Dự án 56 tỷ USD đường sắt cao tốc : Lo không đủ vốn

Ngày 17-4, UBTV Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TpHCM và đồng ý để Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn băn khoăn về hiệu quả và nguồn vốn để triển khai.


Tàu cao tốc của Nhật Bản

Tổng đầu tư gần 56 tỷ USD

Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, đến năm 2030, nếu không có đường sắt cao tốc (ĐSCT) thì năng lực của các phương thức vận tải trên hành lang Bắc- Nam sẽ bị vượt 57 triệu hành khách/năm (nhu cầu thực tế lên tới 195 triệu hành khách/năm trong khi năng lực chỉ đạt khoảng 138 triệu hành khách/năm).

Với năng lực chuyên chở cao, một chiều bình quân mỗi năm đạt 50 – 70 triệu/người, ĐSCT đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách trong tương lai trên trục Bắc- Nam.

Chính phủ trình 4 phương án đầu tư và đề xuất lựa chọn phương án bốn. Theo đó, sẽ nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách địa phương.

ĐSCT sẽ được xây dựng trên tuyến mới với tốc độ khai thác 300 km/h (vận tốc thiết kế 350 km/h) để dành riêng vận chuyển khách.

Chính phủ cũng đề nghị lựa chọn công nghệ động lực phân tán cho toàn tuyến của Nhật Bản, thay vì công nghệ kéo đẩy của pháp, Đức.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, toàn tuyến sẽ có 27 ga, trong đó ga đầu là Ngọc Hồi (Hà Nội), ga cuối là Hòa Hưng (TpHCM), và 25 ga dọc tuyến.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 55,8 tỷ USD, trong đó chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng là 30,8 tỷ USD, chi phí thiết bị 9,5 tỷ USD, giải phóng mặt bằng là 1,8 tỷ USD…Suất đầu tư bình quân là 35,6 triệu USD/1 km.

Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ bắt đầu thiết kế xây dựng vào năm 2012. Đến 2020 sẽ đưa vào khai thác đoạn Hà Nội – Vinh và đoạn Nha trang – TpHCM. Đến 2030 đưa vào khai thác đoạn Vinh – Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

 Khi đó, thời gian từ Hà Nội đi TpHCM mất khoảng 5 giờ 38 phút, với mức giá vé bằng 50%, 75% và 100% giá vé máy bay hạng phổ thông.

Lo không đủ vốn

Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT Đặng Vũ Minh cho rằng, tổng mức đầu tư của dự án là rất lớn, suất đầu tư cao, tới 680 tỷ đồng/1 km.

phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên yêu cầu Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo, trong đó thuyết trình rõ hơn các phương án đầu tư, khả năng cân đối vốn để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Đặc biệt, hiệu quả đầu tư và khả năng thu hồi vốn cần làm rõ ở từng giai đoạn để Quốc hội có cơ sở quyết định.

trong đó, riêng chi phí tư vấn của dự án đã lên tới 3,8 tỷ USD. Vốn nhà nước trong dự án yêu cầu nhiều nên khó có thể đáp ứng được trong bối cảnh phải đảm bảo nhu cầu vốn cho các dự án quan trọng khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền lo ngại, vốn để đầu tư cho dự án này cần tính toán kỹ, xem tính khả thi đến đâu. Riêng tiền dành để giải phóng mặt bằng, dự án tính tại thời điểm năm 2008, đến nay đã thay đổi. Nếu triển khai ngay năm 2010 thì cũng không thể là 30.000 tỷ đồng mà theo Nghị định 69, số tiền này đã tăng gấp 4- 5 lần.

“trong bối cảnh nền kinh tế cần một số lượng vốn rất lớn, do vậy các phương án thu xếp vốn Chính phủ phải cân đối với các dự án khác, bởi riêng dự án này vốn vay đã 2 tỷ USD/năm”- Ông Hiền nói.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Văn Thuận đồng tình, những năm gần đây vốn đầu tư cho ngành GT-VT rất lớn. Nếu thêm tuyến này thì không biết có huy động được vốn không.

Ông Thuận cho rằng, đừng để như  một ông bố muốn “con cả xây nhà lầu, đứa thứ hai có cái ô tô nhưng lúc sờ đến túi thì không còn tiền”.

“Tôi cũng rất lo”- Bộ trưởng Bộ GT- VT Hồ Nghĩa Dũng chia sẻ về vấn đề vốn đầu tư. Tuy nhiên, Quốc hội phải quyết chủ trương đầu tư để Chính phủ lập dự án thì mới kêu gọi được các nhà đầu tư.

Ông Dũng cho biết, đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư và họ đều bày tỏ quan tâm đến dự án.

trên toàn tuyến có tới 27 ga, cứ 58 km đã có một ga nên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor phước cho rằng: “Nếu tàu cao tốc mà dừng liên tục như vậy thì đi bộ còn nhanh hơn”. Một vấn đề nữa là an toàn trong khi vận hành thế nào cũng chưa được làm rõ? Nếu ý thức người dân, năng lực quản lý không tốt thì chỉ “một sơ suất là chết hết bởi tốc độ đoàn tàu tới 300 km/h”.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trần Đình Đàn cho rằng, phải làm rõ khả năng thu hồi vốn bao lâu đối với cả phần đầu tư cho hạ tầng và phương tiện. trong khi, Chính phủ chỉ đưa ra khả năng trong 12 năm sẽ hoàn vốn được phần đầu tư cho phương tiện.

Ông Hà Văn Hiền cũng lưu ý, Chính phủ phải tính toán rõ nhu cầu vận chuyển hành khách, trong bối cảnh giá vé tàu cao tốc gần bằng giá máy bay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *