Thị trường nhà ở Mỹ sẽ bình ổn?








Vào nửa cuối tháng 2 vừa qua, đích thân Tổng thống Mỹ đã công bố chương trình bình ổn cuộc khủng hoảng nhà ở vốn được coi là cội rễ của cơn suy thoái kinh tế tại Mỹ hiện nay.




Như vậy là sau 1 năm chứng kiến sự hoành hành ngày càng dữ dội của cơn bão nhà ở, từ sự khủng hoảng tín dụng – tài chính nhà ở tại Mỹ lan rộng ra tới mọi ngóc ngách kinh tế – xã hội của hầu khắp các nước trên thế giới, giờ đây hy vọng nước Mỹ đã hoạch định xong giải pháp đối phó. Chúng ta đều biết rằng ở Mỹ có hẳn một Bộ cấp nội các chuyên trách vấn đề phát triển nhà ở – đó là Bộ Phát triển nhà ở và Đô thị có ngân sách hàng năm đạt khoảng 30 tỷ USD. Vậy mà đợt này chính Tổng thống Mỹ đứng ra công bố chương trình. Điều này cho thấy vấn đề nhà ở – ít nhất là trong giai đoạn này không phải là vấn đề được xếp ở cấp độ thứ 2.



Đích của chương trình bình ổn là giúp khoảng 9 triệu chủ hộ Mỹ thoát khỏi nguy cơ bị mất nhà cùng việc giúp các đối tượng cho vay tiền mua nhà thoát khỏi nguy cơ phá sản. Kế hoạch quan trọng này được Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố tại bang Arizona, một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nhất trong cuộc khủng hoảng nhà ở với gần 12 vạn nhà bị xiết nợ trong năm trước. Ở Mỹ, bang Arizona còn có tên gọi là bang Đại vực, nằm ở phía Tây Nam đất nước với hơn 5 triệu dân. Nơi phát triển các ngành chế tạo, xây dựng, du lịch, hầm mỏ, nông nghiệp với các sản phẩm chính như điện tử, in ấn, thực phẩm, kim loại cơ bản và chế tác, công nghiệp hàng không và tên lửa, hàng may mặc. Cây trồng ở đây chủ yếu là bông vải, rau diếp, cải bông, súp lơ, lúa miến, lúa mạch, lúa mỳ, ngô, cam, quýt. Tổng sản phẩm của bang đạt khoảng 160 tỷ USD, trong đó giá trị xây dựng là hơn 10 tỷ USD.



Kế hoạch được mong đợi này có tên gọi “Sáng kiến ổn định cho người sở hữu nhà” trị giá 75 tỷ USD, trích từ gói cứu trợ tài chính trị giá 700 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua mùa thu năm ngoái. Cách thức sẽ là hỗ trợ các bên cho vay để họ giảm lãi suất với đối tượng vay tiền mua nhà. Bộ Tài chính Mỹ sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính đối với hai tập đoàn ngân hàng chuyên cho vay tiền để mua nhà là Fannie Mae và Freddie Mac với mức 200 tỷ USD cho mỗi ngân hàng.  Kế hoạch này dự kiến sẽ trợ giúp được 5 triệu chủ sở hữu nhà có khoản nợ ngân hàng nhiều hơn giá trị nhà của họ trên thị trường hiện nay cùng 4 triệu đối tượng nữa đang có nguy cơ bị xiết nhà thế nợ. Hy vọng gói cứu trợ được chuẩn bị chu đáo này sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả.



Hiện nay thị trường nhà ở Mỹ đang ở những vạch chót trong khu vực màu đỏ: tỷ lệ xây nhà mới được coi là thấp nhất trong nửa thế kỷ qua. Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/2/2009 vừa thông báo tỷ lệ xây dựng nhà được điều chỉnh hàng năm theo mùa ở Mỹ trong tháng 1/2009 đã giảm gần 17% xuống chỉ còn 466.000 nhà, là mức thấp nhất trong 50 năm qua. Tỷ lệ đơn xin cấp phép xây nhà tại Mỹ trong tháng 1/2009 cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn hơn 520.000 đơn. Tỷ lệ xây dựng nhà mới ở các bang thuộc miền Đông Bắc nước Mỹ có mức giảm lớn nhất (42,9%), sau đến là các bang miền Nam (giảm 12,8%) còn miền Tây (giảm 6,4%). Ngành Xây dựng Mỹ với giá trị sản lượng khổng lồ khoảng 1.000 tỷ USD ở những năm thịnh vượng đang phải đối mặt với những khó khăn thường chỉ xảy ra vài lần trong một thế kỷ, đe doạ công ăn việc làm và cuộc sống của vài triệu lao động ngành Xây dựng Mỹ và hàng chục triệu thân nhân của họ.



Hiện đang có nhận định lạc quan cho rằng đến cuối năm 2009, thị trường nhà ở Mỹ sẽ bắt đầu bước vào một giai đoạn mới khởi sắc hơn và sau đó vài tháng sẽ tác động thúc đẩy thị trường nhà ở thế giới lấy lại được phong độ vốn có của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *