“chuyên viên phát sinh, thợ lặn bậc cao, vua bán cái”… là những “hỗn danh” mà giang hồ đau khổ hay ám chỉ các nhà thầu dạng “thiếu trách nhiệm gây hậu quả…”. nhưng chẳng lẽ nhà thầu chỉ toàn có “thói hư tật xấu”?
người thiết kế thường chỉ vướng víu quanh quẩn mặt giấy bản vẽ, ra công trường như cưỡi ngựa xem hoa. chỉ có nhà thầu phải “va chạm” từ hố móng đến cột thu lôi, từ hầm phân bay lên đèn chùm… nhà thầu vẫn luôn là người trực tiếp lãnh nhận nhiều nhọc nhằn, nhăn nhó của gia chủ nhất, và hay bị mang tiếng này nọ.
chẳng lẽ nhà thầu chỉ toàn có “thói hư tật xấu”?
tìm ca sĩ và nhạc công phù hợp
“bài ca đã viết rồi, mà chưa nói hết lời” bởi vì chưa có ca sĩ và ban nhạc phù hợp. ngôi nhà – tác phẩm của kiến trúc sư và gia chủ theo phong cách gì, đòi hỏi quy mô ra sao thì cần tìm ông thầu và đội thợ tương xứng. có nhà thầu là “tay ngang”, xuất thân thiếu chuyên môn, đọc bản vẽ không được, tổ chức công việc lùm xùm và tệ hơn cả là nhận công trình rồi… bán lại cho một đội xây dựng thuộc dạng bê một phẩy, hai phẩy… khi ấy dù nhà bạn có bản thiết kế chi tiết cũng thành ra uổng phí. có nhà thầu chỉ chuyên trị một vài kiểu cách xây cất nhất định. do vậy, khéo “chọn mặt gửi nhà” cho thầu phù hợp, không cần dùng dao mổ trâu để giết gà, bạn sẽ giảm bớt bao âu lo phiền toái và tác giả thiết kế cũng tin tưởng đứa con tinh thần của mình sẽ được “ca hát, đệm đàn” đúng chất, đúng giọng.
tìm đàn ông đích thực
vì đa phần nhà thầu (cả thầy lẫn thợ) thường là nam giới nên những… tính xấu của đàn ông thời đại cũng có ảnh hưởng đến… chất lượng xây dựng. có lẽ chẳng chủ đầu tư nào muốn gặp một đội xây dựng “sáng say chiều xỉn tối lai rai – mỗi lần đổ tấm vài chục chai”. vì thế, việc xem xét tư cách, văn hóa con người (dù có gia chủ cho rằng không liên quan đến chuyên môn) để tìm ra ông thầu là đàn ông đích thực, điềm đạm, mực thước, đàng hoàng từng trải, sẽ vẫn là điều nên làm để tránh mâu thuẫn và bực bội không đáng có trong giao tiếp sau này, khi các bên làm việc cùng nhau trong quá trình xây nhà.
tìm để tránh hạ giá và quá tải
như bao ngành nghề làm ăn khác, nghề thầu xây dựng cũng có những quy luật để thu hút và kiếm hợp đồng, mà cơ bản là… giá nào cũng làm được, chỉ có kết quả là coi được hay không mà thôi! thói quen ham rẻ của chủ đầu tư cũng tạo thuận lợi để các ông thầu đánh trúng yếu huyệt muôn thuở. câu nói “tiền nào của nấy” luôn đúng, và sẽ đúng hơn nếu gia chủ biết lượng sức mình, có 10 đồng chỉ nên làm nhà trong khoảng 9 đồng, và kiểm soát được 9 đồng ấy thực sự vào nhà mình thông qua quá trình lập dự toán chi tiết, giám sát kỹ thuật và quản lý vật tư bởi các nhà chuyên môn khác, dẫu việc này có thể “quá sức” với gia chủ nhưng cần thiết. có thể bạn tìm được ông thầu giỏi nghề, khéo đối xử, thợ kính nể, nhưng cũng vì thế mà ông này thường xuyên có nhiều công trình, nên bị quá tải (nói theo kiểu ngành giáo dục hiện nay)! giải pháp kiểm soát chặt chẽ, hợp đồng cẩn trọng và lường trước các tình huống xấu sẽ giúp nhà bạn không lâm vào cảnh “lỡ leo lưng cọp” khi xây dựng.
tìm đâu ông thầu như ý? câu trả lời vẫn là: con người làm việc cụ thể và niềm tin có kiểm soát. bản thân người thiết kế cũng nên học hỏi thực tế xây dựng nhiều hơn để biết khả năng hợp tác chặt chẽ với thầu xây dựng ở chỗ nào, để biết rất nhiều nhà thầu có lương tâm và tay nghề cao nhưng lại thường xuyên gánh chịu sức ép về quyền lợi của gia chủ, khiến họ trở nên khá mệt mỏi vì phải “đối phó” như thế nào cho vẹn cả đôi đường. trên đe dưới búa, trăm việc đổ đầu thầu khi bị gia chủ sáng nắng chiều mưa, thợ thuyền làm cao, hàng xóm than phiền v.v… công trường xây dựng luôn ngổn ngang trăm mối điều động với đủ loại công việc và quan hệ, cho nên nhà thầu và gia chủ chắc chắn sẽ khó tránh khỏi va chạm và “tẩu hỏa nhập ma” trong quá trình làm nhà. vì thế, dù ông thầu có giỏi hoặc dở, bạn vẫn luôn cần có người giám sát kỹ thuật, một vai trò thứ tư mà bộ ba chủ nhà – thiết kế – thi công rất cần để đảm bảo chất lượng cho ngôi nhà tương lai của bạn.
kỳ tới: người giám sát – gương mặt thầm lặng
bài và tranh minh họa: kts hà anh tuấn
(ktnđ số 12-2006)