Rừng ngập mặn bị phá hủy nghiêm trọng gây ô nhiễm và suy thoái môi trường





Phó Giáo sư-Tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Hiện rừng ngập mặn ở nước ta đang bị phá hủy nghiêm trọng, với tốc độ bình quân khoảng 3%/ năm làm tăng diện tích đất hoang, tăng xâm nhập mặn, xói lở bờ biển và sông, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường.


Lý giải về tác hại của việc tàn phá rừng ngập mặn ở nước ta, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng: Đó là do sự phát triển ồ ạt của các khu sản xuất nông nghiệp, khu dân cư, khu nuôi tôm ven biển, ven sông khiến diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp và cách biệt dần khỏi ảnh hưởng của thủy triều. Điều này dẫn đến giảm đáng kể diện tích phân phối nước triều, đặc biệt là lúc triều cường gây ra hiện tượng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Việc quai đê lấn biển lấy đất rừng ngập mặn trồng lúa, đắp đầm với diện tích lớn cũng thu hẹp bãi bồi ven sông ven biển, làm giảm lượng phù sa bồi đắp cho các bãi triều, mất đi bình phong bảo vệ đê biển. Đất rừng ngập mặn thường có các tầng khử màu xám xanh. Khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng ngập mặn sang các hoạt động khác khiến đất rừng ngập mặn bị suy thoái làm cho nước bị chua phèn, bị bỏ hoang không có khả năng canh tác và nuôi trồng thủy sản hoặc phục hồi rất chậm. Còn có thể kể đến những hậu quả tai hại khác như gây ô nhiễm đất và nước đầm nuôi trồng thủy sản, giảm nguồn lợi sinh vật và giống thủy sản tự nhiên, giảm năng suất nuôi tôm và nhất là ảnh hưởng đến sinh kế người dân và phân hóa giàu nghèo.


Để bảo vệ rừng ngập mặn, Việt Nam cần phải rà soát lại quy hoạch phát triển thủy sản ven biển và điều chỉnh theo hướng ưu tiên bảo tồn rừng ngập mặn hiện có, phục hồi rừng ngập mặn bị suy thoái và thậm chí hoàn nguyên một số khu rừng ngập mặn đã sử dụng thiếu hợp lý. Trong các quy hoạch nuôi trồng thủy sản ven biển phải dành đất để trồng các dải rừng ngập mặn làm vành đai xanh bảo vệ bờ biển, đầm nuôi với diện tích hợp lý theo quy hoạch tùy theo địa hình để giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Đặc biệt, cần phải nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và người dân về vai trò, giá trị của rừng ngập mặn, nhất là phát triển thủy sản bền vững. Vấn đề cốt yếu để giải quyết cơ bản việc phát triển rừng ngập mặn, nuôi trồng thủy sản hiệu quả và bền vững là cân nhắc đầy đủ 3 yếu tố gồm kinh tế (hiệu quả kinh tế), xã hội (xóa đói giảm nghèo), môi trường (an ninh sinh thái) và lồng ghép chúng vào các kế hoạch sử dụng rừng ngập mặn./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *