Xa lộ Hà Nội là trục giao thông quan trọng nối TP.HCM với Đồng Nai. Cách đây 10 năm, những tưởng người dân sẽ đi trên một xa lộ khang trang như những gì người ta vẽ lên trong bản thiết kế. Nhưng thay vào đó, hàng ngày, người dân lại đang bị hành xác bởi con đường mù mịt khói bụi thường xuyên bị tắc nghẽn giao thông.
Xa lộ… xa mờ Chạy xe qua khỏi cầu Sài Gòn, phía trước xa lộ Hà Nội hiện ra mờ mờ trong màn sương của khói bụi. Lớp lớp xe tải, xe khách nối đuôi nhau lấn sang cả làn xe gắn máy kéo dài hàng cây số. Anh Nguyễn Văn Tâm, nhà trên đường Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long B, Q.9 cho biết: “Mỗi ngày đi về hai lần trên con đường này chẳng khác nào một cuộc hành xác. Khi chở vợ về đến nhà rồi tôi mới thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát khỏi được một bãi chiến trường hiểm nguy luôn rình rập. Về đến nhà, mặt mũi đen kịt, áo quần được phủ một lớp màu vàng đen bởi khói bụi. Quãng đường từ chỗ làm về đến nhà dù chỉ hơn 10km nhưng gần như ngày nào cũng gặp tai nạn giao thông”. Một cảnh sát giao thông thường xuyên làm nhiệm vụ tại đây cho biết, tính chất nguy hiểm của những vụ giao thông trên cung đường này rất nghiêm trọng, những chiếc xe máy luôn phải chen lấn giữa rừng xe tải, xe đầu kéo. Do vậy rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, dù chỉ là va quệt nhẹ. Không có hệ thống thoát nước dọc tuyến, xa lộ Hà Nội trở thành nơi ngự trị của rác rưởi, nước thải tù đọng tràn ra cả mặt đường. Nhiều DN nằm trên tuyến xa lộ này cũng chịu chung cảnh khổ của đại công trường, không ít Cty phải bỏ tiền thuê xe chở xà bần đắp lại đường để cho nhân viên có đường vào. Bà Nguyễn Thị Lan, nhà mặt tiền trên xa lộ Hà Nội than thở: “Đã 7 năm nay nhà tôi chẳng buôn bán làm ăn được gì vì trước cửa bao giờ cũng có công trình. Hết đào đường thi công ống cấp nước, giờ đây người ta lại rào chắn để mở rộng đường, bít hết cả lối đi. Nhà luôn phải cửa đóng then cài, mỗi ngày đều phải quét dọn một lần, nhưng sáng ra lại bụi đầy nhà”. Quy hoạch liên tục thay đổi Nói về thay đổi quy hoạch, có lẽ công trình này sẽ đứng đầu bảng trên địa bàn TP.HCM. Trong quá trình triển khai thi công, chủ đầu tư và nhà thầu luôn bị “xoay” như chong chóng và lúng túng bởi hàng loạt sự thay đổi về chủ trương đầu tư của UBND TP.HCM. Được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1998, dự án xây dựng đường Bắc và Nam xa lộ Hà Nội (gọi tắt là dự án đường song hành), với quy mô đường phố chính cấp I, bề rộng mỗi bên đường 18,5m. Theo kế hoạch thời gian thi công hoàn thành trong vòng 20 tháng. Đến tháng 4/1999, dự án được UBND TP chỉ đạo thay đổi phân kỳ đầu tư từ 1 giai đoạn thành 2 giai đoạn, từ đó làm thay đổi quy mô đầu tư. Riêng hạng mục cầu Rạch Chiếc, không hiểu lý do gì mà chỉ trong vòng 3 năm (1999 – 2001), TP đã ba lần thay đổi chủ trương thiết kế: từ cầu bê tông cốt thép toàn phần, dầm dự ứng lực sang cầu sắt tạm; rồi từ cầu sắt tạm thành cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu; và yêu cầu ngưng triển khai hai cầu Rạch Chiếc tạm cho đến khi xây dựng xong cầu Rạch Chiếc chính. Đến năm 2002 một lần nữa dự án lại được TP chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch lộ giới và chi tiết mặt cắt ngang cho phù hợp quy hoạch mới. Hậu quả là đến năm 2003 cũng chỉ có 3/10 gói thầu của dự án được triển khai thi công. Còn lại nhiều hạng mục, gói thầu khác dù đã hoàn thành phê duyệt thiết kế dự toán đành phải bỏ đi để thiết kế lại, hoặc thiết kế đã xong nhưng không được duyệt mà phải nằm chờ…
Từ một dự án nâng cấp có quy hoạch cụ thể và không mấy phức tạp đến nay số phận cửa ngõ quan trọng xa lộ Hà Nội lại trầy trật, long đong theo những cuộc “thí nghiệm”. Mới đây (3/2009) dự án được khởi động lại khi TP đã ký bản ghi nhớ với Cty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) về đầu tư dự án mở rộng xa lộ Hà Nội lên 153,5m đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến ngã tư Bình Thái và 113,5m đoạn từ ngã tư Bình Thái đến chân cầu Đồng Nai. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 1.600 tỷ đồng, được đầu tư theo phương thức B.O.T. Thời gian xây dựng hoàn thành dự kiến cuối năm 2010. Từ một dự án ban đầu tổng mức đầu tư 310 tỷ đồng, sau 10 năm thi công dang dở chỉ hoàn thành 3 trong số 10 gói thầu đến nay giá trị công trình đã tăng lên gấp 4 lần. Không những chỉ lãng phí thất thoát tiền ngân sách mà còn gây nên tác động tiêu cực trong xã hội do tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông gây ra. Hậu quả của sự thiếu một tầm nhìn, thay đổi chủ trương quy hoạch này là người dân sẽ phải tiếp tục gánh một khoản thuế, khi nhà đầu tư sẽ tiếp tục thu phí giao thêm nhiều năm nữa (theo hợp đồng B.O.T). |
TP.HCM: 10 năm chưa xong tuyến xa lộ Hà Nội (TD)
44