Cống lộ thiên khổng lồ giữa Thủ đô

Cả dòng Nhuệ giang đen ngòm, sền sệt, bốc mùi thum thủm. Những miệng cống thông thốc xả trực tiếp xuống sông, bọt trắng xóa, rác nổi lều bều. Mùa nước cạn, giữa Thủ đô xanh, người dân sống ven bờ sông Nhuệ đang phải bóp bụng, dành tiền đốt quế chống thối… sống qua ngày.

phương án chống… thối

Anh Tĩnh lúi húi nhóm nồi quế hồi trước cửa nhà, rồi quay ra nói với tôi: “Mỗi ngày phải đốt 2 nồi mới át được mùi từ dưới sông lên. Hôm nào hết quế thì thôi rồi, mùi hôi thối xộc vào mũi, vào miệng, đóng kín cửa cũng chẳng ăn thua”. Quả thật, khi nồi quế đượm lửa thơm át đi cái khí thum thủm, tôi mới thấy đỡ váng vất đầu óc vì mùi khăn khẳn bị ép “thưởng thức” suốt đoạn đường vào đây.

Ở con phố Thanh Bình (quận Hà Đông) nằm sát sông Nhuệ này, có hàng trăm hộ dân, nhưng chỉ mỗi gia đình anh Tĩnh có điều kiện đốt quế hồi chống thối cả ngày. Tuy nhiên theo anh Tĩnh, đây là biện pháp cực chẳng đã, bởi mỗi tháng, gia đình anh phải tốn khoảng 1,2 triệu đồng.

Những gia đình còn lại dè xẻn bớt tiền ăn, chỉ dám đốt quế vào bữa cơm hoặc chống mùi thối bằng cách che chắn kín cửa nhà. Mấy hôm trước nắng to, mùi sông bốc lên nồng nặc, nhiều người đành khóa cửa đi chơi, đến đêm khi khí trời dịu mát mới về.

Mùa này, nước sông Nhuệ cạn để trơ ra những bãi rác dưới lòng sông. Ruồi, nhặng, muỗi… thi nhau vây lấy những căn nhà lụp xụp. Cả dãy phố sát mép sông này chủ yếu là những ngôi nhà cấp 4, có những nhà được làm bằng tre nứa tạm bợ. Cũng phải thôi, trong điều kiện sống như thế, chẳng ai còn tâm trí đâu để xây nhà lầu, nhà đẹp.

Nhưng cũng có những gia đình không chịu được mùi hôi thối từ lòng sông Nhuệ đã bán nhà đi nơi khác. Anh Liên sống ở đây hơn chục năm cho biết, có người treo biển bán nhà mãi không được nên đành cho sinh viên thuê và thuê lại một căn nhà nơi khác với giá đắt gấp nhiều lần để ở.

Ngoài ô nhiễm mùi, nhiều cư dân vạn chài ven dòng Nhuệ giang cũng mất nghiệp. Ông Thành, nhà ở phố Nhuệ Giang sát sông Nhuệ trước kia làm nghề chài lưới trên sông. Mấy năm nay, ô nhiễm nặng quá nên nguồn thủy sản gần như “tuyệt chủng”, ông đành gác thuyền một chỗ. Các thành viên trong gia đình người thì chuyển sang bán hàng ở chợ, kẻ bán quán nước ở đầu cầu Đen.

Thị xã Hà Đông, Hà Tây xưa được sở hữu dòng Nhuệ giang trong xanh, bao bọc, nhiều kẻ nhanh chân sắm một phần đất ven sông để làm quán cafe, giải khát. Thế nên năm, bảy năm trước mọc hẳn một phố cafe dọc sông với những quán khá nổi tiếng như trâu Xanh, Hồng Đào… Giờ đây, con phố này chả còn bóng dáng khách đến uống cafe ngắm cảnh. Mùi sông đã đuổi khách đi, một chủ quán than thở.

Từ khi lòng sông bị ô nhiễm, nguồn nước sinh hoạt của những gia đình ven sông cũng bị ảnh hưởng. Cũng may thời gian trước, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các gia đình lắp nước máy, nhưng theo anh Liên nhiều gia đình nghèo không có tiền vẫn dùng nước ngầm sau đó lọc qua bể và chỉ để tắm rửa, giặt giũ, còn nước ăn thì đi xin hoặc mua.

Chưa cứu được Nhuệ giang

Sông Nhuệ khởi nguồn từ sông Hồng ở đập Liên Mạc, chảy qua Hà Nội và hợp với sông Đáy ở Tp. phủ Lý, Hà Nam. Sông mang nước tưới tiêu cho hàng nghìn ha đất canh tác, cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân ven bờ. Hàng nghìn người cũng dựa vào dòng Nhuệ giang để mưu sinh nhờ khai thác nguồn lợi thủy sản. Nhưng đó chỉ là những ký ức còn sót lại của cư dân ven dòng sông này, bởi Nhuệ giang giờ không khác gì cống…

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, huyện Từ Liêm có 2 khu công nghiệp là phú Minh và cụm vừa và nhỏ Từ Liêm, 28 cơ sở sản xuất bao bì, nhựa cát tông, 53 cơ sở cơ khí, VLXD, 10 cơ sở hóa chất và khoảng 300 hộ sản xuất bún ở làng phú Đô, bánh kẹo Xuân Đỉnh xả thải trực tiếp xuống sông Nhuệ. Huyện Hoài Đức có 3 làng nghề, quận Hà Đông có 5 làng nghề cũng đổ nước thải xuống đây. Đó là chưa kể đến nước thải sinh hoạt của hàng vạn hộ gia đình.

Có những nơi, nước sông ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép từ 60 – 70 lần. Còn theo số liệu từ đề án Quản lý bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất đai lưu vực sông Nhuệ, nước sông Nhuệ có hàm lượng BOD5 vượt từ 5-29 lần, Fe vượt khoảng 13,2 lần tiêu chuẩn cho phép.

Nhằm giải cứu Nhuệ giang, tháng 12/2009, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy đã được thành lập. Chủ tịch ủy ban là Chủ tịch UBND của một trong số 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy luân phiên đảm nhiệm. Một trong các giải pháp được đề ra trong năm 2010 của Ủy ban này là bổ sung nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ để đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng nước cho lưu vực hài hoà với mục đích bảo vệ môi trường, đặc biệt trong các tháng mùa khô.

Tuy nhiên, trong thời điểm sông Hồng còn thiếu nước thì sông Nhuệ cạn trơ rác giữa lòng sông là điều dễ hiểu. Dòng Nhuệ giang sẽ tiếp tục đen ngòm và bốc mùi hôi thối suốt những tháng hè năm nay. trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng tìm biện pháp, người dân đành tiếp tục chịu trận, sống thấp thỏm trong ô nhiễm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *