Nguồn cơn của vụ “tranh nhau cái nóc nhà” 17B Hàng Bài





 – Việc tranh chấp, khiếu kiện ở số nhà 17B Hàng Bài và 23M Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn chưa đi đến hồi kết thúc khi nguồn cơn của mọi mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết.


>>Lình xình tranh nhau sử dụng cái… nóc nhà

Dân kêu bị… hành


Như đã thông tin, UBND phường Hàng Bài, HN đã tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình 17B Hàng Bài, HN. 








UBND phường Hàng Bài tiến hành cưỡng chế công trình 17B Hàng Bài, HN. Ảnh: L.D.T


Trước đó, hộ dân 17B đã đi khiếu nại nhiều nơi với lập luận: “Công trình 17B Hàng Bài làm đúng giấy phép đã được Sở Xây dựng cấp. Tóc ai phải mọc trên đầu người đó, không có chuyện hộ khác lại đòi sử dụng công trình trên nóc nhà người kia.


Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bài cho biết: UBND phường đã tiếp nhận, giải quyết đơn của gia đình ông Cường. Trong quá trình giải quyết, phường vẫn tiến hành cưỡng chế.


Sau gần một tháng bị cưỡng chế dỡ bỏ khung sắt và mái tôn cũ, gia đình ông Cường đang phải sống trong cảnh nhà dột mỗi khi có mưa to, bởi 5 tấm đan được phường “khắc phục hậu quả” sau khi dỡ bỏ phần mái cũ đã được làm một cách tạm bợ khi mà phần bê tông cũ không thể gắn kết với những tấm đan.


Để chống dột, gia đình ông Cường phải chăng một tấm bạt lớn ngay giữa nhà.


Đâu là nguồn cơn?

Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, mọi nguồn cơn dẫn đến những lình xình xung quanh việc cùng lúc nhiều hộ dân tranh chấp quyền sử dụng cái nóc nhà 17B Hàng Bài xuất phát từ việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại 17B Hàng Bài không đúng thực tế và trái pháp luật.


Nhà 17B Hàng Bài là nhà cấp 4 riêng biệt nên khi hóa giá nhà thì phải thu 40% giá đất ở khi chuyển quyền sử dụng đất và trong giấy chứng nhận nhà ở phải ghi “nhà tầng 1, diện tích đất ở sử dụng riêng là 40,6m2“.


Chính việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất trái pháp luật (đất sử dụng riêng 40,6m2 thì lại viết ở mục sử dụng chung; nhà một tầng thì viết “tầng một”) đã gây nên chuyện các hộ tập thể ở nhà 3 tầng (23M Hai Bà Trưng) nghĩ rằng đất của gia đình ông Cường có quyền lợi của họ, trong khi thực tế hai căn nhà là hoàn toàn biệt lập.


Mới đây, UBND TP HN đã chỉ đạo Thanh tra TP chủ trì cùng Sở Xây dựng, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức đối thoại với các hộ dân có liên quan, kiểm tra rà soát lại quá trình giải quyết khiếu nại của ông Cường đối với việc bán nhà 17B Hàng Bài theo Nghị định 61/CP của Chính phủ.

Trong cuộc đối thoại tuần trước, đại diện Sở Xây dựng HN được mời đến tuyên bố: Chỉ đến đây để giải đáp thắc mắc của ông Cảnh Thịnh, người đã trực tiếp mua nhà 17B Hàng Bài rồi sau đó bán cho nhà ông Cường. Còn những thắc mắc của người khác, Sở Xây dựng không có trách nhiệm trả lời.

Câu trả lời của đại diện Sở Xây dựng khiến hộ dân 17B Hàng Bài bức xúc vì cho rằng: Họ đã mua lại nhà của ông Cảnh Thịnh với đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Những rắc rối họ đang phải đối mặt không còn liên quan gì đến ông Cảnh Thịnh nên tuyên bố của Sở Xây dựng là rất buồn cười. Và đó là một trong nhiều lý do khiến cuộc đối thoại kể trên đã phải dời vào một dịp khác.

Ngày 24/1/2008, Sở Xây dựng đã cấp Giấy phép xây dựng số 17/GPXD cho gia đình ông Cường (để dựng tạm phần mái tôn để chống mưa nắng, tiến đến sẽ triển khai xây dựng các hạng mục công trình theo giấy phép) và rồi đến ngày 26/3/2008, Sở Xây dựng lại có Quyết định số 457/QĐ- SXD thu hồi Giấy phép xây dựng số 17/GPXD ngày 24/1/2008.

Sau khi nhận được đơn thư của gia đình ông Cường, ngày 17/4, VietNamNet đã có công văn gửi Sở Xây dựng HN đề nghị giúp đỡ về mặt thông tin, trả lời câu hỏi: Lý do để Sở Xây dựng ra quyết định thu hồi Giấy phép xây dựng số 17/GPXD ngày 24/1/2008 là gì và việc thu hồi Giấy phép xây dựng số 17/GPXD này 24/1/2008 có đồng nghĩa với việc trước đó Sở đã cấp phép sai cho ông Cường bà Dung?

Tuy nhiên, sau hơn một tháng gửi công văn, VietNamNet vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Sở Xây dựng HN.

Và trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang “xem xét giải quyết”, không biết hộ dân 17B Hàng Bài còn phải sống trong cảnh dột nát đến bao giờ?




  • Lê Doãn Tần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *