Trang chủ » Nghịch lý nhà hát hay triết lý “quả trứng – con gà”!

Nghịch lý nhà hát hay triết lý “quả trứng – con gà”!

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Quả trứng hay con gà có trước ?

Không có nhà hát để luyện tập và biểu diễn là nỗi niềm chung của khá nhiều nhà hát và đoàn nghệ thuật tại Hà Nội hiện nay. Vấn đề này đã được các trưởng đoàn, giám đốc nhà hát than phiền quá nhiều. Các đoàn ca nhạc trẻ hoặc nghệ thuật truyền thống còn có thể khắc phục bằng cách kéo quân đi diễn lưu động. Nhưng những loại hình nghệ thuật đặc thù như nhạc giao hưởng hoặc nhạc vũ kịch lại đòi hỏi phải có sân khấu riêng được thiết kế đúng tiêu chuẩn.

Nhà hát Lớn là nhà hát "đúng chuẩn" hiếm hoi ở Hà Nội hiện nay (Ảnh: VietNamNet)

Hiện nay cơ sở "đúng chuẩn" để biểu diễn duy nhất có lẽ là Nhà hát Lớn. Tuy nhiên cơ sở này cũng quá bận rộn từ việc biểu diễn nghệ thuật, hội nghị đến liên hoan này khác.

Hơn nữa, cũng giống như doanh nghiệp, các đoàn cũng cần có thời gian liên tục để xây dựng thương hiệu và giới thiệu loại hình nghệ thuật của mình đến với khán giả, trở thành món ăn thường xuyên của họ. Thật khó có thể nói khi nào người Hà Nội có thói quen đi nghe nhạc giao hưởng, xem ballet hay cả tuồng, chèo, cải lương… bởi ngay cả những người đặc biệt thích loại hình này cũng chẳng biết xem ở đâu và khi nào.

Thế nhưng ngược lại, rất nhiều rạp hát xây ra, trong đó có những cơ sở tiêu tốn tiền tỷ, lại chịu cảnh phủi bụi vì không có hoạt động.

Trong dịp mở rộng địa bàn sang Trung tâm văn hoá Thanh niên trên đảo Thiền Quang, NSƯT Chí Trung đầy tâm tư. Lý do là sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ hiện đã quá bận, cùng việc kéo đoàn đi lưu diễn đã trở nên quá mệt mỏi, thì một lý do quan trọng Chí Trung đưa ra là "thấy Hà Nội còn nhiều sân khấu để lãng phí quá". Vị trưởng đoàn này tỉ mỉ liệt kê khoảng 10 rạp không hoạt động được tại Hà Nội hiện nay gồm: Nhà hát Quân đội, các nhà văn hoá Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân,  Thanh Trì, Long Biên… kể cả Cung thiếu nhi Hà Nội hay Cung Việt Xô, Cung Thanh niên (1 Tăng Bạt Hổ), chưa kể một loạt rạp hát khác biến thành siêu thị chuyển đổi sang những công năng khác.

Có một sân khấu lớn khác được đầu tư vô cùng quy mô là Trung tâm hội nghị quốc gia cũng hầu như không được sử dụng. Chưa kể dự án Nhà hát Lớn Thăng Long vô cùng quy mô, là một hạng mục lớn chào mừng 1000 năm Thăng Long hiện vẫn đang còn bỏ lửng.

Cần nơi diễn trước hay cần người diễn trước để sân khấu vực dậy. Câu hỏi có vẻ luẩn quẩn như triết lý "quả trứng – con gà" không có lời giải.

Vấn đề nằm ở "con gà vô sinh"?

Nhìn sang nghành điện ảnh, cách đây khoảng 5 – 6 năm trở về trước, nghành này cũng rơi vào tình trạng như sân khấu hiện nay. Khán giả ưa ngồi nhà với các kênh truyền hình phục vụ ngày đêm, hay đi xem ca nhạc hài kịch hơn. Có người chua chát rằng các rạp chiếu phim đã đổi chức năng thành "đại bản doanh" của chuột và là nơi thanh niên vào "diễn" cảnh nóng chứ không để xem phim.

Thế nhưng từ khi cụp rạp Megasta được trang bị hiện đại ra đời đã kéo khán giả trở lại với không gian điện ảnh. Những hình ảnh nhộn nhịp những ngày cuối tuần, hoặc xếp hàng dài dặc khi có phim mới đã bắt đầu trở lại. Nói không ngoa, nhờ "ăn theo" Megasta, những rạp chiếu nhà nước đang đìu hiu cũng được sống lại. Có thể thấy, khán giả Hà Nội không thiếu tiền cũng như thời gian cho nghệ thuật, nhưng cái họ cần là không gian sang trọng thực sự dành cho tâm hồn.

Nhà hát múa rối Thăng Long là 1 trong 2 nhà hát ở Hà Nội có được vị trí
và phong độ biểu diễn ổn định (Ảnh: Chudu)

Liệu cú lội ngược dòng này có xảy ra với nghệ thuật biểu diễn?

Khi đặt giả thiết này ra, NSƯT Chí Trung quả quyết ngay "sân khấu vẫn không phát triển được". Theo anh, nghệ thuật biểu diễn Hà Nội đã bị tách khỏi nghệ thuật cung cầu của thị trường. "Cung thoải mái nhưng không có cầu vẫn vứt đi. "Cầu" nếu có thì chúng ta chỉ làm ra những "cầu" hình thức". Chí Trung chỉ ra rằng, không chỉ ở lĩnh vực văn hoá, ngay đầu tư vào thể thao hiện chúng ta cũng đang có vấn đề. Đợt Seagame vừa rồi ta xây hàng loạt nhà thi đấu (riêng Nhà thi đấu Gia Lâm mất vài chục tỷ) dùng đúng một lần rồi bỏ đó lãng phí. Đành rằng những cơ sở đó vẫn có những hoạt động riêng, nhưng những hoạt động dành cho khán giả thì hầu như không có. Trong khi đó, bên ngành điện ảnh cần lắm một trường quay ra hồn thì chưa bao giờ đuợc đầu tư.

"Rất may hiện Thể thao – Văn hoá đã sáp nhập vào một bộ nhưng những sản phẩm vật chất đã đẻ ra không gói lại được. Như chuyện "con gà – quả trứng" cái nào có trước thì thực tế hiện có giống như chúng ta cứ liên tục đẻ ra những con gà nhưng toàn gà vô sinh."

Vẫn theo nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm này, lẽ đương nhiên không phải vì thế mà không đầu tư cơ sở vật chất. "Muốn mở một quán phở thì cũng phải có quán rồi khách mới đến, chứ không thể chờ đông khách mới mở quán được". Nhưng trước khi mở, chủ quán phải biết rõ tiềm năng, thực lực,  mục tiêu và thương hiệu của mình. "Mở quán ra dù to đẹp đến mấy mà chất lượng sản phẩm tồi thì chỉ sau ngày khai trương là hết khách. Đây thực sự là một vấn đề lớn đòi hỏi phải có tầm nhìn và những chiến lược vĩ mô từ những nhà lãnh đạo".

Cở sở vật chất tồi tàn thì khó lòng thuyết phục khán giả đến rạp, nhưng có cơ sở tốt liệu có ai diễn, ai xem không. Câu hỏi vẫn còn luẩn quẩn.

Tác giả: Hoàng Hường

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.