Kiến trúc ở nông thôn hôm nay

Cùng với sự phát triển kinh tế, bộ mặt nông thôn thời gian qua có những biến đổi mạnh mẽ theo xu hướng “đô thị hóa”. Một thực tế rất đáng quan tâm là sự tùy tiện, hầu như không có quy hoạch, kiến trúc làm phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống, phá hủy nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Tự phát và ngẫu hứng

Tự bao đời nay, làng quê ở mỗi vùng, miền đều mang những nét riêng về tập quán sống và lao động sản xuất. Kiến trúc nhà ở, làng xóm theo một không gian truyền thống phù hợp nhu cầu sinh hoạt và quan niệm thẩm mỹ của người dân. Người nông dân Việt Nam rất có kinh nghiệm trong việc xây dựng ngôi nhà truyền thống. Cùng với thành công trong việc đắp sông ngòi, ao hồ, đường sá, trồng cây tạo nên môi trường trong sạch, thoáng mát, họ còn biết vận dụng hợp lý tính hai mặt của phong thủy, xây dựng công trình nhà ở vừa chống được mưa nắng, gió bão, vừa đón được gió mát. Vật tư sử dụng phù hợp để xây nên một ngôi nhà vừa tiết kiệm, vừa bền vững. Nhà ở nông thôn là một tổ hợp gồm nhiều hạng mục công trình như nhà ở, nhà thờ, nhà bếp, nhà chăn nuôi, kho chứa, ao hồ, vườn rau, cây xanh, hàng rào, cổng ngõ, đường đi lại được cấu trúc, quy hoạch rất đơn giản, hợp lý mà hài hòa đẹp đẽ. Làng Việt truyền thống với cấu trúc đặc trưng có lũy tre xanh bao bọc quanh làng, có cổng vào làng, có con đường quanh co lát gạch nghiêng hình mu rùa cùng mạng lưới giao thông hình xương cá, có cây đa, bến nước, sân đình như những biểu tượng thiêng liêng, đẹp đẽ có từ ngàn đời của nông thôn Việt Nam.

 Nhiều năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cùng với tốc độ phát triển kinh tế, dẫn đến mặt trái là làm thay đổi nhiều bộ mặt xã hội nông thôn, trong đó có kiến trúc nhà ở. Các khu công nghiệp, khu đô thị mới ngày càng được mở rộng, thu hẹp dần nhiều cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Những nhà xưởng, nhà cao tầng kiên cố, khu giãn dân với từng dãy nhà phân ô mái lợp tôn đầy mầu sắc thay thế dần những vườn cây, ao cá, nếp nhà bình dị. Ven con đường làng nhỏ bé được xây dựng những dãy nhà ở hệt như nhà ống trên phố, cái nhô lên, thụt xuống, cái ra, cái vào… Không chỉ những khu phát triển công nghiệp, nhà ở giãn dân làm ảnh hưởng xấu hình ảnh kiến trúc nông thôn mà ngay cả các ngôi nhà phía sâu trong làng xưa cũng cùng chung số phận. Chúng bị thay đổi nhiều về hình thái khuôn viên truyền thống do người dân chia nhỏ khu đất ra nhiều nhà ống cho các con cái ở riêng, thói quen sống nhiều thế hệ trong ngôi nhà truyền thống không còn nữa. 

Kiến trúc nông thôn một số vùng ngày càng tùy tiện. Từ “ngói hóa” đến “bê-tông hóa”. Nhiều xóm làng miền xuôi cũng như miền ngược đang thay da đổi thịt trong sự thiếu quy hoạch. Sự khuếch tán ấu trĩ kiến trúc thành thị thể hiện ở việc thay thế những nếp nhà cổ truyền bằng kiểu nhà ống, nhà nhiều tầng, dạng biệt thự… Nhiều vùng dân tộc thiểu số vốn ở nhà sàn nay cũng theo miền xuôi xây dựng các kiểu nhà bằng vật liệu kiên cố, kiểu dáng nhà theo đó cũng “xuôi hóa”. Với bản tính đơn giản hồn nhiên và trình độ thẩm mỹ hạn chế, nhiều hộ gia đình tự xoay xở để xây dựng cho mình một ngôi nhà hào nhoáng. Cấu trúc không gian tại nhiều vùng quê có nguy cơ bị phá vỡ. Hình ảnh những nếp nhà tranh tre nứa lá, nhà ngói cây mít ẩn hiện sau lũy tre xanh và chiếc cổng làng đã trở thành dấu ấn quen thuộc tự bao đời nay dần phai nhạt, trở thành những tụ điểm dân cư khó mà xác định được là thị tứ, thị trấn hay nông thôn. Ðấy là chưa kể đến không ít làng nghề, danh thắng, di tích lịch sử bị phá hủy và xâm hại nghiêm trọng. Ðiều đáng quan tâm hơn nữa là trong xu thế kiến trúc nông thôn đang công nghiệp hóa, thành thị hóa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật không được quy hoạch, cải tạo lại, cho nên đã phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống, gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng môi trường sinh hoạt, kìm hãm sản xuất. 

Không chỉ là câu chuyện của người nông dân…

Khoảng 40 năm trước, kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp đã nghiên cứu quy hoạch khu Tam Thiên Mẫu ở Hưng Yên. Tại đây, ngoài việc quy hoạch những cánh đồng lúa, hệ thống kênh mương thủy lợi, khu chuồng trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả, nuôi thả cá, ông còn quy hoạch các điểm dân cư với trung tâm là các công trình công cộng như nhà ủy ban, trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa, trạm y tế… Tất cả được liên kết với nhau bởi hệ thống giao thông. Do hoàn cảnh chiến tranh, điều kiện kinh tế của đất nước thời kỳ đó, cho nên quy hoạch khu Tam Thiên Mẫu của ông không được xây dựng hoàn chỉnh, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra những nơi khác. Từ đó đến nay, nông thôn Việt Nam đã có nhiều biến đổi, nhưng mảng kiến trúc nông thôn hầu như ít được quan tâm. Nhiều chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn như trồng rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm điện, đường giao thông, thủy lợi… được triển khai hiệu quả, nhưng chưa có một đồ án quy hoạch kiến trúc nông thôn nào ở đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh miền núi phía bắc được thực hiện đến nơi đến chốn. Ngay cả dự án thí điểm Mô hình nông thôn mới cấp thôn, bản do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai thực hiện cách đây hai năm bằng một nguồn vốn không nhỏ của Nhà nước tại một số tỉnh phía bắc trong đó có Nam Ðịnh, Hưng Yên… đến nay cũng còn rất lúng túng về quan niệm và chưa có hồi kết.

Tại Thanh Hóa, Viện Quy hoạch – Xây dựng tỉnh đã có chương trình nghiên cứu tổng thể kết cấu hạ tầng nông thôn đến năm 2020. Nhưng ngay cả với các khu tái định cư, nơi gần như phải quy hoạch lại hoàn toàn thì các nhà hoạch định vẫn lúng túng bởi chưa thống nhất được hình mẫu kiến trúc nông thôn lý tưởng. Nhà mái bằng gần như thay thế mái ngói bởi nông thôn miền núi hứng nhiều gió bão. Các kiến trúc sư còn nhiều băn khoăn trong việc định hướng cho nông dân lựa chọn một vài mẫu nhà cơ bản phù hợp cảnh quan chung, không làm phá vỡ không gian sinh hoạt cộng đồng.

Ở một số địa bàn nông thôn Nam Bộ, những đường nét cơ bản của công tác quy hoạch nông thôn được ghi nhận qua kết quả bước đầu. Ấn tượng mạnh nhất về sự thay đổi là hàng loạt cây cầu bằng bê-tông cốt thép hiện đại đã và đang được xây dựng, bước đầu cung cấp một số tuyến giao thông đường bộ cho xe hai bánh về đến trung tâm các xã, kèm theo đó là các tuyến cấp điện, nước sạch. Còn để đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất, buôn bán ở vùng sông nước này về cơ bản vẫn phải dựa vào các phương tiện vận chuyển truyền thống như ghe, xuồng, tắc ráng, vỏ lãi, tam bản… Nhiều vấn đề của công tác quy hoạch như tổ chức không gian, cảnh quan, phân khu chức năng, phân bố dân cư, sản xuất, thể hiện đặc điểm vùng miền… vẫn chưa được đề cập. Nhìn chung, công tác quy hoạch ở nông thôn Nam Bộ còn trong tình trạng thụ động, lệ thuộc quá nhiều vào hiện trạng, thiếu những kế hoạch cơ bản, đồng bộ và lâu dài.

Có thể thấy hiện nay hầu hết các làng, xã nông thôn nước ta chưa từng được thiết kế quy hoạch theo đúng nghĩa đen của nó, tức là có được kinh phí từ nguồn ngân sách để thuê một đơn vị tư vấn khảo sát, đo vẽ, đánh giá tiềm năng phát triển… Cuối cùng cho ra đời  một thiết kế kiến trúc cụ thể, trình lên các cấp có thẩm quyền, chờ hàng loạt các cơ quan chức năng như Tài nguyên – Môi trường, Xây dựng, Giao thông… phê duyệt. Cả một “đoạn trường” ấy quả là thách thức lớn đối với những dự án quy hoạch kiến trúc nông thôn.

Theo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn, nhà cửa của người nông dân hiện nay chất lượng và thẩm mỹ chưa cao vì một số nguyên nhân: Họ xây dựng tự phát, tùy tiện, thiên về tính thực dụng, tư hữu, phô trương; không đủ tiền hoặc không muốn bỏ tiền thuê thiết kế; giới kiến trúc sư thì chẳng mấy mặn mà. Còn với những quy hoạch mang tính tổng thể, vĩ mô thì hầu như những năm qua, do hạn chế của điều kiện kinh tế hay quan niệm, nhìn nhận chưa thỏa đáng của các cơ quan chức năng, cho nên chưa có dự án nào được thực hiện hiệu  quả mà mới chỉ tập trung vào phong trào trước mắt như xóa nhà tạm, tái định cư, xây dựng điện, đường, trường, trạm… Quy hoạch kiến trúc nông thôn chưa được coi là vấn đề quan trọng, đồng bộ, lâu dài.

Hội thảo chuyên đề Kiến trúc nông thôn thời kỳ đổi mới do Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) vừa tổ chức đem đến nhiều ý kiến tâm huyết của giới kiến trúc khi nhìn nhận, đánh giá thực trạng và gợi mở những giải pháp. Sau nhiều cuộc thi với những mẫu thiết kế từng được trao giải cao trong nước và quốc tế nhưng chưa thật sự hiệu quả khi áp dụng vào thực tế, Cuộc thi  Kiến trúc nhà ở nông thôn được Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động, nhằm chọn ra mẫu nhà ở cho các vùng nông thôn trong thời kỳ mới, phù hợp tình hình, điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước từ nay đến năm 2020. Chúng ta hiện có bộ máy cơ quan, hội chuyên ngành trung ương và địa phương; hàng trăm các công ty, tổ chức tư vấn thiết kế kiến trúc, xây dựng với đội ngũ nhân lực đông đảo, có trình độ… Vậy mà công việc tìm kiếm mô hình kiến trúc nông thôn dường như mới bắt đầu.

Thiết nghĩ, đây không chỉ là câu chuyện của người nông dân và của giới kiến trúc mà còn là vấn đề thật sự đáng quan tâm của các nhà quản lý, các cấp, ngành.

KTS Hà Thế Luân (Hội KTS Ninh Bình):

 

Vị trí của quy hoạch xây dựng nông thôn chưa được nhìn nhận thỏa đáng. Các cấp, các ngành hầu như chưa coi đây là vấn đề rộng lớn, vừa có ý nghĩa thiết thực trước mắt, đồng thời có tầm quan trọng to lớn, lâu dài nhằm phát triển kinh tế-xã hội. Hình như xã hội mới chỉ quan tâm những phong trào trước mắt như xóa nhà tranh tre dột nát, kiên cố hóa trường học, bê-tông hóa đường đi; những dự án tái định cư, tuyến dân cư vùng ngập lũ, Chương trình 134, 135 hoặc “chấm điểm” cho những trụ sở, nhà văn hóa, trường mầm non… mà chưa hoặc thiếu lo xa cho quy hoạch xây dựng nông thôn.

 

Ths, KTS phan Ðăng trình (Hội KTS Nam Ðịnh):

 

Nhà nước còn thiếu văn bản pháp luật dành cho việc quản lý xây dựng, sửa chữa, mua bán nhà ở nông thôn, dẫn đến nhiều vấn đề thuộc kiến trúc, quy hoạch xây dựng nhà ở tại các xóm làng không còn giữ được bản chất và vẻ đẹp truyền thống của làng quê Việt Nam. Mặt khác, sự đầu tư của Nhà nước cũng như các cấp chính quyền, đoàn thể, các hội cho việc xây dựng nhà ở nông thôn chưa được như các vấn đề khác.

 

GS, KTS Hoàng Ðạo Kính (phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam):

 

Kiến trúc nông thôn hiện nay không được hướng dẫn cả về mặt quy hoạch lẫn thẩm mỹ. Không có một cơ quan, một cuốn sách nào hướng dẫn người nông dân xây nhà làm sao để phù hợp điều kiện kinh tế, ít tốn kém mà lại đẹp; chưa có tổ chức, cá nhân nào giới thiệu một mô hình làng đẹp thôn quê. Vấn đề nan giải nhất ở đây là tạo ra mẫu trong thực tế, lấy cái được, cái hay để thuyết phục. Và quan trọng hơn là tìm ra phương thức quảng bá.

 

Kiến trúc nông thôn không chỉ là không gian sống mà còn là không gian văn hóa truyền thống. Ðã đến lúc đặt vấn đề bảo tồn và phát huy những làng cổ có giá trị không kém gì những khu phố cổ. Do đó, các ngành chức năng cần vào cuộc để giữ lại và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của làng quê Việt.

 

TS, KTS Nguyễn Ðình Toàn

(Viện trưởng Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn – Bộ Xây dựng):

 

Nông thôn và nông dân chiếm tỷ lệ lớn (hơn 80% diện tích, hơn 70% dân số cả nước), vì vậy các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là rất lớn và phức tạp, đồng thời có ý nghĩa lâu dài. Việc thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới là hết sức cấp bách và cần thiết. Nhiệm vụ của chúng ta đến năm 2011 là xây dựng các mô hình thí điểm đặc trưng cho các dạng dân cư nông thôn theo các vùng miền, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn quốc.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *