“Lô cốt” chiếm mặt tiền, chủ cửa hàng “đổ nợ” khóc ròng





 – “Lô cốt” càng mọc nhiều người dân buôn bán hai bên càng điêu đứng. “Lô cốt” án ngữ chắn hết mặt tiền, che luôn “tiền đồ” của những cửa hàng xưa vốn rất đông khách…


Nhộn nhịp “xưa”, ế ẩm “nay” 


Dọc theo các tuyến đường có rào chắn như Lý Chính Thắng (Q.3), Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Đăng Lưu, Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), Nguyễn Biểu (Q.5)… những hàng quán, cửa hàng kinh doanh dọc hai bên “lô cốt” đều lâm vào cảnh ế ẩm, ngồi chơi xơi nước. Một số cửa hàng không đủ vốn cầm cự, trả tiền thuế, tiền thuê nhân viên đành đóng cửa. 


Chị Thủy, chủ cửa hàng cho thuê đồ cưới trên đường Lê Quang Định, phường 11, quận Gò Vấp than thở: “Từ đầu tháng 2 đến giờ, khi tấm rào chắn này dựng lên, việc buôn bán, cho thuê của gia đình giảm hẳn. Khách chủ yếu là người quen; khách lạ tuyệt nhiên không có. Nghề cho thuê đồ cưới trước giờ vẫn là công việc chính của cả gia đình, vậy mà giờ chỉ mình tôi làm cũng không đủ sống”.








“Lô cốt” án ngữ các cửa tiệm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Tử Trực
Tương tự, một số hộ kinh doanh khác trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh tình hình cũng không khá hơn. Nhiều cửa hàng quần áo thời trang không có khách phải đóng cửa sớm hơn thường lệ. 


Thậm chí thu nhập bình quân hàng tháng của một số cửa hàng giảm sút nghiêm trọng. Không còn cách nào khác, chủ cửa hàng đành phải đóng cửa. 


“Ban ngày thì bụi bặm, kẹt xe, tối đến ồn ào, nước từ các “lô cốt” đang thi công tung tóe khắp nơi. Cửa hàng kế bên mới đóng cửa cách đây vài ngày” – chị Thắm, nhân viên cửa hiệu thời trang trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nói. “Tiền thuê mặt bằng, thuê nhân công, mỗi tháng chí ít cũng chục triệu đồng, giờ buôn bán ế ẩm kiếm vốn còn không đủ, đóng cửa là biện pháp tốt nhất nếu không muốn đổ nợ”. 


Ông Trịnh Văn Trang, chủ tiệm sửa xe Vân Ngọc trên đường Nguyễn Biểu, Q.5 bức xúc, tháng 8 năm ngoái, “lô cốt” phục vụ thi công cầu Chữ Y mọc ngay trước tiệm nhà ông. Đường đi duy nhất cho người dân qua lại là… vỉa hè trước nhà nên việc làm ăn của gia đình ông Trang trở nên chật vật.


Ông Trang than vãn: “Đầu đường Nguyễn Biểu – Trần Hưng Đạo có một “lô cốt”, cuối đường là công trình cầu Chữ Y, ở giữa nhà tôi lại “lô cốt” mọc trễm trệ ngay trước mặt thử hỏi người dân làm gì mà sống. Giờ là tháng 3, “lô cốt” trước nhà tồn tại gần 8 tháng trời và đã ngưng thi công mấy tháng nay nhưng vẫn chưa tái lập mặt đường. Mùa nắng bụi tung, mưa xuống nước tràn lênh láng, còn “lô cốt” cứ nằm im lìm trước mặt chỉ để ống nước, đất đá.” 


Cầm cự chờ “lô cốt” đi qua 


“Đi nơi khác mướn mặt bằng còn đắt hơn nên ráng cầm cự chờ công trình xây xong. Ngay cả cái bảng hiệu sửa xe tôi cũng phải dỡ xuống nếu không muốn mất 1 triệu đồng/tháng tiền thuế. Chỉ mong “lô cốt” nhanh đi qua cho dân bớt khổ” – bác Trang thở dài. 


Còn anh Nguyễn Văn Thọ – chủ quán ăn trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh cho biết trước quán anh có 8 người làm vẫn không phục vụ kịp cho khách. Từ khi “lô cốt” dựng lên trước nhà, doanh thu hàng tháng giảm đến 80%. 


“Tôi đang tính giảm bớt một số nhân viên vì buôn bán ế ẩm mà tiền thuế vẫn không giảm. Với lại, ai dám bước vào quán ăn khi trước mặt là “lô cốt” đang thi công bụi bay mù mịt”.








Lòng đường chỉ vừa đủ một xe máy chạy qua khiến các cửa hàng kinh doanh khốn đốn vì khách không thể dừng lại mua hàng. Ảnh: Thái Phương
Ông Hân, chủ tiệm tạp hóa Gia Hân trên đường Nguyễn Biểu cho biết, trong cuộc họp UBND phường mới đây, cán bộ phường đề nghị các hộ gia đình dọc đường Nguyễn Biểu tiếp tục lùi hàng hóa vô sâu trong nhà lấy vỉa hè cho người dân đi lại để công trình thi công nhanh hơn. 


“Khách không dám dừng trước cửa hàng vì lòng đường chỉ còn hơn 1m để đi, giờ lấy luôn cái vỉa hè để phục vụ thi công chắc gia đình tôi đổ nợ với số hàng hóa còn tồn đọng này”- ông Hân vừa nói, vừa chỉ đống hàng hóa bày biện trên kệ.


“Thất thu thì đã đành nhưng mong sao các công trình đừng “rùa”, thi công nhanh, dỡ bỏ đúng tiến độ những “lô cốt” thì mới mong làm ăn buôn bán trở lại được” – anh Thọ nói thêm.


Trong buổi tọa đàm “Nói và Làm” mới đây, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết sẽ kiến nghị lên UBND Thành phố để hỗ trợ miễn, giảm thuế đối với các hộ dân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi “lô cốt”.


Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều hộ kinh doanh đang phải giảm nhân viên, bỏ vốn ra cầm cự và buộc phải đóng cửa tiệm mà vẫn chưa biết bao giờ mới được hỗ trợ. 




  • Tử Trực – Thái Phương  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *