Ðập dâng Xô Lô nằm trên hai xã Sơn Trung và Sơn Hải, cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi chừng 70 km về hướng tây. Ðây là một công trình thủy lợi lớn được ngăn từ con suối Xà Ruông thuộc nhánh sông Xô Lô mà từ bao đời nay đồng bào dân tộc Hrê ở huyện miền núi Sơn Hà đã từng mong đợi thì nay đã có thể hưởng lợi được rồi.
Ðồng bào huyện Sơn Hà gọi đây là công trình thế kỷ, bởi nơi đây từ xưa đến nay chưa có công trình nào lớn hơn đập dâng Xô Lô. Từ bao đời nay, đồng bào ở đây chưa ai dám nghĩ việc ngăn nhánh sông Xô Lô để lấy nước tưới cho cây trồng. Những già làng ở đây kể, sông Xô Lô bốn mùa nước chảy. Ðồng bào trong các thôn, bản dựa vào con sông này để phát triển sản xuất và lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, vào mùa hè, dòng sông này nước chảy trong xanh, hiền hòa, nhưng đến mùa mưa thì những cơn lũ ầm ầm dội về khủng khiếp lắm. Có năm lũ về sớm đã cuốn trôi hàng chục ha lúa, màu và nhà cửa của đồng bào sống gần sông. Các đồng chí nguyên là Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà qua các nhiệm kỳ, như Lê Văn Ðường, Ðinh Văn Tơ, Sang Lâm Biên khi đi thăm công trình này đều nói đã bao năm chỉ mơ ước làm sao xây dựng được công trình thủy lợi trên nhánh sông Xô Lô để hằng năm đưa nước về tưới cho những cánh đồng khô hạn. Khi còn làm cán bộ huyện, chúng tôi thấy đồng bào trong bản thiếu nước sinh hoạt, cây trồng chết khô, nhiều cánh đồng phải bỏ hoang, trong lòng thấy xót xa lắm. Bây giờ được Ðảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đập dâng Xô Lô, cán bộ, đồng bào ở đây vui lắm. Nhiều hộ đồng bào trong thôn, bản rồi sẽ giàu nhanh từ hiệu quả của công trình này. Ðập dâng Xô Lô được khởi công xây dựng từ đầu năm 2009, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với tổng mức đầu tư hơn 36 tỷ đồng. Mặc dù kinh phí đầu tư không lớn so với những công trình khác trong tỉnh, nhưng đây là công trình mang nhiều ý nghĩa về chính trị và an sinh xã hội đối với đồng bào ở những xã miền núi đặc biệt khó khăn hiện nay. Ði thăm công trình này, chúng tôi mới thấy phức tạp trong quá trình thăm dò địa chất và triển khai thi công các gói thầu xây lắp ngay trên một địa hình hiểm trở, nguy hiểm. Cụm đầu mối công trình được xây dựng trên suối Xà Ruông-nơi nhánh sông Xô Lô quanh năm nước chảy xiết, địa chất phức tạp cho việc triển khai thi công. Hệ thống kênh chính và mương nội đồng đều phải xây dựng bằng bê-tông cốt thép, nhiều đoạn phải bắt qua những sườn đồi, vách núi cao với chiều dài hơn 18 nghìn mét, bảo đảm dẫn nước tưới cho hơn 200 ha lúa, màu trong vùng hằng năm. Công trình còn có nhiều hạng mục phục vụ thiết thực cho đồng bào trong sinh hoạt hằng ngày. Ðó là cải tạo lại môi trường, xử lý những vùng nước suối bị ô nhiễm và cung cấp nguồn nước sinh hoạt ổn định cho khoảng 2.000 hộ dân ở hai xã Sơn Hải và Sơn Trung. Nhiều bà con ở đây vui mừng nói: Có đập dâng Xô Lô đồng bào ở đây sẽ sớm được đổi đời. Nhiều gia đình hiện nay mạnh dạn đầu tư phát triển mạnh kinh tế vườn rừng, hạn chế đốt rừng làm rẫy, mở rộng diện tích làm lúa nước, thâm canh tăng năng suất cây trồng, có hộ đã thoát được nghèo. Ði trên công trường đập dâng Xô Lô những ngày này, có thể thấy không khí thi đua lao động sôi nổi. Dù tiết trời oi bức, nhưng cả công trường như đang vào trận đánh lớn. Các đội thi công cơ giới với hàng chục chiếc xe xúc, xe ben hoạt động liên tục cả ngày đã tạo nên những âm thanh vang động cả núi rừng. Nhiều tốp công nhân điều khiển máy khoan trên tảng đá ngầm trong nhiều giờ liền với mồ hôi thấm ướt cả vạt áo sau lưng, nhưng tất cả họ đều tập trung cao độ vào đợt thi công nước rút để hoàn thành các hạng mục công trình đến điểm dừng kỹ thuật trước ngày 30-8 tới, bảo đảm tránh lũ an toàn. Ðây là mệnh lệnh được phát đi từ Ban lãnh đạo của Công ty cổ phần Giao Thủy Quảng Ngãi. Trước hết, toàn công trường tập trung hoàn thiện xi-phông vượt sông Xô Lô với chiều dài hơn 340 m – một hạng mục khó nhất của công trình đập dâng này. Theo thiết kế, toàn tuyến ống của xi- phông phải đặt dưới lòng sông sâu hàng chục mét nằm ngay trên nền đá gốc, được bọc lớp vỏ ngoài bằng bê-tông cốt thép và neo chặt trong đá. Nhiều lần đơn vị đưa tuyến ống phi 500 xuống đáy sông Xô Lô nhưng đều thất bại. Quyết tâm đưa hạng mục này vào làm thí điểm, Công ty cổ phần Giao Thủy Quảng Ngãi đã cử một đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kỹ sư thủy lợi giỏi thường xuyên bám sát công trường để nghiên cứu đo vẽ sơ đồ địa hình, dòng chảy từng ngày của nước sông; đồng thời bố trí đội xây lắp có kinh nghiệm đảm nhiệm tuyến xi-phông Xô Lô, nhờ đó chỉ trong thời gian ngắn, công ty đã thi công hoàn thành hạng mục này trước thời hạn một tháng so với tiến độ đề ra trong sự ngạc nhiên của chủ đầu tư… Hiện nay trên công trường lúc nào cũng có vài trăm công nhân, kỹ sư dồn sức xây dựng cụm đầu mối đập dâng và hệ thống kênh chính dẫn nước. Hàng chục thiết bị chuyên dụng và xe, máy đã tăng cường và thường xuyên hoạt động cả ngày (không kể thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ). Những vật tư cần thiết đã được tập kết đến chân công trình và phương án chống lũ tiểu mãn, đơn vị đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chặt chẽ. Các đội thi công ở những hạng mục dưới nước, trên sườn đồi đều được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, bố trí phương tiện, kỹ thuật tiên tiến và luôn kiểm soát được dòng nước trên sông, bảo đảm khi có sự cố mưa, lũ bất thường thì đơn vị cũng sẽ hạn chế được thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản và con người ngay trên công trường… Trên công trường đập dâng Xô Lô hiện nay vẫn còn lắm khó khăn, đặc biệt, những đợt mưa trái mùa vừa qua đã làm ảnh hưởng tiến độ thi công, nhưng đến nay nhà thầu đã thực hiện đạt tổng tiến độ hơn 70% khối lượng công trình. Với bề dày kinh nghiệm qua 20 năm thi công các công trình giao thông, thủy lợi và đội ngũ kỹ sư, công nhân trẻ đầy nhiệt huyết. Công ty cổ phần Giao Thủy Quảng Ngãi đang phấn đấu thi công đập dâng Xô Lô Sơn Hà vượt tiến độ trước bốn tháng. Ðây là một trong những công trình trọng điểm được tỉnh chọn gắn biển công trình chào mừng các ngày kỷ niệm lớn trong năm 2009 của đất nước. |
Trên công trường đập dâng Xô Lô
62