giải quyết lưu vực sông Tô Lịch (tức khu vực trung tâm Hà Nội rộng 77,5km²). Sau này, nếu có vốn sẽ triển khai hệ thống thoát nước đến lưu vực sông Nhuệ và các vùng Hà Nội mở rộng.
Quy hoạch tổng thể thoát nước thành phố Hà Nội do JICA (Nhật Bản) thiết lập, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8/1995. Quy hoạch đặt ra mục tiêu xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước trong phạm vi lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ, rộng 135km². Dự án chia làm 2 giai đoạn, mục tiêu đảm bảo tiêu thoát cho lượng mưa có lưu lượng 310mm/2 ngày, xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, ngoài việc đầu tư trạm bơm Yên Sở công suất 90m³/giây, hiểu một cách đơn giản về các phần việc của dự án thoát nước Hà Nội là giai đoạn I chủ yếu nạo vét các kênh mương, hồ điều hòa trục chính. Giai đoạn II là khơi thông các kênh phụ, cống thoát trong các khu vực dân sinh ra các mương, cống hồ điều hòa trục chính nhằm giảm thiểu các điểm úng ngập trong khu vực nội thành.
Với các công trình cải tạo của giai đoạn I, dự án sẽ giải quyết tình trạng úng ngập đối với lưu lượng mưa 172mm/2 ngày bằng việc xây dựng trạm bơm Yên Sở công suất 45m³/giây, hệ thống hồ điều hòa Yên Sở 130ha; nạo vét các hồ điều hòa, dòng chảy chính; điều tiết các cửa xả, cống thoát nước, mua sắm các thiết bị nạo vét chuyên dụng; xây dựng 2 trạm xử lý nước thải Kim Liên và Trúc Bạch; kè bờ sông Tô Lịch… Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn I là 2.700 tỷ đồng.
Ông Tuấn cho biết, dự án giai đoạn I (1998-2005) đã đạt được mục tiêu đề ra. Minh chứng là qua trận mưa lịch sử tháng 10/2008, trạm bơm Yên Sở đã vận hành liên tục 10 ngày đêm bơm rút nước, góp phần rút ngắn thời gian và các điểm bị úng ngập. Hiện nay, Hà Nội đang triển khai dự án Thoát nước giai đoạn II (2008 – 2013) với mục tiêu thoát nước lưu vực sông Tô Lịch; thoát nước lưu vực sông Nhuệ và xử lý nước thải khu vực trung tâm Hà Nội. Các hạng mục dự án giai đoạn II gồm nâng công suất trạm bơm Yên Sở lên 90m3/giây; cải tạo khoảng 15 hồ; xây cống, đường công vụ các tiểu lưu vực sông Tô Lịch, Trúc Bạch, Kim Ngưu… Tổng vốn đầu tư cho dự án II là hơn 6.300 tỷ đồng.
Vẫn “vướng” giải phóng mặt bằng
Cho đến nay, các đơn vị thi công đang triển khai các dự án nâng cấp trạm bơm Yên Sở giai đoạn II, cải tạo các hồ Bảy Mẫu, Hào Nam, Đống Đa, Hố Mẻ. Các gói thầu còn lại sẽ được triển khai từ nay đến cuối năm 2009. Các hạng mục cuối cùng của dự án sẽ hoàn thành vào năm 2013.
“Với dự án giai đoạn II, khó khăn lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Tại dự án này, diện tích phải giải phóng mặt bằng lên tới 242,8ha, ảnh hưởng đến hơn 6.100 hộ dân, trong đó hơn 1.000 hộ thuộc diện phải tái định cư. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn vướng 1.557 hộ, 667 hộ chưa có chỗ tái định cư… Nếu công tác giải phóng mặt bằng chậm sẽ ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành các dự án cải tạo hệ thống thoát nước”, ông Tuấn cho biết.
Với 2 dự án thoát nước (giai đoạn I và II) dự kiến tới năm 2013 mới hoàn thành thì khu vực nội thành Hà Nội vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng úng ngập. Theo Viện Quy hoạch thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với hiện trạng và năng lực hệ thống thoát nước hiện nay, Hà Nội phải nâng công suất trạm bơm Yên Sở lên từ 145-180m³/giây mới đảm bảo yêu cầu tiêu thoát.
Theo TTXVN