Hà Nội: Vẫn tiếp tục xây khách sạn trong Công viên Thống Nhất


(VTC News) – “Quan điểm của UBND TP Hà Nội là tiếp tục thực hiện dự án xây dựng khách sạn SAS Hanoi Royal trên mảnh đất phía nam rạp xiếc cạnh công viên Thống Nhất” – ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội khẳng định tại buổi họp báo Thành ủy Hà Nội chiều nay (13/2).








Hà Nội: Vẫn tiếp tục xây khách sạn trong Công viên Thống Nhất

Khách sạn SAS Hanoi Royal (nay là Novotel Hanoi on the Park) đang hoàn thành phần hầm (Ảnh: Y Muội)


Sau nhiều năm đình trệ, khách sạn SAS Hanoi Royal (nay là Novotel Hanoi on the Park) tiêu chuẩn 4 sao được khởi công ngày 6/6/2008 ngay cạnh công viên Thống Nhất (295 Lê Duẩn, Hà Nội). Đây là khách sạn liên doanh giữa Tổng Công ty du lịch Hà Nội và đối tác SIH Investment Limited, Singapore với tổng vốn đầu tư là 40 triệu USD. 







Khách sạn SAS Hanoi Royal  (nay là Novotel Hanoi on the Park) với gần 400 phòng, tọa lạc tại vị trí đắc địa bên cạnh công viên Thống Nhất trên diện tích 1ha, có nhà hàng rộng 500m2, phòng họp rộng 600m2 – một trong những phòng hội nghị lớn nhất Thủ đô có tầm nhìn hướng ra công viên.


Dự kiến khi hoàn thành khách sạn này vào cuối năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.


 


Sau khi khởi công khách sạn này, dư luận và nhiều ý kiến đăng tải trên báo chí không đồng tình và cho rằng dự án này ‘cắt xén’ đất công viên để xây khách sạn, “rao bán linh hồn” TP, “cắt phổi” để kinh doanh…


Tuy nhiên, dự án vẫn sẽ tiếp tục được xây dựng. Theo Chủ đầu tư (Tổng Công ty Du lịch Hà Nội) thì hiện dự án đang hoàn thành tầng hầm.


Cũng liên quan đến công viên Thống Nhất, trước đây, một dự án định biến công viên này thành Disney Land đã không thành!


“Không có lợi ích riêng trong việc xây khách sạn”


Về trình tự hình thành dự án này, ông Nguyễn Minh Chung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho biết, những năm 90 tại Hà Nội rất ít khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, đây cũng là thời điểm Việt Nam đầy khó khăn vì bị cấm vận, hầu hết các nhà đầu tư cũng ngần ngại đầu tư vào Việt Nam.


Chính vì vậy, khi dự án xây dựng khách sạn SAS Hanoi Royal được hình thành, việc đầu tư lúc đó rất được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.


Theo trình tự, liên doanh cùng chọn địa điểm, trình lên UBND TP, TP trình lên Hội đồng Bộ trưởng và được đồng ý thực hiện trên nguyên tắc.


Sau đó, Ủy ban Nhà nước về hợp tác nước ngoài trưng tập ý kiến các Bộ ngành và được thường trực Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục thực hiện dự án, không thay đổi.








Hà Nội: Vẫn tiếp tục xây khách sạn trong Công viên Thống Nhất

Ông Nguyễn Minh Chung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội – đại diện chủ đầu tư (Ảnh: Kiều Minh)


Năm 1991, dự án được cấp phép xây dựng.


Khi dự án được hình thành, diện tích ban đầu là 15.000m2. Tuy nhiên, do không đáp ứng được quỹ nhà tái định cư để di dời các hộ dân, đến năm 1997, UBND TP Hà Nội chấp thuận giao cho dự án 10.300m2.


Theo ông Chung, vì lý do này mà dự án bị kéo dài thêm một thời gian dài bởi trước đó phía đối tác lo thiết kế, phía Việt Nam lo thủ tục giấy tờ, nhưng vì thay đổi diện tích nên coi như phải làm lại từ đầu. Đến năm 2003-2006, toàn bộ hồ sơ về dự án hoàn thành, hoàn thiện theo quy chuẩn quy hoạch.


“Chúng tôi chỉ là Công ty Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước, không có lợi ích riêng, toàn bộ lợi nhuận cũng thuộc về Nhà nước” – ông Chung khẳng định.


Lý giải tại sao xây khách sạn trong công viên, ông Chung cho rằng, đến giờ này Việt Nam đã gia nhập WTO nên tất cả những ký kết từ 1990 vẫn có hiệu lực. Nếu chúng ta gây bất lợi thì sẽ ảnh hưởng đến chính sách kêu gọi đầu tư, nhất là đối với các dự án khác” – ông Chung nói.


Không phải là xây khách sạn trên đất công viên


Đại diện cho UBND TP Hà Nôi, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP khẳng định: dự án được xây dựng trên mảnh đất góc phía nam rạp xiếc (không phải là đất công viên – NV).









Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội (Ảnh: Kiều Minh)


Ông Thịnh cho rằng, ngay từ khi đặt vấn đề xây dựng khách sạn, đã có rất nhiều văn bản trao đổi giữa TP Hà Nội với Hội đồng Bộ trưởng, với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, như vậy, TP Hà Nội được Nhà nước đồng ý thực hiện dự án, tạo mọi điều kiện để thực hiện dự án.


Việc chọn vị trí dự án, theo ông Thịnh, nếu trước đây mà biết vị trí như hiện nay thì đã… không có! Tuy nhiên, “việc này đã được thông qua nên… không bàn nữa!”


Theo đó, từ nay sẽ không thay đổi giấy phép đầu tư, không thay đổi nhà đầu tư. Ông Thịnh cũng đề nghị báo chí cũng như đông đảo quần chúng ủng hộ dự án.


Liên quan đến vấn đề quy hoạch, ông Thịnh cũng cho biết, quy hoạch công viên Thống Nhất thì chưa có nhưng TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 của quận Hai Bà Trưng, theo đó, “đất này (xây dựng dự án – PV) thuộc đất công trình công cộng chứ không phải là đất công viên”.


Như vậy, với số tiền đầu tư khoảng 40 triệu USD, trong đó vốn góp điều lệ 12 triệu USD, khách sạn SAS Hanoi Royal (Novotel Hanoi on the Park) xây dựng trên diện tích hơn 1ha, độ cao 19m, 5 tầng nổi và các tầng ngầm dưới đất là “rất ăn nhập, hài hòa với công viên Thống Nhất rộng 48ha” – ông Thịnh nói.


Kiều Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *