Điện Biên: Hoàn thành di dân thủy điện Sơn La

Sáng 5/5, UBND tỉnh Điện Biên đã chính thức công bố hoàn thành việc di dân, di chuyển nhà và tài sản của người dân ở dưới mức nước 195m. Thắng lợi này góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm đưa Nhà máy thủy điện Sơn La vào phát điện.


Người dân đã ổn định nơi ở mới tại các khu tái định cư
.

Gấp rút chuyển nhà theo tiến độ

Chiều 4/5, phóng viên báo Xây dựng đã có mặt tại thị xã Mường Lay, nơi sau này sẽ hoàn toàn bị chìm ngập trong nước vì nằm ở dưới cao độ 195m so với mực nước biển. Và cũng vì dòng điện ngày mai cho Tổ quốc mà hàng nghìn các hộ đồng bào dân tộc anh em Thái, Mông, Dao, Kinh, Tày, Mường… đã phải bỏ đất đai, nhà cửa, vườn tược, cuộc sống ổn định… để đến nơi ở mới với bao khó khăn. Song ai ai cũng vui lòng vì chấp nhận hy sinh, góp một phần nhỏ bé cho đất nước.

Gặp chúng tôi, ông Lù Văn Bin (42 tuổi), trưởng bản Chi Luông 2, p.Na Lay, thị xã Mường Lay cho biết: Cả bản tôi có 50 hộ, có 5 hộ nghèo, đều được di dân tái định cư tại chỗ nên cũng đỡ vất vả hơn những hộ dân khác trong dự án. Nhà tôi có 4 khẩu, có 1.000m2 trồng hai vụ lúa. Nay Nhà nước thu hồi đất nhưng mới trả cho gia đình tôi được 30% giá trị tài sản, phần còn lại cán bộ GpMB tỉnh bảo là tạo điều kiện mặt bằng cho dân, nên chúng tôi cũng đành biết chờ.

Tương tự như gia đình ông Bin, gia đình bà Điêu Thị Chiến (42 tuổi), trú tại bản Nậm Cắn, thị xã Mường Lay, cũng chung tâm trạng. Lúc trước, gia đình đang yên ổn sinh sống, nay chuyển từ chỗ thấp lên chỗ cao để nhường đất cho nhà máy thủy điện. Nhận được đền bù 200 triệu đồng, nhưng cũng lo vì cuộc sống còn trải dài phía trước… 

trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Nhân – phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Ngay từ những năm 2002, sau khi dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La được Quốc hội thông qua dự án, UBND tỉnh Điện Biên đã xây dựng các khu tái định cư cho đồng bào nằm trong vùng ngập lụt bị ảnh hưởng bởi dự án. Những ngày đầu di chuyển, địa phương gặp phải vô vàn khó khăn trong việc vận động người dân rời bỏ quê hương, nơi đã có hàng chục năm gắn bó với họ. Nhưng được sự vận động, động viên kịp thời của lãnh đạo địa phương, với những lợi ích của quốc gia trong việc xây dựng những nhà máy phục vụ cho hàng chục triệu đồng bào khác, chiến tranh chúng ta còn đồng lòng được, huống chi trong thời bình, chúng ta phải cùng nhau xây dựng đất nước, Nhà nước không để bà con thiệt thòi khi đến nơi ở mới. Nhiều ý kiến chất vấn trong các kỳ họp HĐND tỉnh về vấn đề bà con đi sang nơi ở mới sẽ như thế nào, rồi phong tục tập quán, bản sắc dân tộc, điện đường trường trạm… Ngày đầu làm công tác này, ai ai cũng lo bởi lẽ đây là một trong những lần di dân đầu tiên với số lượng hộ dân quá lớn. Đầu tiên, làm một khu dân cư, rồi cứ làm khu sau lại rút kinh nghiệm, bài học quý báu từ khu trước để rồi làm tốt hơn khi đưa bà con đến nơi ở mới. Bởi thế, càng về sau tốc độ di dân càng nhanh, nhiều người dân hiểu ra cũng đã cơ bản ủng hộ và làm tốt nên Điện Biên đã thành công. 

Sớm tái thiết ngay thị xã mới

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để đưa được hàng chục vạn người dân ra khỏi vùng ngập lụt, đã có 2.131 hộ dân được chia đất, bố trí tái định cư tại vùng quy hoạch thị xã Mường Lay mới. Bố trí các vùng thuộc địa bàn Tp Điện Biên phủ là 1.166 hộ. Đưa về huyện Tủa Chùa 351 hộ. Bố trí tái định cư tại huyện Mường Chà 200 hộ. Bố trí tại huyện Mường Nhé 52 hộ. Bố trí tái định cư tại địa bàn Lai Châu 484 hộ. Về cơ bản cơ sở hạ tầng đều được Nhà nước quan tâm, xây dựng giúp dân an cư lạc nghiệp. 

Đúng 9h sáng 5/5, ông Đinh Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã chính thức công bố tỉnh Điện Biên hoàn thành kế hoạch di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ngập nước ở cao độ 195m. Với thành công này của tỉnh Điện Biên, Nhà máy thủy điện Sơn La đã có thể an tâm đóng cống dẫn dòng, tích nước cho lòng hồ để có thể sớm khởi động tổ máy số 1, phát điện chạy thử. Nếu tổ máy số 1 ổn định thì lần lượt các tổ máy khác sẽ được hoàn thiện và nhà máy sẽ đạt đúng kế hoạch đề ra, góp phần làm tăng sản lượng điện phục vụ Tổ quốc.

trao đổi nhanh với phóng viên báo Xây dựng, ông Đinh Tiến Dũng cho biết: Tính đến tháng 4/2010, tỉnh Điện Biên đã tổ chức di chuyển tái định cư cho 4.724 hộ dân. trong đó tái định cư nội tỉnh là 4.142 hộ, tái định cư tại Lai Châu là 484 hộ và người dân tự nguyện di chuyển là 98 hộ. Số tiền chi cho công tác giải phóng mặt bằng 1.703 tỷ đồng. Ông Dũng cũng cho biết, ngay sau khi “xóa sổ” thị xã Mường Lay cũ, UBND tỉnh Điện Biên đã huy động tất cả tiềm lực, lực lượng để xây dựng lại một đô thị Mường Lay mới đẹp hơn, khang trang hơn để phục vụ người dân. Được biết, kinh phí để đầu tư xây dựng mới lại thị xã Mường Lay đã tạm ứng khoảng 800 tỷ đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *