Hồn quê






Tạp chí Kiến trúc Nhà Đẹp Số 7-2007

Đứa con gái đang học lớp 6 ở một trường THCS tại
trung tâm Sài Gòn, bữa đó về nhà hồn nhiên khoe: “Sáng nay cô giáo cho vẽ con
trâu ăn cỏ bên gốc cây. Con làm bài xong sớm nhất lớp nên vẽ thêm được cái dây
buộc trâu lại”. Tôi hỏi buộc trâu bằng cách nào, cháu trả lời: “Con vẽ một đầu
dây buộc vào gốc cây và đầu kia buộc vào sừng trâu”. Nghe mà bật cười, nhưng tôi
không thể trách cháu. Sinh ra và lớn lên hoàn toàn trong đô thị, cháu đã thấy
người nông dân xỏ mũi trâu bao giờ đâu!

Lại một lần tôi lẩn thẩn ngồi đếm từng “dấu vết” quê hương được kể trong một bài
hát nổi tiếng: Quê hương là chùm khế ngọt, là đường đi học bướm vàng bay, là con
diều biếc thả trên đồng, là con đò khua nước ven sông, là cầu tre mẹ về nghiêng
nón lá, là đêm trăng hoa cau rụng ngoài thềm. Hết. Và như thế, “quê hương nếu ai
không nhớ / sẽ không lớn nổi thành người” – một kết luận nghe rất… thấm.
Nhưng với thế hệ 8X, 9X như con tôi, rồi các thế hệ tiếp sau nữa, những “dấu
vết” quê hương ấy liệu có còn đủ đầy trên thực địa?
Tôi vẫn chưa thu xếp nổi một chuyến đưa con gái mình về “la cà” nơi thôn quê, để
cháu tận mắt thấy con trâu bị buộc lại bằng cách nào. Chỉ mới giải thích bằng
lời cho cháu về nghĩa đen cùng nghĩa bóng của từ “xỏ mũi”, và may thay, tôi kịp
một lần đưa cháu vào rạp xem phim Mùa len trâu. Còn những “dấu vết” quê hương
khác, cháu hoàn toàn tự tìm lấy ở đâu đó, trong sách báo phim ảnh, trong những
chuyến picnic cùng bạn bè chưa ra tới ngoại thành (vì chưa được người lớn cho
phép!)… Cháu thì cứ lớn lên không dừng cùng đám bạn, năm nay đã học lớp 11 rồi.
Tôi kể tản mạn như thế với Nhà Đẹp, bởi tôi biết rằng Nhà Đẹp vẫn chủ trương
viết về văn hóa ở, về hồn Việt trong không gian sống. Những mục trước đây xuất
hiện đều kỳ trên Nhà Đẹp như “Ký ức sống”, “Góc sống”, hay những cuộc thi viết
ngắn do Nhà Đẹp tổ chức đã được nhiều người tâm đắc.
Đặc biệt tôi rất thích cuộc thi viết ngắn “Đời nhà – đời người”. Nội cái tên
cuộc thi cũng hay rồi! Ở một xứ sở trải qua lắm thăng trầm, ly tán như Việt Nam
ta, mỗi đời nhà, mỗi phận người có biết bao câu chuyện đáng nhớ đáng kể. Hầu như
bài dự thi nào cũng viết thật đẹp về tuổi thơ, về ngôi nhà của những vùng quê
nghèo khó nhưng rất đỗi thân thương… Và tôi cũng nhớ đến chủ đề “Sống phong lưu”
từng được xới lên trong một cuộc gặp gỡ bàn tròn trên Nhà Đẹp – nhiều kiến trúc
sư và nhà văn hóa đã phân tích: phong lưu của người Việt như một sự hoài nhớ
(nostalgie), như một cách giữ gìn truyền thống gia phong.
Được biết ở thủ đô Hà Nội có Bảo tàng Dân tộc học rất đông khách tham quan, từng
nổi tiếng với triển lãm “Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp”, trong đó có dựng lại
nguyên một căn hộ gia đình thời khốn khó. Tôi chưa được ra thăm Bảo tàng này,
nhưng tôi thiết nghĩ, những cố gắng của Nhà Đẹp cũng có ý nghĩa như một bảo
tàng, góp thêm một cách bảo tồn văn hóa sống, văn hóa ở đậm chất Việt Nam.
Hình ảnh quê hương đi vào lòng người, tất nhiên bằng cả giai điệu thiết tha của
bài hát chứ không chỉ bằng ca từ. Nhưng làm gì để hồn Việt của quá khứ không mất
đi và sẽ càng đậm hơn trong những khung cảnh sống hiện đại đang trên đà đô thị
hóa, công nghiệp hóa không gì cưỡng lại nổi? Tôi tin rằng nhiều người đọc cũng
như tôi, chờ đợi một phần câu trả lời trong tờ tạp chí Nhà Đẹp thân yêu của
mình.

Huỳnh Thuận
phong

(35 Lê Thánh Tôn, Q.1, Tp.HCM)

(KTNĐ số 7-2007)
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *