Bài 3: Vòng luẩn quẩn về chọn vị trí đầu tư Sau khi đã xác định được cơ hội đầu tư, câu hỏi đầu tiên mà nhà đầu tư phải trả lời là: Dự án đầu tư sẽ được thực hiện ở đâu? >>Bài 2: Xác định sự cần thiết phải đầu tư: Chủ quan, duy ý chí
Không ít người cho rằng, làm gì có chuyện khó khăn trong việc tìm đất cho dự án đầu tư. Bởi lẽ, đất quê ta mênh mông, còn nhiều, rất nhiều diện tích đang bỏ hoang. Chính sách của Đảng và Nhà nước đã rõ ràng là ưu tiên, ưu đãi cho các dự án đầu tư nhằm phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và hướng tới mục tiêu CNH, HĐH. Thế thì cứ tự do lựa chọn để có được khu “đất lành” nhất cho sự nghiệp lâu dài. Chẳng hạn, cứ đưa cái dự án ấy lên Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn thì sẽ được đón tiếp “nồng hậu” với rất nhiều ưu đãi. Không muốn lên núi cao thì các KCN, cụm công nghiệp đang mọc ra nhan nhản, đang chào mời đấy. Cứ vào nghiên cứu địa điểm và ký hợp đồng thuê đất, có ai cấm đâu. Nếu không muốn vào các KCN, cụm công nghiệp thì cứ vi vu đi khảo sát, thấy chỗ nào hợp lý thì làm văn bản trình các cấp có thẩm quyền. Khi thực sự đầu tư vì lợi ích quốc gia chứ không phải làm động tác giả để chiếm giữ rồi buôn bán đất đai thì sẽ được ủng hộ. Nguyên lý ấy cũng đã rõ như “hai lần 5 ắt phải là 10” rồi, còn phải băn khoăn gì nữa? Nhưng thật đáng tiếc, những điều nêu trên chỉ là lý thuyết. Cao hơn nữa, nó chỉ là lý thuyết suông mà thôi. Bởi lẽ, tìm đâu ra lao động đủ trình độ chuyên môn để vận hành dự án? Một chủ đầu tư đã khởi sự dự án tại Hà Giang kêu trời vì không tuyển nổi một nhân viên kế toán đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa, đưa dự án lên “vùng sâu, vùng xa” chi phí vận chuyển nguyên, vật liệu và thành phẩm tiêu thụ sẽ tăng lên đến chóng mặt. Hiệu quả kinh tế của dự án không bảo đảm, ai dám liều? Và, một thực tế nữa, đất rừng mênh mông, đang bỏ hoang năm này qua năm khác đấy, nhưng cứ có dự án “xin” thuê đất đi, mảnh đất ấy lại “đắt như vàng”! Vào các KCN, cụm công nghiệp cũng đâu có dễ. Vướng mắc đầu tiên là giá thuê đất quá cao. Cái giá 5 – 25 USD/m2/năm là quá sức với một dự án đầu tư của DN nhỏ và vừa. Hơn thế, khá nhiều KCN, cụm công nghiệp lại đòi hỏi phải thanh toán ngay toàn bộ tiền thuê đất. (Cũng chẳng trách được Cty đầu tư cơ sở hạ tầng ấy, vì họ phải thu hồi vốn để đầu tư tiếp chứ?). Một dự án đầu tư ít nhất cũng phải có thời gian vận hành khoảng 20 năm, phổ biến là 30 – 40 năm. Nếu diện tích cần thuê chỉ là 1ha thôi thì tiền thuê đất trả ngay một lần cho 20 năm cũng là không nhỏ. Thế cho nên, không ít nhà đầu tư, dù rất muốn đầu tư vào KCN, cụm công nghiệp nhưng “lực bất tòng tâm” nên đành “kính nhi, viễn chi” và thở dài nuối tiếc. Còn cứ đi khảo sát, thấy khu đất nào ưng thì làm văn bản xin thuê ư? Xin thưa, trong hàng vạn nẻo đường mà nhà đầu tư đi tìm đất cho dự án, đây là con đường gian nan nhất. Không phải là đại gia về tiền, bạc; không dám chịu chơi; không có thế lực mạnh từ bộ máy công quyền… thì đừng dại mà dấn thân vào con đường đầy chông gai này. Bởi lẽ, khi đi theo “con đường” này, nhà đầu tư phải tự đặt cho mình một nhiệm vụ bất thành văn, đó là: Phục vụ cho thật tốt, “làm dâu” cho thật tốt từ những cụ già, con trẻ đến các “công bộc” của dân ở địa phương có mảnh “đất lành” ấy. Và, nhà đầu tư phải nghiến răng mà đền bù, GPMB với những yêu sách rất… ngược đời nhưng lại là sự thật. Thực hiện một dự án đầu tư cũng xây dựng một căn nhà. Không ai có thể xây nhà khi không có đất. Vì vậy, tìm “đất lành” cho “chim” đậu là khâu mở đầu và vô cùng khó khăn của các nhà đầu tư Việt Nam. Đó là “cái vòng luẩn quẩn” mà khá nhiều nhà đầu tư đang phải tìm lối thoát. Cái “vòng luẩn quẩn” tiếp theo là hành trình của thủ tục hành chính. Mặc dù Nhà nước ta đã có rất nhiều văn bản nhằm cải cách thủ tục hành chính nói chung, trong đó có thủ tục về đầu tư, song các thủ tục hành chính về đầu tư lại đang trong tình trạng “trăm hoa đua nở”. Không ít nhà đầu tư đã như “gà mắc tóc” khi gặp những yêu cầu trái ngược nhau. Theo quy định, các dự án đầu tư, tùy theo quy mô, phải được đăng ký đầu tư hoặc cấp giấy phép đầu tư. Để được đăng ký đầu tư hoặc cấp giấy phép đầu tư phải có văn bản chấp thuận về địa điểm đầu tư. Song, để có văn bản chấp thuận về địa điểm đầu tư và diện tích đất đai cần sử dụng lại phải có văn bản về đăng ký đầu tư hoặc giấy phép đầu tư. Điều đó tưởng là “chuyện lạ” nhưng lại đang “có thật” ở không ít địa phương của nước ta. Nguyên nhân của cái “vòng luẩn quẩn” ấy có rất nhiều. Song, nguyên nhân cơ bản là sự thiếu minh bạch trong quản lý đất đai, sự thiếu công tâm của cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền. Xin gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đó trong công tác quản lý.
|
Quản lý dự án đầu tư – búc xúc từ thực tiễn (bài 3)
5