Cát Bà – cơ hội và thách thức

Cát Bà là một địa danh có sức hấp dẫn đặc biệt. Với tiềm năng biển, rừng trời phú, Cát Bà không chỉ thu hút khách du lịch đến khám phá sự kỳ thú của thiên nhiên mà còn có sức hút các nhà đầu tư…


Cát Bà hấp dẫn các nhà đầu tư

trung tâm du lịch cấp quốc gia mới

Cát Bà là đảo lớn nhất trong hệ thống quần đảo bao gồm 366 hòn lớn nhỏ của huyện Cát Hải (Hải phòng) và tiếp nối với các hòn đảo nằm trong vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh. Do vậy, đến với Cát Bà, ngoài những bãi tắm như Cát Cò I, Cát Cò II, Cát Dứa, Cát Ông… du khách còn có thể tìm đến những bãi tắm mi ni, thiên tạo ở ngoài các đảo nhỏ, muốn ra được đó phải đi bằng thuyền.

Không chỉ có vậy, Cát Bà còn sở hữu khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hàng năm, hàng nghìn lượt du khách về đây thám hiểm, nghiên cứu, tham quan hệ động thực vật, thảm sinh thái đa dạng, phong phú và quý hiếm. Điển hình là cây chò dãi – một loại thực vật ghi trong sách đỏ, trên thế giới ngoài Cát Bà chỉ còn tìm thấy ở dãy Hymalaya. Hay loài voọc đầu trắng, trên thế giới chỉ còn tồn tại duy nhất ở Cát Bà…

Ngoài ra, Cát Bà còn có rất nhiều điểm hấp dẫn khác. Đó là di chỉ Cái Bèo thuộc nền văn hoá Hạ Long. Cách đây 6.475 – 4.200 năm, trước khi đảo Cát Bà bị chìm trong biển, lớp cư dân đầu tiên của vùng biển Đông Bắc Việt Nam đã từng sinh sống với nghề khai thác biển và làm nông nghiệp. Đó là làng chài Việt Hải với những ngôi nhà truyền thống được làm từ tre, gỗ, lá và đất, với những con người miền biển chất phát, hồn hậu. Đó là các rạn san hô ở cụm đảo Đầu Bê và Long Châu trên 350 ha, ở độ sâu từ 4 – 6m, có đến hơn 160  loài. Đó là các hang động đẹp nổi tiếng như động trung trang, động Thiên Long, động Hùng Sơn…, các vụng, áng hoang sơ như vụng Ếch, vụng Quai Xanh, vụng Tùng…, những hồ, suối nước khoáng thiên nhiên như suối trung trang, suối Thuồng Luồng, suối Việt Hải, những khu rừng ngập mặn…

Năm 2009, Cát Bà đã chính thức đón lượt khách thứ 1 triệu và hiện đang được xây dựng thành trung tâm du lịch cấp quốc gia.

Tiếp tục đánh thức tiềm năng

Theo nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết của Thành ủy Hải phòng, cùng với việc xây dựng Cát Bà thành trung tâm du lịch cấp quốc gia, Cát Hải (trong đó có Cát Bà) đồng thời được xây dựng thành trung tâm hậu cần nghề cá Bắc bộ. Để triển khai những định hướng phát triển nói trên, những năm qua, Cát Bà nói riêng, Cát Hải nói chung được quan tâm đầu tư. trong đó có những dự án quan trọng, mang tính đột phá, tạo đà phát triển như dự án đưa điện lưới quốc gia đến Cát Bà (1998), dự án xây dựng nhà máy cấp nước ngọt công suất 5.000m3/ngđ (2006) và nhất là dự án xây dựng tuyến đường xuyên biển, xuyên đảo Đình Vũ – Cát Hải – Cát Bà (2004). Giờ đây đến với Cát Bà, người ta có thể chọn nhiều hướng tuyến và phương tiện. Có thể đi tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu cao tốc từ Tuần Châu (Quảng Ninh), từ Bến Bính (Hải phòng) thời gian chưa đầy 1 giờ hoặc đi đường xuyên biển, xuyên đảo từ Đình Vũ cũng không mất quá 2 giờ.

Chính nhờ những dự án hạ tầng quan trọng nói trên mà Cát Hải nói chung, Cát Bà nói riêng gần hơn với đất liền. Cát Bà đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch. Những resort, khách sạn, khu đô thị sinh thái biển đã dần hình thành, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ ở Cát Bà. trong những dự án nói trên, không thể không kể đến dự án Catba Amatina do VINACONEX-ICT làm chủ đầu tư với quy mô 172 ha, tổng vốn khoảng 1 tỷ USD. Dự án khu đô thị du lịch biển lớn nhất miền Bắc này được kỳ vọng là đem đến cho Cát Bà cơ hội trở thành điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam.

Cơ hội và thách thức

Cát Bà – Cát Hải đã gần đất liền hơn nhưng chắc chắn sẽ còn gần hơn nữa bởi hàng loạt các dự án quan trọng quy mô khác đang được xem xét triển khai. Đó là dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải phòng (QL5B) mà điểm đầu Hải phòng được xác định tại Cát Hải. Đó là dự án cầu vượt biển Đình Vũ – Cát Hải. Theo quy hoạch đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Tp Hải phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được công bố mới đây, Tp sẽ phát triển ra biển theo 5 hướng. trong đó, hướng phía Đông sẽ phát triển khu Đình Vũ, tràng Cát và đảo Cát Hải. Huyện đảo Cát Hải sẽ phát triển, hình thành khu cảng cửa ngõ quốc tế (được biết đến với tên gọi quen thuộc là cảng nước sâu Lạch Huyện). Cảng này cùng với 8 xã thuộc Thủy Nguyên, đảo Vũ Yên, đảo Đình Vũ, p.tràng Cát hình thành khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải…

Đồ án quy hoạch cũng khẳng định trong tương lai sẽ xây dựng Cát Bà trở thành khu du lịch cấp quốc gia và quốc tế gắn với khu du lịch, kỳ quan thiên nhiên của thế giới Vịnh Hạ Long.

Diện mạo, sức sống của Cát Bà – Cát Hải chắc chắn sẽ còn có những đổi thay, hấp dẫn hơn nhưng đồng thời đứng trước những thách thức không nhỏ về nguy cơ phát triển kinh tế nóng. Cát Bà – Cát Hải sẽ phải giải quyết bài toán phát triển hài hòa du lịch, nghề cá, kinh tế biển với việc bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Áp lực này càng lớn hơn khi chính quyền Tp Hải phòng đang dự tính lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Cát Bà là kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *