Trang chủ » Thi tuyển thiết kế quốc tế các vấn đề cần cân nhắc

Thi tuyển thiết kế quốc tế các vấn đề cần cân nhắc

bởi Kien Truc - Kientruc.vn





Việc thể chế hóa các cuộc thi tuyển quy hoạch kiến trúc là điều cần thiết, nhưng nên “mềm dẻo” tùy theo các mục đích yêu cầu thực tế của cuộc thi và tùy trường hợp các dự án có nhận ngân sách đầu tư của nhà nước hoặc có ảnh hưởng lớn đến lợi ích người dân khu vực lân cận hay không.




Bộ Xây dựng vừa ban hành thông tư hướng dẫn thi tuyển thiết kế quy hoạch kiến trúc trên toàn quốc trên cơ sở thông tư hướng dẫn đã ban hành năm 2005 và kinh nghiệm các cuộc thi tuyển trong thập niên vừa qua. Người viết muốn nhân cơ hội này để xin đóng góp ba vấn đề quan trọng cần cân nhắc, dựa trên kinh nghiệm tham gia quá trình xét duyệt chọn phương án của nhiều cuộc thi quốc tế tại Việt Nam và nước ngoài.



1. Thành phần Ban Giám Khảo và cách chấm thi thể hiện chất lượng của giải thưởng thi tuyển



Thông thương Ban Giám Khảo chỉ có từ 1- 3 ngày để chọn lựa các phương án, trong đó có việc xếp hạng 3 phương án tốt nhất. Ðây là một công việc khó khăn cần trình độ chuyên môn rất cao, thì mới có thể hiểu sâu và đánh giá đúng giá trị của các phương án được nghiên cứu bởi các nhà chuyên môn trong thời gian trung bình từ 6 tháng đến 2 năm trước khi nộp bài. Thành phần Ban Giám Khảo đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành bại của một cuộc thi, vì Ban Giám Khảo là người đề ra những tiêu chí và cách chấm thi. Có một số vấn đề về thành phần Ban Giám Khảo trong những cuộc thi trước đây, cần được cân nhắc lại khi tổ chức các cuộc thi trong tương lai như sau:




Nhà Chuyên môn: Tùy theo tính chất của cuộc thi (Ý tưởng, thiết kế kiến trúc hoặc quy hoạch, thầu thiết kế và thi công trọn gói…), số lượng thành viên đóng vai trò nhà chuyên môn trong Ban Giám Khảo phải chiếm ít nhất 60% trở lên để đảm bảo việc chọn lựa mang tính khoa học hơn là theo cảm tính. Ít nhất trong Ban Giám Khảo phải có một vài nhà chuyên môn có đủ kinh nghiệm khả năng thiết kế công tác mà cuộc thi đang đề ra, nếu như họ được mời đích danh. Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan của cuộc thi, người của cơ quan có đại diện trong Ban Giám Khảo sẽ không được tham gia cuộc thi.




Ðại diện Chủ Ðầu tư hoặc cơ quan chủ quản dự án: Ðể đảm bảo phương án chọn phục vụ mục đích đầu tư. Số lượng đại diện chủ đầu tư chỉ nên tối đa là 1 người.




Quan chức: Thông thương vai trò của quan chức trong Ban Giám Khảo nhằm đem lại tính trang trọng cho cuộc thi (ví dụ một quan chức cấp cao), hoặc để đảm bảo đồ án được giải không vấp phải các vấn đề pháp lý khi xin phép xây dựng (ví dụ một quan chức trong Sở Quy Hoạch Kiến trúc hoặc Lãnh đạo Hội Kiến trúc sư). Số lượng quan chức và đại diện các cơ quan nhà nước nếu có, chỉ nên giới hạn tối đa là hai người. Thậm chí người ta có thể hoàn toàn không cần có sự hiện diện của các quan chức lẫn đại diện nhà đầu tư trong thành phần Ban giám khảo, bằng cách để Hội Ðồng Giám khảo chọn ra ba phương án tốt nhất, sau đó nhà đầu tư sẽ tham khảo ý kiến các quan chức về việc loại ra những đồ án không khả thi và không tương hợp với định hướng quy hoạch chung của thành phố hoặc khu vực, trước khi công bố kết quả.





Chuyên gia nước ngoài: Trong các cuộc thi quốc tế và quốc gia, người ta thấy ngày càng nhiều thành viên trong hội đồng giám khảo từ nước ngoài (Ngoại kiều hoặc Việt kiều). Điều này có thể đem lại lợi ích lớn về tầm nhìn tương lai cũng như các yếu tố hỗ trợ cho dự án trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, nếu đặt trọng tâm của việc mời chuyên gia nước ngoài là vào việc chọn được đồ án chất lượng cao, thì chúng ta cần phải chú ý những vần đề sau:




– Các chủ tịch Hội chuyên ngành (UIA, Arcasia, AIA, RIBA,…), và các hiệu trưởng các trường Quy hoạch, Kiến trúc nổi tiếng, thương không phải là chuyên gia giỏi nhất hoặc là người có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong giới nhà nghề, mà thương chỉ đơn thuần là một chức vị hành chính, và tiêu chuẩn tuyển chọn vào vị trí này thương đặt nặng vào khả năng lãnh đạo và hợp tác với tất cả thành viên và khả năng thu hút đóng góp tài chính cho cơ quan.




– Các chuyên gia chỉ có kinh nghiệm nước ngoài mà thiếu kinh nghiệm thực tế tại Á Chu và Việt Nam, thương có những mặt hạn chế về cách nhận định và các đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.



– Các giáo sư nổi tiếng, nhưng chưa hề có kinh nghiệm hành nghề chuyên môn, thương đi vào xu hướng nghiên cứu lý thuyết (theoretical research) thay vì nghiên cứu thực hành (practical research), do đó các ý kiến của họ thương được lý tưởng hóa, và ít khi đi sát với thực tế.



– Các chuyên gia có sự liên hệ mật thiết với nhà đầu tư, thương ít khi có ý kiến khách quan, nếu nó không có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.



2. Công tác chuẩn bị cho việc thi tuyển cần được giao cho nhà chuyên môn




Một điều rất hiển nhiên là trong hầu hết các cuộc thi quốc tế, các tài liệu hiện trạng và nhiệm vụ thiết kế hiếm khi đạt chuẩn quốc tế, không những là do thiếu sót hồ sơ, mà còn là do việc thiếu chuẩn bị từ phía nhà tổ chức. Chính vì thế mà nhà tổ chức nên có hợp đồng với một đơn vị chuyên môn có trình độ cao về nghiên cứu thiết kế, để giúp cho việc chuẩn bị hồ sơ nghiên cứu và các yêu cầu khác của cuộc thi một cách chuyên nghiệp.




3. Không phải dự án và công trình nào cũng cần tổ chức thi thiết kế




Có nhiều dự án lớn trên thế giới được làm rất tốt và mau chóng mà không cần thông qua một cuộc thi tuyển nào. Uy tín nghề nghiệp cá nhân của người lãnh đạo thiết kế dự án vẫn luôn là điều tiên quyết. Số lượng các đồ án có giá trị không qua thi tuyển thiết kế vẫn nhiều hơn các đồ án được chọn qua thi tuyển thiết kế. Ngoài ra, thống kê cho biết, hơn một nửa các đồ án được chọn qua thi tuyển thiết kế không thể xây dựng. Hiện nay có xu hướng cho rằng việc tổ chức cuộc thi là giải pháp tốt nhất để có một phương án tốt, nhưng trên thực tế, nếu như thiếu công tác chuẩn bị tốt cho cuộc thi, thiếu một Ban Giám Khảo phù hợp, và thiếu sự tham gia của những người dự thi tài năng, thì việc tổ chức cuộc thi đôi khi chỉ nhằm vào tác dụng quảng cáo cho dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều hơn là nhằm vào việc chọn được phương án khả thi tốt nhất. Việc thể chế hóa các cuộc thi tuyển quy hoạch kiến trúc là điều cần thiết, nhưng nên “mềm dẻo” tùy theo các mục đích yêu cầu thực tế của cuộc thi và tùy trường hợp các dự án có nhận ngân sách đầu tư của nhà nước hoặc có ảnh hưởng lớn đến lợi ích người dân khu vực lẫn cận hay không.


TS.KTS. NGÔ VIẾT NAM SƠN

Banner

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2006 – All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.