Đó là kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại phiên họp thứ 9 của Ban chỉ đạo diễn ra ngày 8/2, tại Hà Nội, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó ban chỉ đạo cùng các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện một số ban ngành hữu quan.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, các thành viên tham dự phiên họp đã thảo luận nhất trí rằng, công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài phải được tiến hành cương quyết, kiên trì và liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm. Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2009 cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ và toàn diện các chủ trương, giải pháp theo Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) và Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác phòng ngừa; tăng cường công tác phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục; hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách hành chính; quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên; khẩn trương hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng và các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng; phấn đấu tạo sự chuyển biến tích cực, có hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng; phấn đấu trên nhiều lĩnh vực tệ tham nhũng được kìm chế, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi; góp phần thiết thực ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Sau khi nghe những đóng góp ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo vào bản dự thảo báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2008 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí đánh giá, công tác phòng chống tham nhũng năm 2008 đã tạo được sự chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tệ nạn tham nhũng tại một số lĩnh vực. Trong bối cảnh tình hình đất nước trải qua những thách thức, khó khăn lớn không lường trước được, công tác phòng chống tham nhũng đã góp phần đảm bảo phát triển kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và ổn định an sinh xã hội. Những kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng năm 2007-2008 đã tạo tiền đề quan trọng cho những năm tiếp theo, tiếp tục khẳng định quyết tâm và khả năng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong cuộc công tác phòng, chống tham nhũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với 8 nhóm giải pháp cụ thể của công tác phòng, chống tham nhũng năm 2009 mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề ra và nhấn mạnh, trong năm 2009, nhóm các công việc mang tích chất “phòng ngừa tham nhũng” phải được xác định là những biện pháp chính, chủ đạo, cần phải được thực hiện một cách quyết liệt, thực chất hơn. Xác định rõ “phòng” là chính, “chống” tham nhũng cũng là một bộ phận của “phòng ngừa” tham nhũng, trong đó, “con người” được xác định là yếu tố quan trọng nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo sự chuyển biến trong lề lối làm việc, phong cách ứng xử, đạo đức, lối sống của mỗi cá nhân trong từng đơn vị, cơ quan. Nâng cao nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, bổ sung và xây dựng mới Luật, các văn bản pháp quy về phương thức quản lý, điều hành trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực đất đai; đầu tư và chi tiêu của doanh nghiệp nhà nước; thu thuế… theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, đảm bảo việc chống thất thoát tài sản nhà nước, ngăn chặn các hành vi tiêu cực. Các cấp, các ngành, các địa phương cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm toán, kiểm tra Đảng và công tác giám sát của Quốc hội. Tích cực, chủ động phối hợp giữa các ban ngành chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt giữa cơ quan công an, kiểm sát, tòa án để đảm bảo quá trình điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng được giải quyết dứt điểm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần thúc đẩy các chương trình cải cách tư pháp trong việc thành lập và hoàn thiện cơ quan giám định; bổ sung các chế định pháp lý về việc bảo vệ những người tố cáo tham nhũng. Trong thời gian tới, cần hoàn thiện cơ cấu, tên gọi và tư cách địa vị pháp lý của bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng ở địa phương để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng. |