Trang chủ » Trung tâm hành chính quốc gia và ý chí quyền lực trong quy hoạch

Trung tâm hành chính quốc gia và ý chí quyền lực trong quy hoạch

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Từ ý nghĩa của ý chí quyền lực

Từ buổi sơ khai của xã hội loài người, ở đâu cũng vậy, sau những ngày dài sống du cư, sẽ có từng đoàn người đưa nhau đi tìm vùng đất để định cư. Có khi chợt bắt gặp một vùng đất tốt, chỉ trong một buổi chiều ngắn ngủi, vị tù trưởng có thể nhanh chóng quyết định "hạ trại" và ít lâu sau nơi đó đã có thành quách, lâu đài, nhà cửa phồn thịnh.

Lịch sử phát triển kinh đô của cả thế giới cổ đại, trung đại và hiện đại cũng đều diễn ra tương tự, có một kinh đô đủ điều kiện để trị, dân an dân đã khó, nhưng muốn có một kinh đô phồn vinh, phát triển bền vững và ổn định, càng cần có một ý chí quyền lực rất mạnh.

Paris cổ xưa trở thành Kinh đô ánh sáng hiện đại và hoa lệ cổ kinh thời Đệ nhị đế chế những năm 1858 – 1870 là nhờ ý chí của Napoléon và sự lao động cần mẫn của kiến trúc sư, tỉnh trưởng- Nam tước Hussmann.

Ngày nay, đại Paris rộng lớn đang hình thành cũng nhờ ý chí và sự bảo trợ đặc biệt của đương kim Tổng Thống nước Pháp Nicolas Sarkozy. Ông đã huy động nhiều kiến trúc sư danh tiếng của nước Pháp, Anh, Đức, Ý, Hà Lan. Và cho dù nền kinh tế thế giới đang suy thoái thì "giấc mơ đại Paris" sẽ tiêu hết 35 tỷ Euro có thể gặp khó khăn nhưng không hề bị giảm sút.

Ở nước ta cũng vậy, một ngàn năm trước, khi vừa lên ngôi mới ngoài 30 tuổi, vua Lý Thái Tổ đã có thể tự tay viết bản Thiên Đô Chiếu bất hủ "Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế Rồng cuộn Hổ chầu, chính giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, tiện nghi núi sông sau trước", rồi lập tức nhà Vua cho triều đình rời đô từ Hoa Lư về Đại La.

thanh pho paris trong dem

Kinh đô ánh sáng Paris

Chính vì nhà Vua có ý chí rất lớn cùng với sự dìu dắt của người thầy uyên bác là Thiền sư Vạn Hạnh và đặc biệt, chú ý đến tham vọng của Cao Biền, một Đô hộ sứ người gốc Mãn Châu được vua Đường cử sang cai trị nước ta nhưng lại phát hiện ra khu vực Đại La có nhiều huyệt đạo linh thiêng, đến mức ông ta đã xây thành Đại La, đã xưng Vương và nuôi mưu đồ tạo phản? Có lẽ đã nắm rất rõ việc làm đó của Cao Biền, nên sau khi di đô về và lấy tên là Thăng Long, vua Lý Thái Tổ chỉ xây mới khu Hoàng thành rất khiêm tốn, còn kinh thành Thăng Long rộng lớn vẫn bao trùm lên toàn bộ thành Đại La cũ, trong đó có sông Tô Lịch xuất phát từ phường Hà Khẩu bên sông Hồng đi đến phường Hồ Khẩu bên Hồ Tây và toàn bộ vùng Hồ Tây linh thiêng.

Suốt hơn 8 thế kỷ, sông Tô Lịch là huyết mạch giao thương kinh tế của Thăng Long. Từ thế kỷ 16, 17 đã có nhiều thuyền buôn nước ngoài, từ Trung Hoa, Nhật, Java, Mã Lai… sau đó là thuyền buôn phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan… đến trao đổi hàng hoá ở phố Hiến và đi theo sông Nhĩ Hà đưa hàng hoá vào tận trung tâm buôn bán Kẻ Chợ là ngã ba sông Tô Lịch, sông Thiên Phù và Hồ Tây.

Khi người Pháp xây dựng Hà Nội, họ lấp sông Tô Lịch, xoá trung tâm buôn bán vùng Chợ Bưởi và các phường quanh Hồ Tây, họ chuyển dịch trung tâm buôn bán sang phía Đông Nam thành phố, mở rộng khu phố cổ và hồ Lục Thuỷ trở thành hồ Hoàn Kiếm, trung tâm của Hà Nội thời Pháp.

Ngày 29/5/2008, sau thời gian dài thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc báo cáo mở rộng địa giới hành chính Thủ đô trước Quốc hội, thể hiện ý chí khai thác trục phong thuỷ Thăng Long "Tựa núi nhìn sông và Rồng cuộn Hổ chầu" để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Chiều hôm đó, 92,9% Đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết mở rộng Thủ đô từ 910 Km2 lên đến 3344 km2. Một quyết định táo bạo thể hiện ý chí của quyền lực không thể không gây nên nhiều ý kiến tranh cãi. Người ủng hộ rất nhiều, người phản đối cũng có và người hoài nghi cũng không ít.

Tôi là một trong những người ủng hộ và vẫn đang ủng hộ, nhưng tôi lo lắng nhiều hơn. Bởi hiểu được lý thuyết phong thuỷ NÚI CHẦU SÔNG TỤ đã là khó, còn khắc phục và giải quyết được những hậu quả phá hỏng nguyên lý đó suốt hơn 200 năm qua lại khó hơn nhiều.

Sau khi hợp đồng tư vấn quốc tế lập quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được ký vào ngày 26/12/2008, lại có thêm hai đơn vị thầu phụ là Viện Kiến trúc Quy hoạch Bộ Xây dựng và Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội. Theo dõi cả 3 lần báo cáo, tôi thấy công việc tuy có tiến triển nhưng quá chậm và phải chăng đang đi chệch hướng? Tư vấn quốc tế PPJ có những mục tiêu riêng, còn đội ngũ chuyên gia Việt Nam, những người được cử theo dõi, thẩm định, giữ trách nhiệm thực hiện ý chí của Chính phủ và gần 500 ĐBQH có đủ trí tuệ và lòng kiên định?

Và câu chuyện trung tâm hành chính quốc gia

Sau 3 tháng nhập cuộc, ngày 24/4/2009, Liên danh tư vấn quốc tế PPJ báo cáo thường trực Chính phủ lần 1, thời gian quá ngắn, chưa có gì đáng tranh luận.

Ngày 9/7/2009, khi họ báo cáo lần 2 với lãnh đạo thành phố Hà Nội, Trung tâm hành chính quốc gia được họ đề nghị đặt ở Đông Anh hoặc ở Thạch Thất. Cả hai vị trí đó đều bị phê phán.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Viện trưởng Viện QHXD Hà Nội Lã Kim Ngân đều đề nghị trung tâm hành chính quốc gia phải ở Tây Hồ Tây, vì vị trí đó đủ rộng để xây dựng, địa thế đẹp, nằm trên trục linh mạch 21 độ Bắc, 3′ cộng trừ 28” đi từ Đền Thượng Ba Vì về Hồ Tây và đi tiếp ra Đền Đức Ông và Cảng Vân Đồn trên vịnh Hạ Long.

Ông Thảo còn nói thêm nếu để trung tâm hành chính quốc gia ở một khu tách rời sẽ là thành phố "chết" và trên thế giới ít có thủ đô nào trung tâm hành chính quốc gia tách rời khỏi lõi đô thị.

Nhưng, ngày 16/7/2009 tại hội trường Viện Kiến trúc Quy hoạch – Bộ Xây dựng, báo cáo viên của Liên danh tư vấn PPJ vẫn lại một lần nữa chỉ giới thiệu 2 hướng Đông Anh và Thạch Thất.

Để phụ họa, Tiến sĩ Nguyễn Đình Toàn lúc đó đang là Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch, Bộ Xây dựng còn giải thích thêm về phương án Thạch Thất cũng có cấu trúc "Tựa núi nhìn sông", đó là "núi" Tam Đảo và "sông" Tích và "sông" Đáy?! Nghe vậy, cả hội trường ngạc nhiên!

Tất nhiên khi tranh luận, đa số vẫn thiên về xu thế chọn Tây Hồ Tây là trung tâm hành chính quốc gia. Họ phân tích đây chính là cái rốn của huyệt đạo quốc gia có thế "Rồng cuộn", nơi duy nhất hợp địa thế, lịch sử.

Thậm chí, nếu quả đúng nhà đầu tư Hàn Quốc đã đền bù giải phóng mặt bằng hết 80 triệu USD thì họ cũng sẽ bồi thường đầy đủ để nghiên cứu quy hoạch lại. Trong đó, họ đặc biệt lưu ý và xin tình nguyện đầu tư việc nối sông Nhuệ với Hồ Tây dài hơn 5Km, nối sông Tô Lịch đến Hồ Tây hơn 1Km để xây dựng một hệ thống kênh đào phục vụ du lịch như một Venice nước Ý ngay tại Công viên mở Hồ Tây và khai thác công trình tâm linh Đình Bái Ân để hướng về Núi Tản Viên tổ chức tế lễ tạ ơn Trời Đất đã cho quốc thái dân an và hiền tài giúp nước .

Ngày 21/8/2009, khi báo cáo thường trực chính phủ, Liên danh tư vấn PPJ đã đưa ra phương án thứ 3 và nghe nói phương án này đã được nhiều người tán thưởng.

Huyệt đạo quốc gia

Ngày 26/10/2009, ông Nguyễn Thế Thảo, KTS – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, phó ban thẩm định quy hoạch Thủ đô, người đã phát biểu chính kiến ngày 9/7 trả lời phỏng vấn của VnExpress rằng trung tâm hành chính quốc gia có thể sẽ ở làng Phú Diễn hay đâu đó trên trục Ba Vì – Hồ Tây. Như vậy ông Chủ tịch không phủ nhận trục linh mạch quan trọng, nhưng có vẻ như ông chưa nắm được đâu là "tâm điểm" của huyệt đạo quốc gia, nên ông nói Tây Hồ Tây tuy đẹp, nhưng nếu trung tâm hành chính quốc gia ở đó thì dự án Tây Hồ Tây của Hàn Quốc phải dời đi chỗ khác!

Nói như vậy dễ khiến người khác nghĩ rằng một dự án đô thị mới của người nước ngoài dành cho ngân hàng, khách sạn, biệt thự… còn quan trọng hơn một khu tập trung quyền lực của cơ quan Chính phủ?

mot goc Ho tay - Ha Noi

Một góc hồ Tây. Ảnh VNN

Một tháng sau, ngày 26/11/2009, được báo chí phỏng vấn, ông Chủ tịch thành phố nói rằng trung tâm hành chính quốc gia sẽ ở Hoà Lạc.

Vậy là trong 3 tháng, người đứng đầu UBND thành phố đã 3 lần thay đổi ý kiến!

Không biết Hà Nội có còn kiên định ý chí mở rộng thủ đô theo cấu trúc "Tựa núi nhìn sông" nữa hay không? Chỉ biết sau khi ông chủ tịch công bố 2 ngày, tại xã Phú Cát có một cuộc đấu thầu đất, giá sàn được đưa ra là 6 triệu/m2 và người ta chen nhau vào bỏ thầu rất nhiều?

Giải thích thêm điều đó, ngày 29/11 quyền Viện trưởng Viện KTQH Bộ xây dựng Thạc sĩ KTS Ngô Trung Hải phát biểu trên báo Lao Động rằng trong tương lai xa thì sẽ như vậy, còn trước mắt sẽ không có gì thay đổi. Trả lời câu hỏi tại sao trung tâm hành chính quốc gia không ở trong đô thị lõi, Thạc sĩ, KTS, Viện trưởng trả lời một nguyên lý khoa học mới, khiến người nghe hiểu vì biến đổi khí hậu, hoàng thành Thăng Long, Ba Đình lịch sử và phố cổ sẽ bị nhấn chìm, chỉ còn lại Hòa Lạc phát triển?

Trong nhận thức lạc hậu cằn cỗi của tôi, tôi chưa bao giờ hình dung nổi trên thế giới này có một Thủ đô biến hoá sinh động đến như thế. Chắc là khi bấm nút thông qua nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô chiều ngày 29/5/2008, các đại biểu quốc hội không nghĩ rằng đời ta vẫn luẩn quẩn quanh đây, nhưng sang đời con cháu ta, chúng sẽ chỉ được “tựa núi” còn sông thì còn đâu nữa mà nhìn?

Xem ra, những người thực hiện "Ý chí của quyền lực" muốn thực hiện "Ý chí" thì phải có trí  tuệ, phải có lòng tin và sự kiên định. Hay là họ sẽ để mặc cho mọi thứ buông xuôi?

Tác giả: KTS Trần Thanh Vân

* Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả, không phải quan điểm của Kientruc.vn.

(Nguồn: Tuanvietnam.net)

Leave a Comment

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.