Nhà “công” 10 tỷ đồng suýt bị “phù phép” thành nhà riêng

(VTC News) – Ngôi nhà thuộc sở hữu nhà nước gần 41m2, ở mặt phố cổ 23 Hàng Giầy, Q. Hoàn Kiếm Hà Nội (giá thị trường khoảng 10 tỷ đồng) dùng để cho các tổ chức thuê kinh doanh suýt đã được “chuyển thể” thành đất ở của cá nhân do sự “bất cẩn” của cán bộ quản lý nhà.








» Bài 2: Khuynh gia bại sản vì dự án nhà đất “ma”
» Lập dự án nhà đất “ma” thu… tiền thật của dân


Tư nhân xin mua đất công “bạc tỷ” với… giá bèo


Theo đơn tố cáo của các bà Đoàn Thị Hồng, Đoàn Thị Tuyết tại 23 Hàng Giầy, phường Hàng Buồm, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội thì ngôi nhà này trước đây thuộc sở hữu của mẹ đẻ hai bà là cụ Nguyễn Thị Khang (đã mất), phần diện tích gần 41m2 tầng 1 đã được giao cho nhà nước cải tạo, quản lý.


Tuy nhiên, phần diện tích tầng 1 mặt phố 23 Hàng Giầy này hiện đang được tự ý thay đổi mục đích sử dụng từ nhà thuộc sở hữu Nhà nước sang nhà ở tư và bán theo nghị định 61/CP, dẫn đến nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước. Hiện nay, theo giá thị trường căn nhà này được định giá khoảng 10 tỷ đồng (hơn 200 triệu đồng/m2)


Trong đơn tố cáo, bà Đoàn Thị Hồng cũng cho biết: Ngày 15/5/1992, Sở Nhà đất HN trước đây có ký hợp đồng với gia đình bà Đinh Thị Lý, là Giám đốc Công ty dịch vụ, du lịch ăn uống Hoàn Kiếm, được thuê căn nhà gần 41m2 mặt phố ở 23 Hàng Giầy, với mục đích để kinh doanh với giá thuê nhà là giá kinh doanh.


Năm 1994, bà Lý mất, Xí nghiệp Quản lý nhà Hoàn Kiếm ký hợp đồng sang tên cho con trai bà Lý là Bùi Chí Thành để tiếp tục thuê kinh doanh với giá thuê nhà kinh doanh, theo quy định của nhà nước.







Ngôi nhà đánh dấu (x) giá cả chục tỷ đã suýt được chuyển thành đất tư với giá bèo. Ảnh LM 


Năm 2002, ông Bùi Chí Thành xin mua hóa giá nhà theo nghị định 61/CP để chuyển sang mục đích ở thay vì tiếp tục kinh doanh. Lúc đó, gia đình bà Đoàn Thị Hồng, Đoàn Thị Tuyết cho rằng việc gia đình ông Thành xin chuyển mục đích sử dụng từ nhà chuyên dùng (dùng để kinh doanh) sang để ở là sai nên đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.


“Việc nhập nhằng chuyển đổi từ nhà chuyên dùng của Nhà nước (chỉ dùng cho các tổ chức thuê để kinh doanh) sang mục đích ở được xin mua theo nghị định 61/CP là trái các quy định của Nhà nước, điều đó sẽ gây thất thoát một tài sản lớn của Nhà nước hàng chục tỷ đồng” – Bà Hồng cho biết.


Để giải quyết vụ việc, Sở Tài nguyên & Môi trường yêu cầu được cung cấp hồ sơ việc ký hợp đồng với bà Lý từ năm 1992 nhưng  Xí nghiệp Quản lý nhà cho biết “hồ sơ đã thất lạc”. Sở cũng đã đề nghị tạm ngưng việc chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà, cải tạo hay mua bán.


Sau khi việc nộp hồ sơ xin mua nhà theo NĐ 61 bất thành, thì bẵng đi một thời gian, “lờ” các chỉ đạo của cấp trên, ngày 15/11/2008, Xí nghiệp nhà số 3 lại có thông báo cho nhà ông Bùi Chí Thành nộp tiền thuê nhà ở. Chưa hết, ngày 28/04/2009 ông Bùi Chí Thành đã có được hợp đồng thuê nhà để ở số 235 với Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà số 3.


Phát hiện ra sự việc, gia đình bà Hồng, bà Tuyết tiếp tục gửi đơn tố cáo lên Sở Xây dựng phản ánh việc ký kết sai quy định giữa Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà số 3 và gia đình ông Bùi Chí Thành.


Sau khi kiểm tra và xem xét đơn thư, ngày 29/06/2009, Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã có công văn 2328 thông báo hủy bỏ hợp đồng 235 trên với: “Lý do xí nghiệp quản lý và phát triển nhà số 3 tính sai giá thuê từ giá kinh doanh sang giá thuê ở”.


Cũng trong công văn này, ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã yêu cầu Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà số 3 nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân các cán bộ tham gia thụ lý, thiết lập hợp đồng thuê nhà trên. Về việc này, Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà số 3 giải thích trong công văn là do”sơ sót” nên tính nhầm (!?)


Cho đến thời điểm này, diện tích 41m2 tại tầng 1 nhà 23 Hàng Giầy vẫn được xác định là nhà chuyên dùng, cần được quản lý, sử dụng theo đúng quy định. Quyết định số 26/2008/QĐ-UB của UBND TP chỉ ban hành giá cho thuê nhà đối với đơn vị, tổ chức đang thuê nhà làm cơ sở kinh doanh, dịch vụ, không bao gồm đối tượng được thuê là hộ gia đình.


Xử lý “đất vàng” thế nào?


Trao đổi với VTC News, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết sau khi phát hiện việc Xí nghiệp quản lý nhà số 3 ký hợp đồng cho thuê để ở cho gia đình anh Bùi Chí Thành, Sở Xây dựng đã yêu cầu công ty dừng ngay không cho ký hợp đồng để ở mà phải ký theo quyết định 26 của UBND TP để kinh doanh.


“Tuy nhiên, khi ký theo quy định trong quyết định 26 lại phát sinh một tình huống, nếu ký hợp đồng thuê nhà nhà nước để sản xuất kinh doanh thì phải ký với tổ chức, chứ không được ký với cá nhân. Song, gia đình anh Bùi Chí Thành này không phải là tổ chức đứng ra thuê kinh doanh mà chỉ là hộ gia đình nên không đủ điều kiện. Về việc này Sở cũng đã gửi văn bản lên UBND TP đề nghị:


Một là, cho phép ký hợp đồng kinh doanh cho cá nhân (gia đình ông Bùi Chí Thành) để gia đình này tiếp tục kinh doanh (Tuy nhiên, trong quyết định cho hộ cá nhân kinh doanh trong quyết định 26 không có quy định nào như vậy?) và chắc chắn gia đình ông Bùi Chí Thành cũng sẽ không được mua ngôi nhà này theo nghị định 61/CP.


Hai là đề xuất với UBND TP cho phép bán theo giá thị trường. “Nếu gia đình ông Bùi Chí Thành không mua thì ưu tiên bán cho gia đình bà Đoàn Thị Hồng, Đoàn Thị Tuyết (hiện đang ở tầng hai)” – Ông Tuấn cho biết.


Cũng theo vị Phó Giám đốc Sở, nếu giải quyết theo hướng đó mà bà Hồng, bà Tuyết cảm thấy chưa thỏa đáng, Sở Xây dựng sẽ lại tiếp tục chuyển sang Thanh tra Thành phố để xác minh làm rõ ai đúng, ai sai và sai từ đâu.


“Cá nhân tôi không bênh vực người đang ở cũng không bênh vực người khiếu kiện, nhưng suy nghĩ thì thiên về ngôi nhà đang bị cải tạo (nhà bà Hồng, bà Tuyết) vì hoàn cảnh gia đình họ hiện nay khó khăn thật (gia đình bà Hồng, bà Tuyết hiện có tới 13 nhân khẩu trong đó có 3 người bị bệnh tâm thần)” – Ông Tuấn chia sẻ.


“Giả sử nếu như gia đình chúng tôi không có đơn khiếu nại thì 47m2 “đất vàng” ở mặt phố Hàng Giầy (có giá thị trường khoảng 10 tỷ đồng) này rất có thể đã bị chuyển từ đất công sang thành đất tư. Và như vậy thì Nhà nước cũng thất thoát đi một khoản tiền cực lớn từ việc này” – Bà Hồng khẳng định.


Còn bà Đoàn Thị Tuyết thì cho rằng: “Gia đình bà đã chấp hành chủ trương cải tạo nhà cửa. Thậm chí, sau khi gia đình ông Bùi Chí Thành ký tiếp hợp đồng để thuê với mục đích kinh doanh, gia đình tôi cũng hoàn toàn nhất trí. Nhưng hiện nay diện tích đất trên đang xuất hiệu nhiều dấu hiệu bất thường, cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước, tránh thất thoát tài sản nhà nước nếu bị chuyển đổi sai”.


Lê Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *