Xử lý nước thải và rác thải đô thị: Chưa huy động được các nguồn lực










“Thách thức đối với lĩnh vực nước thải và rác thải ở Việt Nam” – là chủ đề của Diễn đàn Phát triển đô thị bền vững năm 2009, do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức phối hợp với Bộ Xây dựng Việt Nam tổ chức.



Theo WB, ước mức thiệt hại kinh tế của Việt Nam do thiếu quản lý
nước thải và chất thải lên tới 1,3% thu nhập quốc dân.     Ảnh: TL




Thách thức và bất cập



Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết: Những năm qua, dịch vụ cấp thoát nước và vệ sinh môi trường của Việt Nam dần được cải thiện đáng kể, bộ mặt đô thị đã có nhiều khởi sắc, sạch hơn, đẹp hơn. Bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra: Mặc dù đã được Chính phủ và các địa phương quan tâm hơn nhưng vấn đề giải quyết xử lý nước thải, chất thải rắn ở các đô thị Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.



Ở nhiều KĐT và KCN, nước thải chưa qua xử lý đổ trực tiếp xuống sông hồ, gây ô nhiễm ở mức độ đáng báo động. Bãi chôn lấp rác chưa hợp vệ sinh không những ảnh hưởng đến sức khoẻ con người mà còn dẫn tới những thiệt hại kinh tế to lớn. Ngân hàng Thế giới ước tính mức thiệt hại kinh tế của Việt Nam do thiếu quản lý nước thải và chất thải lên tới 1,3% thu nhập quốc dân. Vào những thời kỳ suy thoái, mức thiệt hại này còn có thể cao hơn.



Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên, trước hết là do chúng ta chưa có quy hoạch, kế hoạch phát triển đồng bộ, thiếu sự phối hợp chung trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, chưa huy động tốt các nguồn lực trong xã hội… Bên cạnh đó, sức ép của quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số, di dân tập trung cao tại các đô thị lớn đã gây tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật. “Chính phủ đã ban hành các Nghị định về quản lý chất thải rắn và một số Nghị định khác có liên quan đến lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhằm cải cách, thúc đẩy ngành thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị phát triển bền vững nhưng việc triển khai thực hiện các Nghị định trên vào cuộc sống hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức” – Bộ trưởng nhấn mạnh.



Lý giải vấn đề tại sao các nhà đầu tư tư nhân chưa tham gia vào lĩnh vực xử lý nước thải và rác thải, Bộ trưởng phân tích: Các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải đòi hỏi đầu tư lớn nhưng lợi nhuận dịch vụ này mang lại thấp, phí dịch vụ thấp chưa đảm bảo thu hồi chi phí cho công tác quản lý vận hành và đầu tư công trình nên chưa có nhiều nhà đầu tư tham gia. Một phần do cơ chế chính sách chưa thu hút đầu tư, mặt khác các nhà đầu tư tư nhân tiềm lực không phải là lớn và kinh nghiệm cũng chưa có nhiều cho nên họ chưa mặn mà.




Cần giải pháp đồng bộ



Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, để giải quyết được vấn đề trên, không phải một ngành, một cấp chính quyền nào có thể giải quyết được, mà cần có sự phối hợp đa ngành, xuyên suốt từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương.



Bà Quốc Vụ khanh chia sẻ kinh nghiệm của Đức là cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế, Bộ Môi trường và Bộ Khoa học… bà đề xuất: “Việt Nam cũng cần có sự hợp tác như vậy để giải quyết đồng bộ các vấn đề, vì các bộ này hợp tác với nhau sẽ cho hiệu quả cao hơn là khi từng bộ tiến hành một cách đơn lẻ”.



Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chúng ta là phải tập trung được nhiều nguồn lực, nhất là khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Thoát nước là vấn đề thuộc hạ tầng kỹ thuật. Đứng ở góc độ nhà đầu tư, họ phải có lợi nhuận, vấn đề ở đây là phải giải quyết hài hoà giữa lợi nhuận của nhà đầu tư và lợi ích cộng đồng. Vấn đề này không chỉ đặt ra trước chính quyền mà còn đặt ra trước tất cả các nhà đầu tư. Chủ trương, phương hướng thì có nhưng Chính phủ vẫn khuyến khích các nhà đầu tư đề xuất, hai phía phải cùng đi tới, hướng tới thì mới tìm được tiếng nói chung”.



Đồng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam, Bà Quốc Vụ khanh Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức cũng cho rằng: Vấn đề nước thải, rác thải và việc đưa ra chính sách liên quan đến cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải là vấn đề chung của cả cộng đồng. “Chúng ta phải quan niệm nước là nguồn tài nguyên chung của cả cộng đồng. Vì nó là tài sản chung của cả cộng đồng nên khi làm việc với nó chúng ta không được phép đặt ra mục đích kiếm được lợi nhuận cao nhất để buôn bán và xử lý nguồn lợi đó, không coi lợi nhuận là trọng tâm số một. Cho nên để tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này, chúng ta phải tạo cho họ “sân chơi” để họ phát huy hết khả năng nhưng mặt khác chúng ta cũng cần phải tạo ra khung pháp lý, để họ hoạt động trong khung pháp lý đó” – bà Quốc Vụ khanh nhấn mạnh.



Tại buổi thảo luận nhóm của Diễn đàn, các chuyên gia đã làm việc tích cực, đóng góp nhiều ý kiến quan điểm xung quanh 4 vấn đề chính: Các chiến lược chính trị; khung luật định; nguồn tài chính bền vững và sự hợp tác giữa các thể chế có liên quan nhằm xác định các hành động ưu tiên trong chương trình hành động. Theo các chuyên gia, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải đồng bộ và phù hợp với quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, cần xây dựng chiến lược ngành, phát triển khung pháp lý và các chính sách để thu hút đầu tư tư nhân thông qua cổ phần hoá, giảm dần bao cấp của Nhà nước và giúp chính quyền địa phương tự chủ hơn. Các chuyên gia cũng đề xuất, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý vốn ODA, cũng cần rà soát lại Thông tư 108 của Bộ Tài chính vì hiện Thông tư này quy định vốn ODA cấp về cho chính quyền địa phương, thiết lập tiêu chí áp dụng xem thành phố nào nhận được vốn, xây dựng lộ trình chuyển đổi từ cơ chế tài chính cũ sang cơ chế tài chính mới (áp dụng cho cả tài trợ và vốn vay), cần tiến hành đánh giá và điều chỉnh mức phí nước thải cho phù hợp, tăng cường các dự án Bioga…Nâng cao nhận thức cộng đồng tập trung vào 3 nhóm đối tượng là: Lãnh đạo, cộng đồng dân cư và học sinh trong các trường học là vấn đề được các chuyên gia quan tâm.







“TP quê hương tôi, Dusseldorf, nằm bên bờ con sông lớn nhất ở Đức, sông Ranh. Và mới chỉ 20 năm trước đây, con sông này bị ô nhiễm đến mức bị cho là đầy ô nhiễm và giết chết sự sống. Ngày nay, thậm chí các đàn cá hồi cũng đã quay trở về – và đôi khi còn có cả người xuống tắm! Nhưng một lần nữa kết quả này có được là nhờ một nỗ lực hết sức to lớn và không thể diễn ra chỉ qua một đêm” – Bà Karin Kortmann Quốc Vụ khanh chia sẻ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *