Có thêm nhiều vết tích xuất lộ và các di vật khảo cổ tại khu vực Hổ Quyền và điện Voi Ré thuộc di tích Cố đô Huế

Cụm di tích Hổ Quyền – Voi Ré thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1993. Tuy nhiên, các công trình này đều bị xuống cấp nghiêm trọng, đang được trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với phân viện khoa học công nghệ xây dựng miền trung khảo sát, lập dự án để bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị của hệ thống di tích này.

Sau 2 tháng thám sát khảo cổ tại khu vực Hổ Quyền – Voi Ré (từ 18/5 đến nay), trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết đã thu được nhiều vết tích xuất lộ và các di vật khảo cổ, góp thêm chứng cứ quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử kiến trúc liên quan đến di tích này. Với tổng số 13 hố đào tại Hổ Quyền và 11 hố đào tại khu vực Voi Ré, kết quả khảo sát đã phát hiện nhiều điều thú vị liên quan đến lịch sử xây dựng và tu bổ các công trình, đặc biệt là sự khác biệt về cấu trúc hệ thống bậc cấp xung quanh khu vực khán đài giữa hai thời điểm niên đại Minh Mạng (thời điểm xây dựng Hổ Quyền) và Thành Thái (thời điểm tu bổ và cải tạo công trình). Đồng thời, những vết tích xuất lộ và các di vật khảo cổ trong quá trình thám sát cũng đã góp thêm nhiều chứng cứ quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử kiến trúc thời Nguyễn, đặc điểm của một số loại vật liệu kiến trúc độc đáo, đa dạng và cơ chế hoạt động của hệ thống thoát nước tại di tích Hổ Quyền…cũng như về độ cao mặt nền di tích Hổ Quyền, vật liệu lát mặt sân di tích Voi Ré, vị trí chính xác và cấu trúc nền móng cũ của công trình…

Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây-Nam, trên địa phận thôn trường Đá thuộc xã Thủy Biều, điện Voi Ré là một di tích độc đáo thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Voi Ré (hay còn gọi là Long Châu Miếu) tọa lạc trên một khu đất rộng, diện tích chừng 2.000 m², nằm về phía Đông-Nam đồi Thọ Cương. Cũng theo những nguyên tắc chung về thuật phong thủy của Đông phương, người ta vận dụng Thành Lồi (thành cũ của người Chàm) có sẵn để làm bình phong che chắn cho ngôi điện; tiếp đến là hồ Điện tạo nên yếu tố thủy (minh đường) và tăng thêm giá trị mỹ học cho công trình. Tương truyền các quản tượng ngày xưa thường đưa voi đến uống nước ở hồ này trước mỗi trận đấu giữa voi và cọp tổ chức tại Hổ Quyền. Đối với di tích Hổ Quyền là một đấu trường hết sức độc đáo, nơi diễn ra cuộc đấu sinh tử ác liệt có một không hai giữa voi và hổ. Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn. Vòng thành trong cao 5,90 m; vòng thành ngoài cao 4,75 m. Thành ngoài nghiêng một góc khoảng 10 đến 15 độ tạo thế vững chãi kiểu chân đê. Chu vi tường ngoài Hổ Quyền là 145 m, đường kính lòng chảo là 44 m. Hổ Quyền được xây dựng dưới triều chúa Nguyễn (1558 -1775). Khán đài vua ngồi ở mặt Bắc của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh và cơi nới ra sau tạo một không gian tương đối rộng. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và các quan đại thần…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *