“làm dâu trăm họ”, được lòng bên này mất lòng bên kia… đó là lời than thở của không ít người giám sát xây dựng, một nghề gặp vất vả nhiều mà vinh quang chẳng bao nhiêu.
nỗi sợ kiêm nhiệm
gặp mười giám sát thì chín người đều khẳng định rằng họ không sợ khó cũng không sợ cực, chỉ sợ… chủ đầu tư! quái, sao giám sát lại sợ người trực tiếp thuê và trả tiền cho mình nhỉ? vậy đó, bản thiết kế phức tạp đến mấy cũng xem được, thợ thuyền có dùng “tiểu xảo” nào cũng chẳng ngán, nhưng ngán đây là ngán chuyện thiếu niềm tin và sự hiểu biết của chủ đầu tư. cũng có thể lâu nay các công trình xây dựng lớn bị phát hiện là giám sát bắt tay với nhà thầu rút ruột thế này thế kia nên có chủ nhà đa nghi đến mức thuê đến cả “giám sát của giám sát”. vai trò kỹ thuật bị lép vế so với vai trò bảo vệ quyền lợi của gia chủ chăng? nỗi sợ của giám sát là ở chỗ gia chủ hay “bắt” giám sát kiêm nhiệm thủ kho hay cai thợ luôn. anh ta cũng không phải …quản gia của nhà bạn, thế mà đêm hôm khuya khoắt, mọi chuyện từ a đến z cái gì chủ nhà cũng réo giám sát, trong khi vai trò của giám sát thế nào thì nhiều người vẫn còn biết chưa đầy đủ.
nghệ thuật thổi còi
nếu so sánh theo kiểu thể thao thì người giám sát trong công trình xây dựng thực sự là một trọng tài. mà đã là trọng tài thì cay đắng ngọt bùi nếm đủ. vừa là cha là mẹ, lại vừa có thể bị vùi dập không thương tiếc. và trọng tài cũng không thể nào…đá bóng khi đang thổi còi được, nghĩa là giám sát phải độc lập, thậm chí dộc lập với cả gia chủ. nếu muốn người giám sát suốt “trận đấu” không phải … rút thẻ vàng thẻ đỏ thì các bên thi đấu cần sự trung thực và thấy rằng giám sát không là cái gai trong mắt và cũng chẳng phải “người thừa”. kiến trúc sư và nhà thầu chuyên nghiệp rất thích trong quá trình xây nhà có người giám sát, bởi vì ý đồ thiết kế và chất lượng xây dựng của họ sẽ được minh chứng và đảm bảo hơn là họ tự vẽ tự coi. tất nhiên, nếu giám sát làm căng quá, rút thẻ nhiều quá cũng khiến “trận đấu” bị cắt vụn ra, các bên bị ức chế tâm lý và chất lượng công trình sẽ khó đảm bảo như ý.
thầm lặng mà chuẩn mực
tuy vai trò giám sát là cần thiết và ngày càng phổ biến, nhưng hiện nay lực lượng giám sát lại đang vừa thừa, vừa thiếu. thiếu giám sát chuyên nghiệp đã đành nhưng thừa giám sát tay ngang mới là đáng lo. kỹ sư xây dựng, kỹ thuật viên… đi làm giám sát còn đỡ, nhiều gia đình sử dụng giám sát là bà con bạn bè, chỉ cần có chút kinh nghiệm (đã từng làm xây dựng, hoặc từng là …khổ chủ). do đó gương mặt của đa số “giám sát tay ngang” thường là người trung niên (thậm chí có cả …tướng về hưu!) để cho …ngầu! trong khi về chuyên môn thì công việc này đòi hỏi luôn cần có nhật ký công trình, nắm vững kỹ thuật xây dựng, quy trình, quy phạm xây dựng.
giám sát dù được đào tạo bài bản vẫn luôn phải trải qua kinh nghiệm thực tế, chứ không thuần tuý có bằng cấp. nếu chi phí đầu tư nhà bạn cao và nhiều hạng mục thì nên sử dụng nhiều người giám sát khác nhau (theo phần thô, phần hoàn thiện, phần vật dụng nội thất, sân vườn…) để đảm bảo hiệu quả hơn.
trong một thị trường nhà ở tư nhân xây dựng khá sôi động hiện nay việc chuyên môn hóa giám sát rất cần thiết, bởi các giai đoạn xây dựng phần thô và hoàn thiện tuy diễn ra liên tục nhưng có sự khác biệt. nếu như giai đoạn đầu cần giám sát khắt khe chuẩn mực về kỹ thuật thì giai đoạn hoàn thiện sau lại cần sự linh hoạt và hiểu biết rộng rãi về mỹ thuật. và thực sự thì nhà xây xong mới chỉ là …xong phần xây mà thôi. để có thể dọn về ở trong một không gian hoàn hảo thì nhà bạn luôn cần đến sự tham gia của người thiết kế – thi công trang trí nội thất chuyên nghiệp, mà chúng ta sẽ gặp họ vào dịp sau.
“dù nhà bạn đã có người thiết kế giỏi, có được nhà thầu xịn thì cũng vẫn cần người giám sát chuyên nghiệp để quá trình xây dựng được đúng quy trình và tránh các phát sinh, giảm thiểu mâu thuẫn.”
bài: kts hà anh tuấn, ảnh minh họa: phạm đức thắng
(ktnđ số 1-2007)