Hướng tới kỉ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954–7-5-2009): Bếp Hoàng Cầm với Chiến dịch Điện Biên Phủ











Anh nuôi Hoàng Cầm
Trong khoa học, có những phát minh mang lại lợi ích cho một quốc gia hay cả cộng đồng; người ta có thể thu bạc tỷ nhờ những phát minh đó. Trong chiến tranh có những phát minh không trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế nhưng lại vô giá bởi nó được tính bằng xương máu, cứu được hàng vạn sinh mệnh con người. Bếp Hoàng Cầm là một trong những phát minh như thế.

Tác giả bếp Hoàng Cầm là đồng chí Hoàng Cầm, quê Trực Đại, Hải Hậu, Nam Định, làm đầu bếp cho hiệu ăn Văn Phú nổi tiếng ở Hà Nội, với hy vọng sau một số năm dành dụm, sẽ mở một cửa hàng riêng sống cùng vợ con, nhưng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đã khiến ước mơ đó không trở thành hiện thực. Anh đầu bếp tài hoa nhận ra rằng, nước mất nhà sẽ không yên, anh từ biệt gia đình vào bộ đội. Anh tình nguyện vào phục vụ ở An dưỡng đường và trở thành anh nuôi của đội phẫu thuật thuộc Đại đoàn 308. Với những đóng góp của anh trong việc phục vụ thương binh, anh được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn quân.

Trong kháng chiến bộ đội ta thường trú quân trong rừng, máy bay trinh sát của giặc Pháp thấy nơi nào có khói bay lên là chúng oanh tạc. Mỗi lần nhìn thương binh về trại, người bị bỏng, kẻ bị thương do bom địch sát thương vì nơi trú quân bị lộ do nấu nướng, làm cho anh nuôi Hoàng Cầm không sao yên lòng. Hoàng Cầm suy nghĩ, phải làm cái gì đấy để góp phần giảm bớt thương vong không đáng có đó. ý định đó được nung nấu mãi cho đến khi đơn vị anh tham gia chiến dịch Hoà Bình. Một buổi sáng đi bên bờ suối, nhìn làn khói lượn quanh mái bếp, Hoàng Cầm chợt nghĩ sao mình không thử làm một kiểu bếp không khói, có thể nấu được vào ban ngày mà không sợ bị máy bay địch phát hiện. Với ý nghĩ này, buổi trưa hôm đó anh một mình cầm xẻng ra bờ suối đào thử bếp với những đường rộng dẫn khói và thêm rãnh phụ. Sau vài lần làm thử, Hoàng Cầm đã tạo ra được một kiểu bếp như ý: Bếp được khoét vào sườn đồi sao cho vừa cỡ nồi (nếu nơi đất bằng thì đào sâu xuống một hố tròn) rồi từ đó đào các rãnh nhỏ giống như râu mực từ bếp toả đi ngoằn ngoèo khá xa, trên rãnh được phủ bằng cành cây và rải đất ẩm tạo thành những ống thoát khói. Khói từ lò toả vào các rãnh lan ra là là trên mặt đất, thoảng nhẹ đôi chút. Sáng kiến này có giá trị lớn về thực tiễn và lịch sử, góp một phần không nhỏ vào việc giữ gìn sức khoẻ cho bộ đội, bảo đảm quân số chiến đấu cao trong một chiến dịch dài ngày như chiến dịch Hoà Bình. Kiểu bếp này sau đó đã được phổ biến rộng rãi xuống các đơn vị và được anh em nuôi quân hoan nghênh. Từ đó họ không còn phải lo sợ máy bay địch phát hiện mỗi khi nổi lửa, và cán bộ, chiến sĩ không phải ăn cơm nguội nấu từ ban đêm.

Sau chiến dịch này, bếp Hoàng Cầm được phổ biến rộng rãi trong toàn quân, đặc biệt là trong các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. So với các chiến dịch trước đó, Chiến dịch Điện Biên Phủ có quy mô lớn hơn nhiều cả về không gian và thời gian. Trong điều kiện địa hình phức tạp, công tác bảo đảm gặp nhiều khó khăn; lực lượng hoả lực, không quân địch mạnh, uy hiếp liên tục ngày đêm, việc sử dụng bếp Hoàng Cầm đã bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, tránh được sự phát hiện của máy bay địch, hạn chế được thương vong. Đặc biệt, nhờ có bếp Hoàng Cầm mà từ người lính cho đến dân công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đều được ăn cơm canh nóng, góp phần đảm bảo quân số tham gia chiến đấu. Bếp Hoàng Cầm cấu tạo đơn giản, dễ làm, dễ sử dụng, do đó được phổ biến rộng rãi trong hầu hết các đơn vị mà không cần mở lớp đào tạo huấn luyện nào.

Sau năm 1954, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bếp Hoàng Cầm theo chân người lính có mặt ở khắp các chiến trường. Đặc biệt trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, nhờ có bếp Hoàng Cầm mà bộ đội ta đã tránh được những trận oanh kích bằng B52, tránh được những phương tiện điện tử tối tân của địch. Bếp Hoàng Cần có mặt ở Tây Nguyên, ở khu rừng già Tây Ninh… và vào tận miền Tây Nam Bộ. Bếp Hoàng Cầm còn theo bước chân người lính tình nguyện sang giúp bạn và bếp Hoàng Cầm đã đi vào giáo trình đào tạo của sĩ quan hậu cần. Các quân đoàn, quân binh chủng hiện nay vẫn hội thao bếp Hoàng Cầm. Bếp Hoàng Cầm có mặt ở Viện Bảo tàng Quân đội và cái tên của bếp cho đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, vẫn được gọi với cái tên trìu mến – bếp Hoàng Cầm./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *