Trang chủ » Bồi thường làm nứt nhà dân, 7 năm vẫn chờ… xem xét

Bồi thường làm nứt nhà dân, 7 năm vẫn chờ… xem xét

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Hơn 7 năm chưa hết lo nhà nứt

Từ năm 2001, công trình cầu và hầm chui Văn Thánh 2 được đưa vào sử dụng. Người dân thành phố lưu thông trên tuyến đường này chưa kịp vui lâu thì nỗi lo nhà bị lún, nứt từ công trình trên ập đến. 

Trong số hơn 30 hộ dân sống dọc 2 bên đường Nguyễn Hữu Cảnh có nhà bị ảnh hưởng tại thời điểm đó, căn nhà của ông Nguyễn Trung Thịnh cũng nằm trong diện có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. 

Sau đó, trong các báo cáo số 127 ngày 6/12/2002 của UBND phường 22, quận Bình Thạnh về việc nhà dân khu vực cầu Văn Thánh 2 bị lún nứt do ảnh hưởng của việc sửa chữa hầm chui cây cầu này, đã có 36 hộ dân có nhà bị ảnh hưởng. 

 

Theo đó, UBND phường 22 cùng với Công ty Thanh Niên Xung Phong (chủ đầu tư dự án), Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng Miền Nam đã tiếp xúc với 23/36 hộ dân có nhà bị lún nứt bàn về hướng giải quyết sự việc. 

Tuy nhiên, sau đó, thay vì được hỗ trợ chỗ ở tạm cư chờ bồi thường như nội dung cuộc tiếp xúc ngày 5/12/2002 thì gia đình ông Thịnh lại phải bỏ tiền túi đi thuê nhà để… tự cứu mình. 

"Đến năm 2004, trong lúc chờ giải quyết từ phía chủ đầu tư và đơn vị thi công (Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 – TCT XDCTGT 6) đền bù thiệt hại thì căn nhà của tôi tiếp tục nứt toác, vết nứt chạy loằng ngoằng khắp nhà", ông Thịnh kể. 

Phải đến năm 2005, sau gần 3 năm trời sống trong cảnh nhà mình bị nứt, lún có thể đổ sập còn gia đình “có nhà mà phải ở trọ”, ông Thịnh đành lên xin chính quyền phường cho phép xây lại căn nhà theo kết cấu, diện tích nhà cũ để ở tạm. 

Cũng trong năm 2005, sau nhiều lần ông Thịnh gửi đơn kêu cứu ở các cơ quan từ phường, quận lên thành phố, UBND thành phố đã tiếp nhận khiếu nại của ông và giao Sở Xây dựng chủ trì giải quyết vụ việc. 

Phải đến khi đó, vào tháng 9/2005, Sở Xây dựng mới tổ chức cuộc họp triển khai kế hoạch kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra tình trạng lún nứt các hộ dân khu vực cầu Văn Thánh 2. 

Tiếp đó, chủ đầu tư và đơn vị thi công được yêu cầu phải cung cấp các tài liệu liên quan, đề xuất hướng xử lý và xác định trách nhiệm của mình trong quá trình thi công làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.

Thế nhưng, theo kết quả kiểm định của Công ty Kiểm định Sài Gòn vào ngày 21/3/2007 (hơn 5 năm sau khi căn nhà của ông Thịnh bị lún, nứt phải đập đi rồi xây lại), gia đình ông chỉ được bồi thường số tiền… 3.157.000 đồng. Nguyên nhân hư hỏng được đơn vị kiểm định xác nhận do hầm chui Văn Thánh 2 gây ra nhưng lại chỉ đền bù tiền khắc phục, vá lấp những chỗ nứt mới phát sinh (!) 

Tòa nhận hồ sơ 2 năm chưa hồi âm? 

Quá bức xúc trước tình trạng nhà thầu thi công ẩu gây nứt, lún nhà dân nhưng bỏ mặc, làm ngơ suốt nhiều năm, ông Thịnh đã làm đơn khởi kiện Công ty Thanh Niên Xung Phong (TNXP) và TCT XDCTGT 6. 

Thế nhưng mang đơn đến TAND quận Bình Thạnh, ông được chỉ lên TAND quận 3, nơi chủ đầu tư đăng ký địa chỉ hoạt động. Và từ ngày 7/4/2007 đến nay, hơn 2 năm sau khi nhận hồ sơ, TAND quận 3 chưa một lần mời ông lên làm việc để thông báo về kết quả vụ kiện có được thụ lý hay không. 

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc BQL DA, Công ty TNXP cho biết đến nay vẫn đang tiếp tục báo cáo sự việc lên Sở Xây dựng để có hướng xử lý giải quyết. 

Theo ông Hoàng, không chỉ hộ ông Thịnh mà một số hộ dân khác cũng chưa bằng lòng mức bồi thường nên đơn vị này vẫn đang tiếp tục xem xét và gửi báo cáo lên Sở Xây dựng. 

 

Và hiện tại, 7 năm sau sự cố này, tường bên trong nhà ông Thịnh vẫn xuất hiện vết nứt mới dù đã được xây đi sửa lại bao lần. Ảnh: Thái Phương

Được biết, sau khi từ chối mức bồi thường 3.157.000 đồng mới đây, ông Thịnh được tăng số tiền đền bù lên… 5.059.000 đồng.

Theo ông Hoàng, hiện toàn bộ sự việc do Sở Xây dựng chủ trì và phía chủ đầu tư chỉ giải quyết dựa trên thẩm định của Công ty Kiểm định Sài Gòn đối với căn nhà ông Thịnh mới xây lại. Còn căn nhà cũ hiện đã không còn cơ sở để xem xét mức độ thiệt hại (!) 

“Trong suốt những năm đó đến giờ gia đình chúng tôi phải đi ở trọ, sống trong thấp thỏm lo sợ bởi căn nhà có thể đổ sập… Và cuối cùng đành xin chính quyền địa phương đập đi xây lại với số tiền vay mượn trên 150 triệu đồng. Ai sẽ bồi thường những thiệt hại mà chúng tôi đã hứng chịu trong ngần ấy thời gian?” – ông Thịnh bức xúc. 

Và đến nay, theo ghi nhận của PV VietNamNet, tường nhà ông Thịnh lại xuất hiện 2 vết nứt kéo dài từ vách tường xuống phía dưới. Căn nhà mới của ông đã phải tô đi trét lại không biết bao nhiêu lần. Thậm chí vì nền nhà bị lún, ông phải nâng nền lên nửa mét nhưng vẫn chưa yên tâm. 

Trao đổi với luật gia Dương Tuấn Lộc, Công ty TNHH Tư vấn Việt Phúc về trường hợp này, ông Lộc cho biết gia đình ông Thịnh hiện hoàn toàn có thể khởi kiện chủ đầu tư và đơn vị thi công ra tòa. Tuy nhiên trước mắt cần xem lại hồ sơ của ông Thịnh đã được TAND quận 3 thụ lý hay chưa. Theo quy định của Luật Tố tụng thì nguyên đơn có quyền chọn nơi khởi kiện. Do đó nếu tòa án quận nào không nhận đơn thì cần xem lại. 

  • Thái Phương

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.