Thu hồi 77 dự án sân golf

Rất nhiều nơi lấy cả đất trồng lúa làm sân golf (ảnh minh hoạ).

Bộ trưởng Võ Hồng phúc đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Lao Động. Bộ trưởng cho biết: Từ 166 dự án được cấp ồ ạt, sau rà soát, đến nay cả nước còn 89 dự án sân golf.

* Tại kỳ họp thứ 5 Quốc Hội (QH) khoá XII, trước các bức xúc của cử tri và Đại Biểu (ĐB) QH về tình trạng cấp phép ồ ạt cho các dự án sân golf, Bộ trưởng đã hứa sẽ rà soát và kiên quyết thu hồi các dự án lấy vào đất lúa? Đến nay lời hứa này đã được thực hiện thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ KHĐT rất tích cực triển khai lời hứa trước QH. Ngay sau kỳ họp trước, chúng tôi đã bắt tay vào quá trình rà soát toàn bộ hệ thống sân golf trong cả nước.

trước đây do phân cấp cho các địa phương, nên các địa phương đã cấp, chấp thuận 166 dự án sân golf. Nhiều nơi lấy cả đất lúa, đất của các cơ sở nghiên cứu khoa học làm sân golf…

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, rà soát lại, trong phiên họp Chính phủ vừa qua, Bộ KHĐT đã báo cáo Chính phủ về thực trạng này. Sau đó, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát và đến hôm nay chúng tôi đã kết thúc rà soát và bộ đã có văn bản báo cáo Chính phủ.

trên cơ sở các tiêu chí cụ thể: Đất cho sân golf dứt khoát không được chiếm diện tích đất lúa; đất nông nghiệp hạn chế đến mức tối đa, chỉ dùng đất xấu, đất rừng, đất đồi là chủ yếu và đất bãi biển. Đến hôm nay, quá trình rà soát đã quyết định trong số 166 dự án chỉ để 89 dự án đáp ứng đủ điều kiện còn kiên quyết cắt bỏ 77 dự án.

* Việc cắt bỏ, thu hồi này có gặp phải trở ngại gì không thưa ông?

Các địa phương rất tích cực phối hợp với Bộ KHĐT để thực hiện việc này. Họ cũng chấp nhận và tiến hành xem xét lại việc làm không đúng, cấp không đúng sân golf nào thì thu hồi.

* Nhưng nhiều dự án việc cấp phép đã lâu và nhà đầu tư đã đầu tư rất lớn…nay không chỉ nói đơn giản là không đúng rồi thu hồi. Những thiệt hại của nhà đầu tư trong các dự án này sẽ được xem xét như thế nào? Cơ quan nào sẽ đứng ra bồi thường, thưa ông?

Tuỳ chủ đầu tư và địa phương sẽ trao đổi với nhau. Nhưng chủ đầu tư có thể chuyển đổi mục đích sử dụng, họ không làm sân golf nữa mà làm trang trại hoặc khu du lịch. Hai là loại trừ bớt đất đi, chỉ sử dụng đất đồi, đất không canh tác nông nghiệp.

Ví như có một dự án ở Quốc Oai, đầu tư trên đất lúa huyện Quốc Oai, Hà Nội. Hiện BQL dự án của họ đã tự loại bỏ, chỉ giữ lại đất để làm khu đô thị , khu dân cư… Hay sân golf ở Đồng Tâm, Hoà Bình. trước đó nhà đầu tư đã triển khai xây dựng rồi, nhưng khi thấy việc chiếm dụng đất nông nghiệp quá nhiều, họ đã tình nguyện trả lại, chỉ giữ lại một phần hợp lý để làm du lịch sinh thái.

* Việc ồ ạt cấp phép xây dựng sân golf đã gây ra nhiều hậu quả xã hội tiêu cực. Khi rà soát, Bộ KHĐT có làm rõ trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan? Đến nay đã có ai phải chịu trách nhiệm về việc này chưa, thưa ông?

Một bài học lớn được rút ra sau việc này là đối với một số lĩnh vực nhạy cảm, chúng ta phải đi trước một bước về quy hoạch. phải nắm bắt được nhu cầu từ thực tế địa phương để từ đó kịp thời có biện pháp xử lý.

Vừa qua khi cấp phép xây dựng sân golf, chúng ta chưa lường hết được lại xảy ra tình trạng cấp phép nhiều như vậy. Đến khi phát hiện ra thì lượng cấp phép quá nhiều. Rõ ràng việc phân cấp là tốt và chúng ta phải phân cấp, nhưng phân cấp phải có quy hoạch chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra.

Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn – Theo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *