Bia tiến sĩ – Di sản thế giới đầu tiên của Hà Nội

Hồ sơ Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 9/3/2010. Đây là Di sản thế giới đầu tiên của Hà Nội và thật ý nghĩa khi Bia tiến sĩ Văn Miếu được công nhận trong năm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

82 tấm Bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được dựng trong khoảng gần 300 năm từ 1484 dưới triều Vua Lê Thánh Tông đến năm 1779 triều Lê Chiêu Thống. 82 tấm bia ghi lại lịch sử các khoa thi, tên tuổi của những bậc hiền tài đỗ đạt… 82 tấm bia ứng với 82 khoa thi được tổ chức. Nét độc đáo của Bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là có bài văn thể ký (lối văn biền ngẫu) thể hiện tư tưởng giáo dục, biểu dương chính sách sử dụng hiền tài… Ngay trên Tấm bia đầu tiên dựng vào năm 1448 có đề một câu bất hủ mà đến nay người Việt ai ai cũng thuộc nằm lòng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”.

Chính nét khác biệt và độc đáo đó của Bia tiến sĩ Văn Miếu đã được UNESCO ghi nhận và đánh giá cao. Năm 2010, Hà Nội cũng đã và đang đệ trình UNESCO xét vinh danh ba di sản: Bia tiến sĩ Văn Miếu, Hội Gióng và Hoàng Thành Thăng Long. Việc Bia tiến sĩ Văn Miếu được UNESCO vinh danh vì thế thực sự là một tín hiệu vui cho dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và hy vọng cũng sẽ mở ra một “mùa” bội thu Di sản thế giới của Thủ đô trong năm 2010.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *