Hoa hậu và những dự án bất động sản

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Tiền Giang, cho biết cuộc thi Hoa hậu Thế giới vào cuối năm 2010 dự kiến tổ chức ở cù lao Thới Sơn (Mỹ Tho). Lúc đầu, dự án này có tổng diện tích 17 ha, do Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang mua lại của dân ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn. Sau đó ông Hoàng Kiều quyết định tiếp tục mua thêm 14 ha đất nữa để xây dựng khu du lịch sinh thái và các hạng mục công trình phục vụ cuộc thi Hoa hậu Thế giới.

Ảnh
Các người đẹp cùng phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Lê Xuân Thân đang lắng nghe ông Hoàng Kiều công bố tổ chức thi hoa hậu thế giới tại Nha trang. Ảnh: SGTT.

Theo ông Minh, các hạng mục đó gồm 400 phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi cao cấp dạng resort, nhà hàng 1.000 chỗ ngồi, sân khấu lớn 5.000 chỗ ngồi và các khu thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng… Tổng giá trị xây dựng cơ bản dự kiến là 300 tỷ đồng, riêng tiền mua đất của dân từ 500 triệu đồng đến 800 triệu đồng mỗi 1.000 m2.

Hiện nay thành phố Mỹ Tho chỉ có một khách sạn đạt tiêu chuẩn ba sao, một khách sạn 4 sao đang xây dựng dở dang. “Ông Kiều có cam kết với tỉnh sẽ hoàn thành tất cả hạng mục xây dựng đúng tiến độ. Nếu xây dựng không kịp, thì hoa hậu và quan khách có thể được mời về ăn, nghỉ tại Tp HCM, bởi từ Mỹ Tho về Sài Gòn chỉ có 70 km”, ông Minh nói.

Màn trình diễn áo tắm và biển, tổ chức thi hoa hậu ở cù lao Thới Sơn, có lẽ các hoa hậu phải… biểu diễn áo tắm trên sông Tiền, nhưng dòng sông Tiền ở khu vực này đang ô nhiễm nặng vì nước thải của khu công nghiệp Mỹ Tho. Về vấn đề này, ông Minh cho biết ngành văn hóa – thể thao – du lịch Tiền Giang chưa được ông Hoàng Kiều bàn bạc cụ thể phần nội dung chính yếu của cuộc thi.

Một nguồn tin cũng cho hay, năm 2007 nhóm đầu tư gồm ba người, trong đó có ông Hoàng Kiều, đã mua 97% cổ phần của công ty Du lịch Tiền Giang. Nguồn tin này cho biết thêm, dự án mới được phê duyệt quy hoạch 1/500 và chưa thực hiện việc mua thêm 14 ha đất.

Vào năm 2008, tỉnh Khánh Hoà đã dành nhiều ưu đãi để kịp tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2008 tại Nha trang. Cuối tháng 6/2008, nhà đầu tư Hoàng Kiều cũng đã “kéo” hoa hậu thế giới năm 2007 trương Tử Lâm (trung Quốc) cùng một số người đẹp và Chủ tịch tổ chức Hoa hậu Thế giới Julia Morley xuất hiện ở Khánh Hoà, để tìm kiếm cơ hội đầu tư, tổ chức cuộc thi khác là thi Hoa hậu Thế giới năm 2010 tại tỉnh này. Ngày 30/9/2008 văn phòng Chính phủ mới có thông báo chấp thuận cho tổ chức thi Hoa hậu Thế giới 2010 tại Khánh Hoà.

Cùng thời điểm này, nhà đầu tư Hoàng Kiều đã xin cấp gần 700 ha đất ở Nha trang để xây dựng dự án resort và spa RASS 1.000 sao phục vụ cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010. Cuộc thi dự kiến chỉ diễn ra trong vòng một tháng, nhưng nhà đầu tư Hoàng Kiều đã xin cấp quyền sử dụng đất danh thắng quốc gia vừa nêu tới 70 năm. Mặc dù, dự án này chưa đủ thủ tục pháp lý và không thuộc thẩm quyền cấp phép cấp tỉnh nhưng tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các cơ chức năng phối hợp với nhà đầu tư khảo sát, lập dự án di dời toàn bộ cư dân khỏi Đầm Bấy.

Tuy nhiên, sau khi có nhiều điều bất cập, trái pháp luật bị dư luận phản ứng, nhà đầu tư Hoàng Kiều và tỉnh Khánh Hoà đành phải rút lại, hủy bỏ dự án “ngàn sao”. Hoàng Kiều cũng đã rút lui khỏi dự án trên. Dù vậy, ông Kiều vẫn tuyên bố giữ nguyên ý định tổ chức hoa hậu tại Nha trang.

Chúng tôi không ăn đất

Sau những sự kiện “lùm xùm” xung quanh những câu hỏi đặt vấn đề về việc dự án “lấy di sản đổi chân dài”, ông Hoàng Kiều đã có bức thư gởi lãnh đạo trung ương và địa phương. trong thư có đoạn: “Việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới tại Việt Nam năm 2010 của chúng tôi là theo phương châm nhất quán “Sắc đẹp với một mục đích: từ thiện”. Và, điều này rất phù hợp với tiêu chí của công ty RAAS chúng tôi là đem đến sự hạnh phúc cho người dân Việt Nam. Công ty RAAS chúng tôi không không “ăn đất”, không “phớt lờ luật Di sản văn hóa”.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *