Nam Định thành công với dự án sản xuất gạch bền vững

Từ tháng 11/2001 đến tháng 11/2002, Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ đã hỗ trợ ban đầu “Chương trình Nghiên cứu và Hành động về quản lý năng lượng, quản lý môi trường ngành sản xuất gạch nung” ở Nam Định và đạt nhiều kết quả tích cực. Do đó, tháng 1/2005, Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định hỗ trợ “Dự án hỗ trợ kỹ thuật sản xuất gạch bền vững tại Việt Nam – VSBp” nhằm từng bước chuyển đổi ngành sản xuất gạch đất sét nung, từ sản xuất thủ công lạc hậu, quy mô nhỏ sang các loại hình công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, hiệu quả về kinh tế.


Lò gạch VSpK.

Kết quả bước đầu

Các quan trắc cho thấy khí flo thải ra trong quá trình nung gạch là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại mùa màng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Dự án đã triển khai một giải pháp phù hợp với điều kiện của địa phương, đó là trộn thêm bột đá vôi vào nguyên liệu sét. Các thử nghiệm tại hiện trường đã cho thấy lượng HF (và SO2) thải vào môi trường giảm đáng kể. Đây là một phương pháp đơn giản và ít tốn kém, giá thành tăng thêm khoảng 3 – 5% chi phí và được sự chấp nhận của các DN.

Dự án đã tìm ra được một phương án kỹ thuật hiệu quả về kinh tế, thân thiện với môi trường, nhất là phù hợp với năng lực của các hộ sản xuất gạch quy mô nhỏ để thay thế cho công nghệ lò thủ công: đó là công nghệ lò VSBK. phương án này giúp cho các cấp quản lý ngành có thể chủ động hơn trong việc cho dừng hoạt động của các lò thủ công, đồng thời giải quyết được mối quan ngại của các hộ sản xuất quy mô nhỏ. Năm 2009, có 39 trong 334 hộ sản xuất gạch thuộc 25 xã trên địa bàn 8 huyện (trong số 9 huyện của tỉnh Nam Định) đã đăng ký tham gia vào quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất gạch thủ công sang mô hình DN VSBK.

Dự án VSBp nhận được nhiều sự quan tâm, một số cơ sở sản xuất mới ứng dụng công nghệ lò VSBK hiện đang được xây dựng. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá chính xác những tác động của dự án: các dự án VSBp thí điểm, hay các hướng dẫn xây dựng “mô hình DN VSBK” cũng mới chỉ được tiến hành gần đây.

Sẽ không còn lò thủ công

Theo dữ liệu thu thập được từ điều tra cơ bản ngành gạch do Cty Entec AG tiến hành, tại tỉnh Nam Định, với nguồn nguyên liệu sét dồi dào, công nghệ lò tuynen được hầu hết các nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên vốn đầu tư lò tuynen khá lớn, khoảng 12 – 16 tỷ đồng với công suất 20 triệu viên gạch/năm. trong khi đó, những nhà đầu tư nhỏ hơn lại lựa chọn quy trình công nghệ lò VSBK có công suất điển hình 3 – 4 triệu viên gạch/năm với yêu cầu đầu tư ban đầu thấp, chỉ  khoảng 1 – 2 tỷ đồng.

trong giai đoạn thực hiện dự án VSBp 2003 – 2008, công nghệ VSBK được phổ biến rộng rãi tại Nam Định với sản lượng gạch VSBK tăng từ 8 triệu viên gạch năm 2005 lên đến 19 triệu viên năm 2007 và 21 triệu viên năm 2008. trong khi đó sự gia tăng ổn định của nhu cầu thị trường gạch trong vòng 5 năm qua cũng góp phần thu hút một nguồn vốn đầu tư lớn lên đến khoảng 180 tỷ đồng để xây dựng mới 14 lò tuynen trên địa bàn 9 huyện của tỉnh Nam Định, nâng tổng số lò tuynen trên địa bàn tại thời điểm hiện nay là 24 lò.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án VSBp trong chuyển giao công nghệ, đào tạo và xây dựng năng lực thông qua mạng lưới liên kết hoạt động, các cơ sở sản xuất gạch thủ công đã quyết định tập trung đầu tư khoảng 12 tỷ đồng để xây dựng 8 lò VSBK đến cuối năm 2008. Cho đến năm 2009 đã có thêm khoảng 39 cơ sở từ 8 huyện của tỉnh Nam Định đăng ký chuyển đổi từ sản xuất gạch thủ công sang công nghệ lò VSBK/tuynen. Sự đầu tư này đã làm tăng thị phần của sản phẩm gạch công nghiệp (sản xuất từ lò tuynen và lò VSBK) từ 29% năm 2003 lên đến 54% năm 2008 và giảm thị phần của sản phẩm gạch sản xuất từ lò thủ công và lò dã chiến từ 71% năm 2003 xuống 46% năm 2008.

Thống kê số lượng lò trong vòng 5 năm triển khai dự án VSBp cho thấy rõ quá trình chuyển đổi sang các công nghệ sản xuất gạch bền vững hơn. Số lò thủ công giảm khoảng 19%/năm, từ 476 lò năm 2003 xuống 410 lò năm 2008; số lò dã chiến không vỏ giảm mạnh từ 470 lò năm 2003 xuống 122 lò năm 2008, hầu hết các lò này đã bị xóa bỏ tại 7 trên tổng số 9 huyện vùng nông thôn tỉnh Nam Định.

Với nhu cầu phát triển của thị trường gạch trong giai đoạn hiện nay, dự án VSBp đã khẳng định thành công vai trò của mình trong việc tạo điều kiện hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương sử dụng những công cụ kỹ thuật và quản lý trong quá trình chuyển đổi sang hình thức phát triển bền vững.

phó giám đốc Sở Xây dựng Nam Định, phó BQLDA VSBp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *