– Sở GTVT TP.HCM khẳng định sẽ đề nghị cơ quan công an xử lý hình sự những vụ tai nạn làm chết người đi đường xảy ra trên công trường do nhà thầu tắc trách gây ra. Ngày 3/2, tại cuộc sơ kết tháo dỡ rào chắn dịp Tết Kỷ Sửu 2009, ông Đậu An Phúc, Phó phòng Quản lý giao thông thuộc Sở GTVT thành phố cho biết, theo thống kê sơ bộ, ngay trong tháng 2/2009, các đơn vị thi công sẽ dựng “lô cốt” trên 80 tuyến đường. Trong đó, 3 dự án thoát nước lớn là dự án Cải thiện môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, dự án Cải thiện môi trường nước và dự án Nâng cấp đô thị dự kiến thi công trên 60 tuyến đường với tổng số 96 “lô cốt”.
Ngoài những tuyến đường cũ, hàng loạt các tuyến đường mới cũng sẽ xuất hiện “lô cốt” như đường Bùi Hữu Nghĩa, Lê Văn Sỹ, Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, Lê Đại Hành, Lũy Bán Bích… Ngoài ra, các dự án thoát nước do các Khu Quản lý giao thông đô thị làm chủ đầu tư; dự án cấp nước, bưu điện… cũng triển khai rào chắn trên 20 tuyến đường. Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT cho hay, trong năm nay, “lô cốt” sẽ chuyển từ khu vực trung tâm ra hướng trục giao thông Bắc Nam thành phố. Do vậy, hết sức cân nhắc trong việc cho phép dựng “lô cốt”. Sở GTVT sẽ cô lập từng đoạn đường để thi công; triển khai thi công theo hướng “so le” để đảm bảo việc đi lại thông suốt cho người dân. Theo ông Phượng, để hạn chế tình trạng chiếm dụng mặt đường, Sở GTVT yêu cầu các chủ đầu tư đốc thúc nhà thầu tăng 3 ca/ngày. “Đối với những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trong thời gian tới, trong quá trình xét duyệt hồ sơ đấu thầu sẽ đưa thêm tiêu chí thi công 3 ca/ngày. Nếu nhà thầu không đáp ứng được sẽ không đủ điều kiện dự thầu” – ông Phượng nói. Quy trách nhiệm đến từng cá nhân Tuy nhiên, theo bà Phan Hoàng Diệu, Giám đốc ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, không phải gói thầu nào cũng có thể thi công 3 ca/ngày để đẩy nhanh tiến độ chiếm dụng mặt đường của “lô cốt”.
Bà Diệu đưa ra dẫn chứng: Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè có tổng cộng 14 gói thầu. Ở gói thầu số 7, số 10 việc thi công 3 ca/ngày tương đối phổ biến. Lý do đối với gói thầu số 7 (gói thầu kích ống), việc thi công được triển khai dưới lòng đất và vận chuyển đất được tiến hành vào ban đêm. Còn đối với gói thầu số 10, công việc như đóng cừ bản với những cây cừ dài trên 20m không thể thi công vào ban đêm do lo ngại trong điều kiện thiếu ánh sáng dễ xảy ra tai nạn lao động. “Không phải gói thầu nào cũng có thể làm 3 ca/ngày”- bà Diệu nói. “Làm gì để “lô cốt” không gây phiền hà cho cuộc sống, sinh hoạt, buôn bán của người dân?”. Ông Phượng cho biết sẽ quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử phạt trong công tác thi công chứ không quy trách nhiệm theo kiểu chung chung.
“Chủ đầu tư phải kiểm điểm cán bộ theo dõi dự án; đơn vị giám sát thi công cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Quy định trách nhiệm đã có trong nhiều văn bản tuy nhiên khi thực hiện không thấy rõ trách nhiệm của ai. Không còn trách nhiệm chung mà đi vào từng cá nhân. Người đứng đầu tổ chức đó chịu trách nhiệm trước tiên” – ông Phượng khẳng định. Để củng cố cho quyết tâm của Sở GTVT, ông Phượng cho biết, trong vụ bé Ngô Hoàng Võ (7 tuổi) bị sập hố ga trên công trường thi công dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè vào đúng đêm Tết dương lịch 2009 (VietNamNet đã đưa tin), ông đã chỉ đạo thanh tra Sở GTVT kiểm điểm xử lý thanh tra viên phụ trách địa bàn. Ông Phượng khẳng định sẽ đề nghị cơ quan công an xử lý hình sự những vụ tai nạn làm chết người đi đường xảy ra trên công trường do nhà thầu tắc trách gây ra. Về vấn đề đền bù thiệt hại liên quan đến quyền lợi của người dân do “lô cốt” án ngữ quá lâu trước mặt tiền nhà của các hộ kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước nên xem xét giảm thuế cho người dân bị ảnh hưởng. Ông Phượng cho biết đã trao đổi với ngành thuế, tuy nhiên hiện pháp luật chưa xem xét đến trường hợp này.
|