Ngôi nhà có diện tích đất 99, 62m2 ở thành phố Bilzen, Bỉ gần với biên giới Hà Lan, được thiết kế cho một cặp vợ chồng đã 60 tuổi, cái tuổi từng trải qua hết những cung bậc của tình yêu.
Vậy ngôi nhà “thiết kế cho tình yêu tuổi 60” có gì đặc biệt phù hợp với tâm lý yêu của lứa tuổi, cá tính của người sống trong cuộc sống đô thị công nghiệp hiện đại?
Thiết kế mặt tiền với hai bancông cùng sự trợ giúp của ánh sáng nhân tạo gợi đến hình ảnh cuộc trò chuyện của Roméo và Juliette.
Từ tình yêu đôi lứa
Thế nào là tình yêu đôi lứa ở thế kỷ 21? Xã hội thay đổi đã ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề như văn hoá, tập tục sinh hoạt và đặc biệt có thể biến đổi cách suy nghĩ của con người về mọi sự việc. Một xã hội thị trường mở cửa và công nghiệp hoá tạo cho mỗi cá thể sự độc lập và cạnh tranh khốc liệt để vươn lên. Vai trò của người phụ nữ trong xã hội đã thay đổi và được nâng lên. Họ tự lập và thường có các quyết định táo bạo. Tất nhiên, trong quan hệ sẽ tính toán nhiều hơn, làm sao có được nhiều thuận lợi nhất, âu cũng là sự ảnh hưởng của một cuộc sống vật chất hiện tại.
Sự giao lưu văn hoá của thời kỳ thế giới hoá hiện nay cũng tác động đáng kể đến cách sinh hoạt. Việc sống thử của các đôi lứa đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Xét về một khía cạnh nào đó cũng có cái đúng. Trước kia khi yêu nhau chúng ta chỉ gặp nhau có mấy buổi một tuần, chỉ tiếp cận được những điều tốt đẹp của nhau. Khi lấy nhau rồi thì thấy nhiều điều khác nhau quá. Kết hôn chỉ là một thủ tục hành chính chứ không dính dáng gì đến tình yêu cả. Người châu Âu có một câu nổi tiếng: “Kết hôn là canh bạc lớn nhất của cuộc đời mà ở đó người ta mong đợi 90% được may mắn”. Ở châu Âu việc sống thử đã bắt đầu không còn phù hợp nữa. Thanh niên trưởng thành sống trong các căn hộ riêng biệt. Lúc nào cần gặp bạn tình thì mới hẹn hò, nếu không ai ở nhà người đó, không ảnh hưởng đến ai, không làm phiền ai. Mội xã hội công nghiêp mang nặng chủ nghĩa cá nhân sẽ đẩy con người chỉ nghĩ đến công việc chứ không còn gia đình nữa.
Đến tình yêu nghề nghiệp
Còn về tình yêu nghề nghiệp, tìm được một tình yêu đôi lứa thực sự đã khó rồi, để có được tình yêu nghề nghiệp chắc cũng không dễ gì. Cứ nhìn ở nước ta hàng năm có bao nhiêu ngàn sinh viên ra trường và tỷ lệ tìm được việc đúng ngành đúng nghề là bao nhiêu. Ngay cả khi tìm được việc rồi thì có phải là nghề mà mình đam mê không. Nhiều học sinh đã chọn trường, chọn nghề vì một tương lai vật chất đầy đủ, và họ sẽ làm việc không có niềm đam mê. Đó cũng là mất mát rất lớn về nhân tài. Ngay ở Thuỵ Sĩ, 50% số người được hỏi đã trả lời là không hài lòng với công việc hiện tại của mình. Nhiều người đi làm để đáp ứng vấn đề tài chính, nhưng họ dùng thời gian rảnh rỗi cho những công việc mà mình yêu thích. Cái quan trọng là không nên bỏ rơi những công việc đó. Nó có tác động rất tốt đến tinh thần của con người.
Sự liên hệ giữa trong nhà và ngoài trời hầu như không có phân cách. Con người không thể sống thiếu thiên nhiên. (Ảnh: SGTT)
Và ngôi nhà ống ở Bilzen
Ngôi nhà mà chúng ta thấy ở đây được thiết kế bởi kiến trúc sư trẻ Bassam El Okeily. Dù anh đã có thời gian làm việc ở văn phòng của kiến trúc sư nổi tiếng nước Pháp Christian De Portzamparc thì đây cũng là công trình đầu tay của anh. Ngôi nhà được thiết kế cho một cặp vợ chồng đã ở tuổi 60.
Ông bà Bienkens – Menten rời ngôi biệt thự ở một làng cách thành phố 30km để tới trung tâm thành phố, tiện sinh hoạt hơn. Hai ông bà đã sống với nhau trên dưới 40 năm, tình yêu gắn bó lâu dài của họ không còn nhiều ở xã hội châu Âu hiện tại. Ngoài tình yêu dành cho nhau, một thứ nữa gắn bó họ đó là cả hai có chung sở thích: ông đam mê lịch sử nghệ thuật, còn bà là hoạ sĩ.
Tình yêu của hai người cũng như niềm đam mê của họ về nghệ thuật là đề tài chủ đạo của đồ án. Ngôi nhà có ba tầng, tầng 1 là không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách, phòng ăn và bếp nối liền với nhau. Phía ngoài đường có garage để xe. Với chiều rộng 5,3m và chiều dài 17m, ngôi nhà không xây hết thửa đất mà để lại một khoảng sân rộng phía sau thông liền với phòng khách tạo sự liên hệ giữa trong nhà và ngoài thiên nhiên.
- Ảnh bên: Vẫn tôn trọng luật lệ của thành phố, mặt tiền của nhà thẳng hàng với các nhà khác và mái có hình chóp
Tầng 2 gồm buồng ngủ cũng như buồng tắm nhìn ra phía sân sau, phần phía trước nhìn ra đường là phòng làm việc của ông Bienkens. Toàn bộ tầng 3 được dùng làm xưởng vẽ cho bà Menten. Trong sự phân chia này, ngoài những khoảng chung cho hai ông bà, hai không gian riêng biệt đã được tạo ra cho hai người. Mỗi người có thể yên tĩnh trong thế giới riêng của mình.
Hai vấn đề chủ đạo của công trình được kiến trúc sư Bassam El Okeily khai thác thành công là âm hưởng và khối trong không gian. Âm hưởng trong không gian kiến trúc là một đề tài mà nhiều kiến trúc sư luôn tìm kiếm trong thiết kế của mình. Trong ngôi nhà này tác giả đã sử dụng màu trắng là màu chủ đạo. Ta có thể nhận thấy ngoài tường, trần và sàn nhà ra, tất cả các tủ trong nhà và ngay cả các viên sỏi ở ngoài sân đều có cùng màu trắng. Mọi thứ hoà trộn với nhau như để minh chứng cho một sự hợp nhất về thể xác và tinh thần của chủ nhà. Tất cả tạo nên một âm hưởng rất lãng mạn.
Nhờ ánh sáng nên màu trắng có nhiều tông màu khác nhau và có hồn hơn
Nói đến âm hưởng ta không thể không nhắc tới ánh sáng. Việc sử dụng ánh sáng thông qua giếng trời và từ ngoài sân đã tạo cho màu trắng có các tông khác nhau. Sự thay đổi của thời gian trong ngày sẽ làm thay đổi âm hưởng của không gian bên trong. Việc đưa thời gian vào không gian đã tạo cho màu trắng trong nhà có hồn hơn.
Đối lập lại những đường thẳng song song cứng nhắc mà ta thường thấy trong nhà hình ống, kiến trúc sư Bassam El Okeily đã thiết kế một giếng trời ở giữa nhà với những đường gãy tự do. Nhờ vào đó mà ánh sáng trong nhà cũng linh hoạt hơn.
Nhưng trọng tâm của công trình chính là mặt tiền của ngôi nhà. Vẫn tuân thủ theo qui định xây dựng của thành phố, mặt tiền thẳng hàng với các nhà xung quanh. Mái nhà vẫn mang hình chóp. Nhưng cách biểu hiện ở đây hoàn toàn hiện đại. Ngôi nhà có một mặt tiền thứ hai, đó là hai bancông được treo rất tự do trong không gian. Cũng như giếng trời, hai bancông này được thiết kế như hai tác phẩm điêu khắc. Mỗi bancông nối liền với không gian riêng biệt của từng người. Đó cũng là nơi đối thoại tạo nhịp cầu nối của hai ông bà trong lúc làm việc.
Sự dàn cảnh này còn được sắp đặt bởi việc thay đổi ánh sáng nhân tạo. Nhìn vào mặt tiền ta có một cảm giác như đang xem một vở kịch. Và theo ý tưởng của tác giả, đó chính là vở kịch nói về một cuộc tình đẹp và lãng mạn nhất của lịch sử loài người: Romeo và Juliette của đại văn hào Shakespeare.
Kiến trúc sư Bassam El Okeily đã thông qua kiến trúc để nói về tình yêu, hay cũng có thể hiểu một cách khác là nhờ tình yêu để làm kiến trúc. Tình yêu luôn không dễ giải thích – mặc dù hấp dẫn. Chỉ có một điều chắc chắn rằng tình yêu sẽ tồn tại vĩnh cửu nếu nó xuất phát từ tâm hồn, chứ chẳng có hình thức nào mãi đẹp cùng năm tháng cả. Ai chưa có nó thì hãy cứ mong chờ. Người nào có rồi thì nên biết nâng niu và trân trọng. Vì chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta vượt qua được các khó khăn, có đủ niềm tin và lạc quan đi tiếp con đường của mình đã chọn.
Sự sắp đặt khối trong không gian. Khối “lõm” của giếng trời và khối “lồi” của bancông.
Vũ Hoàng Sơn – giảng viên khoa Kiến trúc – nội thất, Đại học Mỹ thuật và Thiết kế Geneva, Thuỵ Sĩ
Ảnh: Tim van de Velde, Jerome Malpel
(Theo Kiến trúc & Đời sống)