Theo nguồn tin riêng của báo Xây dựng, mới đây, lãnh đạo TCty LILAMA đã có chuyến công tác sang tìm hiểu thị trường Trung Đông và bước đầu thoả thuận hợp tác với Tập đoàn Tech-nip (Tập đoàn tầm cỡ quốc tế và là nhà thầu chính của công trình trọng điểm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tại Việt Nam). Dự kiến, đến cuối năm 2009, LILAMA sẽ đưa khoảng 300 – 400 lao động cùng các phương tiện thi công sang nhận thầu các nhà máy lọc dầu ở Trung Đông. Trong tháng 7, đại diện Tập đoàn Tech-nip sẽ sang Việt Nam đàm phán thành lập Cty liên doanh với LILAMA. Đây có thể xem là một giải pháp khá nhanh nhạy của LILAMA nhằm giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, nếu kế hoạch này thành công thì LILAMA sẽ được nhiều hơn thế. Đó là giải quyết việc làm cho lao động kỹ thuật cao; là khẳng định thương hiệu Việt trên trường quốc tế; là nâng cao sản lượng, doanh thu trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và góp phần giữ vững sự tăng trưởng ổn định…
Cũng liên quan đến vấn đề tìm kiếm việc làm cho lao động kỹ thuật, Trung tâm Xuất nhập khẩu COMA đang công khai chương trình tuyển dụng 140 lao động làm việc tại Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UEA) cho các nghề: Sơn, lắp đặt ống, kết cấu, thợ điện công nghiệp, thời hạn 2 năm. Nhìn xa hơn mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động thì những biện pháp xuất khẩu lao động hay nhận thầu công trình tại nước ngoài của các DN lợi vô cùng. Sau vài năm tham gia lao động ở nước ngoài, lực lượng lao động này sẽ trở về nước với trình độ tay nghề mới, tác phong mới. Kết quả cuộc khảo sát “Khan hiếm nhân tài 2009” mới đây của Cty Tư vấn Nhân sự Manpower Việt Nam cho thấy việc khan hiếm lao động có tay nghề vẫn là vấn đề phổ biến đối với các nhà tuyển dụng trên thế giới bất chấp suy thoái toàn cầu và dự báo về số lượng việc làm thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Manpower cũng cho biết, những vị trí còn trống trong các ngành nghề chuyên môn có kỹ năng như: Thợ điện, thợ hàn, thợ mộc… là những vị trí khó tuyển nhất trong mấy năm liên tiếp tại các nước phát triển. Ý thức được điều đó nên dù phải gồng mình trong cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn đang bao phủ nhưng các DN sử dụng lao động kỹ thuật ngành Xây dựng vẫn cố gắng giữ ổn định lao động tay nghề, chấp nhận giảm lợi nhuận, xuống “hạng” tìm kiếm những công trình tại phân khúc thị trường nhỏ hơn. Đa số các DN tin rằng nền kinh tế sẽ dần hồi phục với những cơ hội thắng thầu công trình lớn, vì vậy phải bảo đảm duy trì được nhân lực thì sẽ giữ được tiềm lực. |
Vươn ra nước ngoài trong thời kỳ khó
32