Giá vật tư xây dựng, đặc biệt là thép, xi măng… liên tục tăng cao kể từ đầu tháng 4 đã khiến cho nhiều đơn vị xây dựng lâm vào tình thế hết sức khó khăn. Hầu hết các đơn vị đều cho rằng, giá vật tư đã tăng không phanh, vượt quá gần 20% so với dự phòng… Nhiều chủ đầu tư, nhà thầu đã phải ngừng dự án hoặc thi công cầm chừng để chờ giá vật tư đi xuống…
Nhiều công trình sẽ phải thi công… rùa bò Kể từ đầu năm, giá vật tư xây dựng đã liên tục đà tăng. Giá thép gây cú sốc đầu tiên khi chỉ từ đầu tháng 3 tới nay đã liên tục 4 lần điều chỉnh tăng, giá thép hiện tại trên thị trường bán lẻ đã lên tới gần 16 triệu đồng/tấn. Giá xi măng cũng tăng khoảng 15%, giá gạch tăng 20%… Đáng nói hơn, theo như dự tính của các doanh nghiệp, giá vật tư sẽ không dừng lại ở đó mà vẫn tiếp tục leo thang từng ngày và có thể đạt đỉnh vào cuối tháng 4. Khi có sự biến động về giá vật tư thì các nhà thầu vẫn là đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất, đặc biệt là những nhà thầu nhận đấu thầu trọn gói.
Khu đô thị Bắc An Khánh Splendora – dự án nhà chung cư, thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam, với diện tích 254,13ha, tổng đầu tư 2,57 tỉ đô la đang bước vào giai đoạn xây dựng hạ tầng bước đầu. Hai nhà thầu chính là Tập đoàn xây dựng pOSCO E & C (Hàn Quốc) và Tổng Công ty cổ phần XNK và xây dựng Việt Nam (VINACONEX). Lộ trình đại dự án kéo dài 10 năm (2010-2020), trong đó 3 năm đầu tập trung xây dựng khoảng 100 ha. Ông phạm Quỳnh – Kĩ sư trưởng của pOSCO cho hay: “Giai đoạn làm móng công trình cho Splendora sẽ phải tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn thép, xi măng, nếu giá vật tư vẫn tiếp tục lên, chắc chắn tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng do chủ đầu tư tạm ngừng mua vật tư để chờ giá đi xuống”. Còn ông Nguyễn Sỹ Thiêm – trưởng phòng Quản lý dự án, đại diện của Công ty cổ phần VIMECO, đơn vị thành viên của VINACONEX lại cho hay: “Hiện tại giá vật tư đã tăng vượt quá 16% so với dự phòng của VIMECO. Theo kế hoạch, tới tháng 6/2010, VIMECO sẽ phải hoàn thành xong việc khoan nhồi, tới năm 2012 sẽ phải hoàn thành xong 50ha giai đoạn 1 của dự án Splendora. Thời điểm này, công ty vẫn đang sử dụng nguồn vật tư dự trữ, khi nguồn vật tư này hết, đơn vị sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu vẫn tiếp tục giữ nguyên tiến độ thi công, nhập vật tư giá cao, chi phí đội lên, khi đó công ty sẽ phải tính toán lại mặt bằng giá cả, khách hàng sẽ phải chia sẻ bớt khó khăn với nhà thầu”. VIMECO hiện cũng đang thi công 3 công trình trọng điểm chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội: trục đường Láng – Hoà Lạc, Bảo tàng Hà Nội, toà nhà Quốc hội. Giai đoạn thi công nước rút lại rơi đúng thời kì biến động giá mạnh khiến đơn vị cũng phải loay hoay tìm cách đối phó. Cuộc “vượt cạn” của những doanh nghiệp nhỏ Sự leo thang giá vật tư chóng mặt đang khiến hàng trăm đơn vị xây dựng nhỏ lâm vào tình thế lao đao vì vốn. Vốn dĩ không có tiềm lực mạnh về tài chính, nay lại khó tiếp cận vốn vay ngân hàng (hoặc vay với lãi suất rất cao), nhiều đơn vị đã phải ngừng dự án hoặc không dám nhận đấu thầu những công trình có nguồn đầu tư lớn. Ông Mai Sỹ Quế – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Đại Việt, đơn vị đang triển khai khu đô thị mới Xa La, cho biết: “Từ nhiều tháng nay chúng tôi không tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các ngân hàng do ngân hàng chủ yếu ưu tiên đầu tư cho các đơn vị có tiềm lực. Bởi thế công ty không nhận đấu thầu trọn gói như trước mà chuyển sang cung ứng nhân lực, máy móc cho các chủ đầu tư để tránh những rủi ro về giá vật tư”. Ông Nguyễn Thiện Khoa – Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Đồng Bằng – đơn vị chuyên dựng nền móng công trình cũng than thở: “Từ đầu tháng 4, chúng tôi không nhận thi công thêm hợp đồng nào bởi việc thi công nền móng tiêu thụ rất nhiều thép, xi măng trong khi giá lại đang tăng không phanh khiến công ty có thể sẽ lỗ nặng. Hiện tại công ty cũng chỉ cung cấp nhân lực, máy móc cho các công trình”. phân tích về những tác động của giá vật tư, ông trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: “Hiện tại đang vào mùa khô, các đơn vị đang tích cực triển khai thi công hoàn tất các dự án nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng rất lớn. trong khi đó, giá thép, xi măng… liên tục tăng, khiến khả năng rủi ro với các nhà thầu tăng cao, đặc biệt là các đơn vị nhỏ, do không có sự hậu thuẫn về mặt tài chính. Sự chủ quan, không dự trữ vật tư, cho rằng giá vật tư sẽ không lên… sẽ khiến nhiều đơn vị đối mặt với thua lỗ, thậm chí phá sản. Nếu không kiểm soát tốt việc tăng giá, sẽ có thể dẫn tới nguy cơ các nhà thầu ngừng thi công hoặc thi công cầm chừng để tránh thiệt hại”. Theo ông Hùng, hiện tại, chỉ riêng Hà Nội đang có hơn 100 dự án lớn đang triển khai, trong đó có hơn 60 dự án phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, cần phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước tháng 10-2010. Không ít dự án sẽ phải tạm ngừng hoặc thi công châm chạp vì các nhà thầu còn chưa kịp trở tay trước tình trạng biến động giá vật tư. Không ít doanh nghiệp xây dựng nhỏ sẽ phải lao đao “vượt cạn”. Tâm lí thi công cầm chừng để chờ giá vật tư đi xuống sẽ khiến cho nhiều công trình chậm tiến độ. |