Công trường cầu Đồng Nai: Nỗ lực để thông xe

Đến công trường cầu Đồng Nai vào những ngày cuối năm, chúng tôi mới cảm nhận được hết những nỗ lực và niềm vui rạng rỡ trên công trường. Không khí thi đua, khẩu hiệu tăng ca… rộn ràng trên từng nhịp cầu, hiện lên trên bàn tay, ánh mắt, nụ cười của anh chị em cán bộ công nhân. Mọi người đang ra sức thi đua để hoàn thành tiến độ thông cầu vào dịp cuối năm.


Rạng ngời nụ cười công nhân công trường.

Chạy đua với thời gian

Con đường vào công trường còn dang dở, những đoạn đường nối đang được hoàn thiện dần khiến chúng tôi “gồng mình” mãi mới vào được, cạnh đó là cầu Đồng Nai cũ xe cộ vẫn nườm nượp qua lại. Đội chiếc mũ bảo hộ lao động, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình vào giữa ca làm việc của anh chị em công nhân. Câu chuyện bị gián đoạn bởi những âm thanh của tiếng đục, tiếng khoan bê tông… inh ỏi. Anh Dũng – Cty Cp Xây dựng cầu Đồng Nai cho biết, hiện công trường đang hoàn thành giai đoạn cuối với những phần việc còn lại, số lượng công nhân không còn nhiều. Lúc cao điểm số công nhân lên tới gần 600 người, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng gần 200 người, chia nhau theo từng hạng mục nhỏ và hoàn thành theo sự phân công của nhóm trưởng. Để hoàn thành đúng tiến độ đã được giao anh chị em phải tăng ca, nếu trước kia tiến độ thi công tính theo tháng theo quý thì hiện nay tiến độ được tính bằng ngày bằng giờ. Những đơn vị đang thi công phần còn lại của công trình đều “ganh” nhau hoàn thành chỉ tiêu cho kịp tiến độ.

tranh thủ giờ giải lao chúng tôi mới “tiếp cận” được một vài công nhân. Anh trần Ngọc Thái, tay thợ phụ của Cty Thiên Ấn đang dọn vệ sinh mặt cầu, khi được hỏi đã không giấu nổi niềm vui, anh kể Cty anh được giao xây trụ T3, T6. Đến nay cũng sắp xong hết, chỉ còn lại những việc nhỏ như làm đường nối, lan can, lắp mái taluy, làm đường tạm, đục bỏ gối tạm đỉnh trụ… thì đội nào làm chuyên của đội đó. Giai đoạn cuối còn những việc nhỏ và nhẹ nhất nhưng nhiều áp lực nhất. Ở đội anh ai cũng phải tăng ca, tất cả anh em công nhân, giám sát trưởng, kỹ sư… trung bình một ngày làm từ 10 tiếng trở lên. Tuy mệt nhưng vui vì sắp được “đến những công trình mới”, xong một công trình là tay nghề của anh em lại tăng thêm chút ít.

Dừng lại ở phần việc của Cty Việt Hưng, nơi có duy nhất bóng hồng đang làm việc, chị phan Thị Hằng quê ở Vĩnh Long cho biết chị làm ở Cty Việt Hưng được hơn 6 năm, gắn bó với nhiều công trường. Những ngày này chị cũng dồn sức cùng anh em làm tăng ca để nhanh chóng nhìn thấy hình hài cây cầu mới, có những ngày chị làm tăng ca tới 23h, 0h, 1h… vì tiến độ gấp rút của công trình.

Anh Đức, kỹ sư giám sát công trình cho biết, để đáp ứng yêu cầu tiến độ, nhiều hôm trời mưa anh em phải dựng lều bạt để tiếp tục làm việc. “Tiến độ là quan trọng nhưng chúng tôi vẫn nhất nhất theo dõi, giám sát các đơn vị thi công. Bất kỳ chi tiết nào cũng được nhóm trưởng, kỹ sư, đơn vị thi công, đội giám sát công trường và nhà thầu kiểm tra chặt chẽ. Còn lại những khâu cuối mà bê trễ là hỏng hết công lao từ đầu. Anh chị em cũng quán triệt tư tưởng làm tới đâu gọn tới đó, tránh nhắc nhở tu sửa nhiều”, anh Đức nói.

“Mặc dù không khí khẩn trương tấp nập nhưng do Cty quán triệt tư tưởng cho anh em công nhân về an toàn lao động nên anh em chủ động phòng tránh, ít để xảy ra tai nạn lao động”, anh Lê Hồng Sơn, Giám đốc Cty Cp Đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai, điều hành cầu Đồng Nai mới cho biết như vậy.

Nỗi niềm xa quê

Anh Quyền, kỹ sư xây dựng tại Cty Việt Hưng cho biết, đa số anh chị em trên công trường đều là người từ mọi miền tập trung về. Hầu hết anh em từ mấy tỉnh ngoài Bắc, cũng có người từ miền trung, miền Tây… gặp nhau là thành anh em. Những bữa cơm chung mâm chung nồi, những tháng ngày cùng tay đe tay búa đã khiến anh em gần gũi và hiểu nhau hơn. Khu nhà trọ dành cho anh chị em công nhân được thuê ở gần công trường để tiện cho sinh hoạt cũng như công việc. Bữa cơm người thợ chỉ có một món mặn và món rau nhưng anh chị em lúc nào cũng thấy ngon.

Anh Dũng, quê ở Bắc Ninh, là công nhân lành nghề của Cty Đạt phương đã 8 năm, lăn lộn với nhiều công trình, đi nhiều nơi, sống chung với biết bao người thợ khác… Cứ mỗi dịp tết đến xuân về anh không giấu nổi nỗi buồn man mác vì nhớ quê. Quê ở xa nên khoảng 3 – 4 năm anh mới về nhà một lần. Nỗi nhớ nhà nhớ quê cũng vơi dần khi có “cả đội đón tết xa nhà”. Đội của anh có nhiều người cùng ở miền Bắc, năm nào về là cùng về, ở lại thì cùng ở, giao thừa anh em lại tập trung trên công trường uống rượu, hát hò… Những năm đầu đón tết xa nhà nỗi cô đơn càng nặng nề hơn nhưng sau này anh cũng quen dần. Năm nào được về quê anh rậm rịch chuẩn bị đồ đạc, gửi tình thương mến qua những món quà. Anh thấy vui và ý nghĩa nhất là được gặp lại gia đình, người thân và được công đoàn tặng quà biếu đem về tặng người thân, món quà nhỏ nhưng ý nghĩa lớn lao.

Cùng chung đội với Dũng có những người quê ở miền Tây. Nhà cũng tương đối gần nên được về Tết. Những ngày cuối năm không khí làm việc khẩn trương khiến cho anh chị em mong mỏi cây cầu sẽ sớm hoàn thành để được trở về nhà sớm hơn dự định…

Rời công trường cầu Đồng Nai, chúng tôi vẫn nhớ mãi những nụ cười rạng rỡ như “mùa thu toả nắng” của anh chị em công nhân. Những âm thanh của sắt thép, gạch ngói, những đôi bàn tay cháy nắng, chai sần đã làm nên bao công trình giao thông huyết mạch của đất nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *