Hearst Tower – năng lượng xanh cho hành tinh xanh



TTO – Hội đồng giám khảo cuộc thi “Nhà cao tầng đẹp nhất thế giới 2008” vừa quyết định trao giải đặc biệt trị giá 50.000 euro cho tòa nhà chỉ cao vỏn vẹn 182m với 46 tầng: Hearst Tower, New York.








Mặc dù nổi trội, nhưng Hearst Tower vẫn hòa quyện với những kiến trúc xung quanh tạo nên mỹ quan đô thị cho thành phố New York


Đây là trụ sở chính của Tập đoàn báo chí Hearst hàng đầu ở Mỹ, nơi đặt tòa soạn của nhiều tờ báo và tạp chí nổi tiếng như Cosmopolitan, Good HousekeepingSan Francisco Chronicle; được thiết kế bởi một tên tuổi không hề xa lạ gắn liền với các công trình vĩ đại trên toàn thế giới như sân bay quốc tế Hong Kong (1992-1998), Quốc hội Đức (Berlin, 1999), cầu Thiên niên kỷ (London, 1998-2000), vòm nhà cầu cạn Millau (Pháp, 2004), sân bay quốc tế Bắc Kinh (2007)…


Thế là một lần nữa Norman Robert Foster khiến cả thế giới phải trầm trồ thán phục trước tài hoa và trí tuệ của một “đệ nhất thiên hạ” kiến trúc sư với công trình được mệnh danh là “tòa nhà xanh nhất hành tinh”.












Lối vào sảnh chính của Hearst Tower
Những khoảng sáng tận dụng tối đa năng lượng mặt trời nhằm giảm điện năng tiêu thụ


Mặc dù có độ cao tương đối khiêm tốn nhưng Hearst Tower vẫn gây được ấn tượng khác biệt vì hình dáng, cấu trúc bên ngoài có sự kết hợp “không giống ai”.


Theo đó, tòa nhà được chia làm 2 phần: phần đế là một tòa nhà cao 6 tầng có mặt ngoài được lát đá theo trường phái nghệ thuật Deco, vốn là sự lưu giữ nguyên bản tòa nhà cũ được hoàn thành vào năm 1928; phần bên trên là một khối kiến trúc hiện đại được xây dựng 80 năm sau đó, với bề ngoài là những khung kính hình tam giác dọc chéo liền kề, xen kẽ tạo thành những khớp nối ziczac nhìn như một biểu đồ lưới.


Đây không phải là một kiểu thiết kế sáng tạo ngẫu hứng, mà thật ra đó là “một cuộc cách mạng đổi mới kiến trúc”. Nhằm tiết kiệm 20% lượng thép xây dựng, kết cấu chịu lực đan chéo như vậy là sự lựa chọn hoàn hảo và hữu hiệu nhất từ trước đến nay.


Ngoài ra, công trình còn “lấy lòng” được ban giám khảo bởi những đặc điểm ít tiêu tốn năng lượng trong quá trình xây dựng cũng như trong các thiết kế nội thất hiện đại ưu việt khác. Chẳng hạn như theo bảng tổng kết cuối cùng sau khi tòa nhà được thi công hoàn tất thì chi phí cho lượng điện năng tiêu thụ thấp hơn 26% so với những công trình có quy mô tương đương. Bất ngờ hơn khi biết được rằng 85% lượng thép được sử dụng cho công trình là sản phẩm tái chế.






















Lộng lẫy với vẻ ngoài khác biệt, Hearst Tower là một trong những kiến trúc độc đáo nhất thế giới năm 2008
Mặc dù không có chiều cao “lý tưởng” của một tòa nhà cao chọc trời, nhưng Hearst Tower lại gây ấn tượng bởi tính thân thiện với môi trường
Kết cấu lưới đan chéo vừa chịu lực rất tốt vừa nhằm làm giảm lượng thép xây dựng đáng kể
Một sự kết hợp độc đáo giữa quá khứ và hiện tại, phần đế và phần bên trên được xây dựng cách nhau 80 năm


Nội thất của Hearst Tower là những hệ thống được cài đặt sẵn nhằm tận dụng tối đa năng lượng cũng như bảo vệ “từng milimet” không gian xanh. Trong đó phải kể đến hệ thống cảm biến ánh sáng mặt trời, khi thu được đủ một lượng năng ánh sáng tự nhiên cộng với cảm ứng chuyển động, các phòng sẽ tự động ngắt những bóng đèn không cần thiết hoặc những nguồn điện các thiết bị như vi tính, máy móc văn phòng… khi không còn ai làm việc bên trong.


Chạy dọc theo tường nhà là hệ thống ống dẫn nước tự điều chỉnh nhiệt độ theo khí hậu, mùa hè bơm nước lạnh, mùa đông bơm nước nóng. Còn trên mái nhà thì có bồn chứa nước mưa để tận dụng cho hệ thống máy điều hòa nhiệt độ chạy bằng nước, để tưới cây hay cung cấp nước cho đài phun nước ở sảnh chính… điều này giúp làm giảm khoảng 6.400m3 nước mỗi năm.


















Cách bức tượng đá trang trí bên ngoài phần đế của kiến trúc, vốn theo nghệ thuật Deco thịnh hành vào những năm 1920-1930
Điểm giao thoa giữa 2 phần cấu trúc nhìn từ bên trong
Lối lên xuống sảnh chính


Không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài, kinh phí xây dựng ít tốn kém, đạt được những tiêu chuẩn sinh thái với môi trường, Hearst Tower còn được xem là tòa nhà kiểu mẫu vì tính hòa nhập cao với cảnh quan kiến trúc của các tòa nhà lân cận, một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên một vẻ đẹp cộng đồng cho cả thành phố New York.


BẠCH NGỌC
(tổng hợp từ Architecture Week, NYC Architecture và Wikipedia)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *