“LÀNG NƯỚC NỔI KAMPONG AYER” (BRUNÂY) – “VENICE CỦA PHƯƠNG ĐÔNG” Làng nước nổi Kampong Ayer có lịch sử hơn 1.300 năm, là nơi thể hiện rõ nhất nền văn hóa sông nước của người dân bản địa Brunây. Lịch sử làng nước nổi gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Brunây. Trong thời kỳ phát triển cường thịnh nhất (1485-1524), Kampong Ayer là trung tâm hành chính, kinh đô của Đế chế Brunây và là một hải cảng quan trọng trong khu vực. Cư dân ở đây kiểm soát phần lớn các giao dịch thương mại tại cảng này. Họ buôn bán các hàng hóa của địa phương như long não, quế, ngọc trai, kim cương, vàng, nước hoa, và thực phẩm… Làng nước nổi Kampong Ayer chiếm diện tích hơn 10 km2, với khoảng 39 nghìn cư dân sinh sống (khoảng 10% dân số Brunây) chia thành 42 làng nằm dọc theo bờ sông Brunây. Du khách có thể đến nơi đây bằng thuyền hoặc đường bộ qua các cây cầu gỗ gần thủ đô Banđa Xêri Bơgaoan. Hơn 4.000 công trình được xây dựng trên những cây cột cách mặt nước khoảng 2 mét, gồm nhà ở, nhà thờ Hồi giáo, các quán ăn, cửa hàng, trường học và bệnh viện, đồn cảnh sát… Nhà nước Brunây đầu tư nhiều công trình công cộng như đê chắn sóng bằng bê tông, cầu gỗ, ống dẫn nước, bưu điện, trường học, bệnh viện, nhà thờ, đồn cảnh sát và thậm chí cả trạm cứu hỏa biển được trang bị đầy đủ thiết bị phù hợp với địa hình sông nước. Đường điện được kéo vào đến tận mỗi gia đình… Vì ở trên sông nên các ngôi nhà gỗ rất giới hạn về diện tích. Mỗi ngôi nhà gỗ trong làng đều được xây dựng theo kiểu truyền thống độc đáo, có khoảng sân rộng phía trước để trồng hoa và có thể chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các ngôi nhà được kết nối với nhau bởi các cây cầu gỗ (gọi là jembatan). Trong làng có đến gần 40 km đường là các cây cầu bằng gỗ. Trộm cắp, cướp giật hầu như không tồn tại trong ngôi làng này. Người dân nơi đây có cuộc sống hoàn toàn giống với những cư dân sống ở đất liền. Bên trong mỗi nhà được trang bị khá hiện đại, từ việc kết nối internet, đến truyền hình cáp, máy điều hòa không khí và các trang thiết bị cần thiết khác như máy giặt, điện thoại, máy fax… Trước đây, người dân trong làng có thói quen xả rác trực tiếp ra sông, từ việc đi vệ sinh đến tất cả mọi thứ khác, nên dòng sông trở thành bãi rác khổng lồ. Gần đây, chính phủ đã chú ý đến vấn đề vệ sinh môi trường ở đây và thành lập Phòng vệ sinh môi trường chuyên đi thu nhặt rác thải hằng ngày. Trong làng có 15 trường, từ Tiểu học đến Trung học. Nếu muốn học lên Đại học thì học sinh phải vào đất liền. Ngày nay, người dân trong làng cho con em đến trường nhiều hơn. Nhiều người đã trở thành bác sĩ, giáo viên, thợ máy, lập trình viên… và có những người trong số họ hằng ngày vào đất liền làm việc. Phương tiện công cộng duy nhất ở làng nước nổi này là “taxi nước” (được gọi là Tambang). Tambang được làm bằng một loại gỗ đặc biệt ở địa phương (gỗ meranti merah) và có gắn động cơ. Việc kinh doanh “taxi nước” khá hiệu quả: nó không chỉ là phương tiện đi lại của người dân mà bất cứ du khách nào đến Brunây cũng không thể bỏ qua nét văn hóa đặc sắc ở làng nước nổi này. Khoảng 25 đôla Brunây (tương đương 300 ngàn VNĐ) cho một chuyến đi dạo quanh làng. Hằng ngày, những công chức đón “taxi nước” vào đất liền làm việc, một số khác làm dịch vụ kinh doanh “taxi nước”, buôn bán trên sông nước, còn một số người già thì thường làm công việc đánh bắt cá… ngay trong nhà mình. Đến với Làng nổi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công độc đáo, tinh xảo như đồ làm bằng bạc, bằng đồng, đồ mộc, khăn thêu và đồ đan lát; sẽ được biết về các hoạt động kinh tế truyền thống ở đây, chủ yếu là buôn bán trên sông nước và đánh cá. Ngoài ra, du khách có thể được thưởng thức những điệu nhảy và bản nhạc truyền thống vui vẻ của những người dân rất hiền lành và mến khách. Ngày nay, Kampong Ayer là địa điểm thu hút khách du lịch, là một di sản sống động, một biểu tượng của tự do, thống nhất, phát triển của người dân Brunây. Du khách châu Âu đến thăm Brunây thường miêu tả Kampong Ayer như “Venice của phương Đông’./. |
Nhân kỷ niệm 25 năm ngày Quốc khánh Vương quốc Hồi giáo Brunây (23-2-1984–23-2-2009):
1