Trang chủ » Quản lý dự án đầu tư – búc xúc từ thực tiễn (Bài 4)

Quản lý dự án đầu tư – búc xúc từ thực tiễn (Bài 4)

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments







Bài 4: Công nghệ và kỹ thuật của dự án: Lực bất tòng tâm



>>Bài 3: Vòng luẩn quẩn về chọn vị trí đầu tư
>>Bài 2: Xác định sự cần thiết phải đầu tư: Chủ quan, duy ý chí
>>Bài 1: Rắc rối từ khái niệm



Dự án đầu tư sử dụng công nghệ và kỹ thuật nào? Công nghệ và kỹ thuật ấy có thực sự là tiên tiến không? Đó là những câu hỏi bắt buộc phải trả lời khi thẩm định một dự án đầu tư. Đối với những dự án đầu tư hình thành cơ sở sản xuất mới – các nhà máy, xưởng sản xuất – điều đó lại càng quan trọng hơn vì nó quyết định đến tuổi thọ, khả năng cạnh tranh của sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ trên thị trường. Theo những quy định hiện hành, về mặt công nghệ và kỹ thuật, khi lập dự án đầu tư phải nêu rõ những vấn đề: Quy mô hạng mục công trình (xác định bằng công suất, năng lực phục vụ của các hạng mục cụ thể); giải pháp công nghệ chính (sử dụng công nghệ nào, nhận chuyển giao từ đâu, trình độ hiện đại của công nghệ được sử dụng…); tiêu chuẩn kỹ thuật (cấp công trình, tiêu chuẩn xây dựng theo TCVN hoặc tiêu chuẩn ngành, quy phạm áp dụng để tính toán); Các giải pháp kỹ thuật xây dựng (giải pháp mặt bằng, kết cấu chính, phụ của nhà và công trình, nền móng, kết cấu bao che với các kích thước, tham số cơ bản); Trang thiết bị: Số lượng, chủng loại, công suất các loại trang thiết bị cần thiết cho công trình, các phụ tùng, vật tư kỹ thuật đi kèm…




16 năm, công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chỉ là lắp ráp. Ảnh: TL


Báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án đầu tư hiện nay đã thuyết minh rất đầy đủ những nội dung nêu trên. Song, vấn đề quan trọng hơn là việc thẩm định, đánh giá trình độ hiện đại của công nghệ được sử dụng hiện nay còn mang tính hình thức, chiếu lệ. Thế cho nên, bất chấp những khuyến cáo của các cơ quan quản lý, các Viện nghiên cứu KHKT, thậm chí là của cả các tổ chức quốc tế, không ít dự án đầu tư sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu vẫn được chấp nhận đầu tư. Hậu quả là, sản phẩm sản xuất ra với chất lượng thấp, hoặc đầu tư với quy mô quá lớn, khi đi vào khai thác không thể đạt tới công suất hòa vốn. Điều đó, tất yếu dẫn đến chi phí sản xuất cao, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường và dự án nhanh chóng bị “chết non”; môi trường bị phá hủy nghiêm trọng… Chẳng hạn, không ai có thể lý giải được vì sao, cho đến nay, người ta vẫn ký duyệt cho một dự án xi măng lò đứng với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng được triển khai rồi đắp chiếu năm này qua năm khác. Có rất nhiều lý do để biện minh cho việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật lạc hậu, trong đó, có lý do rất “khách quan” và rất “thuyết phục” là khả năng đầu tư về tài chính. Điều đó không sai vì khi nhận chuyển giao công nghệ, mua sắm thiết bị tiên tiến chắc chắn phải đầu tư lớn hơn. Chẳng hạn, với một nhà máy nhiệt điện, nếu nhận chuyển giao công nghệ và mua thiết bị từ các nước thuộc nhóm G7, chi phí đầu tư sẽ cao hơn  từ 1,5 – 2 lần so với nhận chuyển giao công nghệ, mua thiết bị từ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là phải lựa chọn hoặc là xây dựng một nhà máy hiện đại, với chất lượng sản phẩm tốt, giá thành hạ hoặc chấp nhận xây dựng hai nhà máy với công nghệ “thường thường bậc trung” (mà thực chất là lạc hậu) với chất lượng sản phẩm thấp. giá thành cao và ô nhiễm môi trường. Giải đáp câu hỏi nêu trên không hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà đầu tư, đó là vấn đề thuộc về chiến lược đầu tư và là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. “Lực bất tòng tâm” về vốn đầu tư chỉ là một nhân tố dễ thấy nhất. Bên cạnh đó, không đủ thông tin, tài liệu khoa học để đánh giá trình độ của công nghệ, trang bị kỹ thuật được chuyển giao; những “giao dịch ngầm” trong việc nhận chuyển giao… cũng là những nhân tố chi phối rất quan trọng.



Kết thúc của giai đoạn lựa chọn các giải pháp công nghệ và kỹ thuật được thể hiện trên bản thiết kế sơ bộ. Đây là đòi hỏi bắt buộc đối với những dự án đầu tư có xây dựng công trình. Nguyên tắc “bất di bất dịch” khi viết và bảo vệ dự án là các công trình xây dựng thuộc dự án phải có thiết kế kỹ thuật, thiết kế cơ sở. Nhiều trường hợp phải có cả dự toán công trình. Lý do để đưa ra nguyên tắc này là sẽ không thể dự tính được các chỉ tiêu như tổng vốn đầu tư, các hệ số như IRR, NPV, ROI… nếu không có những tài liệu kỹ thuật tin cậy. Đó là lý do không ai có thể bác bỏ. Tất nhiên, không phải chủ doanh nghiệp nào cũng “tự thực hiện” được công đoạn này. Bản vẽ đó phải do một đơn vị có chức năng tư vấn thiết kế thực hiện, đóng dấu, ký tên và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cho nên, đi thuê vẽ hoặc nhờ vẽ rồi “mua dấu” là chuyện “thường ngày ở huyện” đối với các chủ đầu tư. Trong trường hợp thuê thiết kế, chi phí cho những bản vẽ này không ít. Một chủ đầu tư lập dự án xây dựng một nhà máy ươm, se tơ xuất khẩu theo công nghệ Trung Quốc đã phải thuê thiết kế nhà máy với tổng số tiền lên tới… 300 triệu đồng. Và, tiếc thay, dự án đã không giải quyết được nguồn vốn và… không thực hiện được. Ba trăm triệu đồng để có những bản vẽ kỹ thuật chỉ để làm vật… kỷ niệm! Với những dự án đầu tư quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp hoặc chuyên dụng, như đầu tư trong ngành in, nhuộm, nhà máy thủy điện… chi phí thiết kế có thể lên tới hàng tỷ đồng.



Những quy định ấy của pháp luật không sai. Nhưng điều trớ trêu là, dự án được xây dựng khi chưa được thuê đất, máy móc thiết bị nhập khẩu chưa ký kết hợp đồng, công nghệ chưa được chuyển giao… cho nên những dữ liệu tối cần thiết để viết dự án và thiết kế kỹ thuật đều do… tưởng tượng mà có. Cho nên, sau khi được phê duyệt và đi vào thực hiện, những luận chứng kinh tế trong dự án, bản vẽ thiết kế không bao giờ trở thành hiện thực.



Trong cuộc “đại cách mạng” về cải cách thủ tục hành chính ở nước ta hiện nay, có cách nào để xóa bỏ nghịch lý này cho các chủ đầu tư mà vẫn bảo đảm quản lý tốt việc đầu tư xây dựng?



(Kỳ sau: Những nghịch lý từ… quy hoạch).



 


Luật gia Vũ Xuân Tiền 
Tổng giám đốc Cty CP tư vấn quản lý và đào tạo VFAM Việt Nam.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.