Phát hiện một áng văn đặc sắc của Thái tổ Lý Công Uẩn





Xưa nay, lịch sử đã viết nhiều về công tích Lý Công Uẩn, vị Vua sáng lập ra triều đại nhà Lý huy hoàng và quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long cùng Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) nổi tiếng. Vị Vua anh minh này còn có những tác phẩm nào khác?


 


Gần đây, cụ Nguyễn Tiến Ðoàn, một nhà Hán học, nguyên cán bộ quân đội về hưu, quê xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, 78 tuổi, có cung cấp cho chúng tôi một bản văn của Thái tổ Lý Công Uẩn mà cụ sưu tầm được. Ðó là bản văn “Lý triều Thái tổ Hoàng đế ngự chế Bùi gia Thái tổ sự trạng bi văn”.


 









 


 Một trang gia phả họ Bùi ở Thái Bình.


 


Biết cụ Ðoàn là người có tâm huyết với lịch sử quê hương và tiền nhân, cụ Dương Quảng Châu (1919 – 2003), thường được tôn xưng là Trạng Tì mách rằng, ở nhà cụ Lang Nhuận (Nguyễn Hữu Nhuận) có cuốn gia phả họ Bùi ở Thái Bình, có tên là “Bùi gia lịch thế sự trạng”, trong đó có nhiều tư liệu quý. Năm 1976, cụ Ðoàn mượn được từ cụ Nhuận cuốn gia phả này. Trong đó, có chép lại áng văn bia của Lý Thái Tổ ngự đề ở đền thờ Bùi Quang Dũng, một tướng tài giúp Ðinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, mất ngày 15-6-1018 ở ấp Hàm Châu quê nhà, được chính Lý Thái Tổ phong tước Trinh Quốc Công, và câu đối đánh giá công lao của ông: “Bất sự nhị quân, trung liệt cao phong Trinh Thạch động, tam thập niên quán cổ/ Lực phù nhất thống, vân lôi chính khí Hàm Châu ấp, thiên vạn tải như sinh” (Không thờ hai vua, nêu cao phẩm giá trung thành nghĩa liệt, vào động Trinh Thạch ba mươi năm, đứng đầu từ xưa đến giờ; Hết sức vì nền thống nhất, chính khí như sấm sét mây mưa, ở ấp Hàm Châu, nghìn vạn năm sống mãi).


 


Năm 1994 – 1995, cụ Ðoàn lại tìm được trong gia đình ông Bùi Ngọc Xiển, quê xã Ðồng Thành, huyện Vũ Thư, Thái Bình, nơi có từ đường Bùi Quang Dũng, cuốn gia phả của họ Bùi, được viết vào thời Khải Ðịnh, chữ viết của ông Khiếu Hữu Lai là cháu Phó bảng Khiếu Hữu Sử. Trong cuốn gia phả này, có đóng dấu xác nhận của lý trưởng và Tuần phủ quan phòng Phạm Văn Thụ. Cuốn gia phả này cũng chép nguyên bài văn bia nói trên.


 


Tuy tấm bia chưa tìm thấy nhưng với tính cẩn trọng khoa học từ văn bản, cụ Nguyễn Tiến Ðoàn và nhiều nhà khoa học xác định chắc chắn rằng, đây chính là bản văn bia ngự chế của Vua Thái tổ Lý Công Uẩn.


 


Ðược phép của cụ Nguyễn Tiến Ðoàn và nhà thơ Gia Dũng, soạn giả của bộ sách “Văn chương Thái Bình mười thế kỷ”, chúng tôi giới thiệu bản dịch của Tiến sĩ Mai Hồng toàn văn bài văn bia này để hiểu thêm giá trị lịch sử, giá trị văn học của một tác phẩm thời khai quốc.


 


DỊCH NGHĨA


 


Bài ngự chế bia ký về công tích vị Thái tổ  họ Bùi của Hoàng đế Thái Tổ triều Lý


 


Trẫm cho rằng công cuộc mở nền dựng nước dù là chủ trương của bậc nhân quân, song việc dẹp loạn binh nhung phần lớn trông cậy vào sự nỗ lực của các tướng soái tài ba. Từ xưa đến nay đều như thế. Ðó là lý và cũng là thế vậy.


 


Tuy nhiên ở vào thời thái bình thịnh trị, bổn phận làm người bề tôi tốt thì dễ. Nhưng nếu ở vào cái thế cục bế tắc điên đảo, mà làm kẻ trung thần mới khó. Huống chi ở vào tình thế khó khăn mà tìm được trung thần lại càng khó. Tìm được bậc trung thần mà người đó lại biết bảo toàn sinh mệnh mình thì lại càng khó hơn nhiều.


 


Tỷ như chuyện vị quan: Ðặc tiến khai quốc thiên sách thượng tướng, Minh Triết phu tử, Trinh quốc công Bùi Quang Dũng triều Ðinh thuở trước.


 


Mỗ (1) vốn thuộc dòng giống Tiên Rồng đất Việt, là nòi hổ tướng trời Nam, là khí thiêng của đất trời hun đúc, bẩm thụ tính tinh anh của núi sông. Văn tài võ lược siêu quần, uy nghi xuất chúng. Thuở nhỏ nổi danh bởi đức tính khiêm cung hiếu đễ, tông tộc ai cũng cho rằng, Mỗ ắt sẽ là người phi phàm. Ðến tuổi trưởng thành, hiên ngang khảng khái ham đọc sách lạ (kỳ thư), làng xóm biết ngay Mỗ là người có chí lớn. Ban đầu hai sứ quân Ngô Kiều (2) từng triệu mấy lần, Mỗ đều lấy cớ là con nhà nông, chỉ biết việc đồng áng mà không tường thế sự, kiên quyết không theo. Khắp châu quận ai cũng nể phục tiết tháo áo.


 


Sau về với Ðinh Tiên Hoàng đánh dẹp mười hai sứ quân. Ðó là duyên kỳ ngộ phượng đậu cành ngô, rồng mây tế ngộ, cưỡi gió rẽ sóng khúc nào chim ưng dương cánh mà kình ngạc mất tăm.


 


Oai hổ đánh đông dẹp bắc, mà cáo cày tan tác dấu chân. Thiên hạ đều ngợi ca là bậc anh hùng hào kiệt. Khi Ðinh Tiên Hoàng thống nhất giang sơn một mối, bước lên chín bậc cửu trùng lấy Mỗ từ chức Anh Dực tướng quân sung vào Ðiện tiền Chỉ huy sứ, kiêm thiêm sự; triều nghi rực rỡ, công huân lẫy lừng. Thế rồi bọn giặc bể ở Kỳ Bố lại khởi loạn, Mỗ lại được sung chức Trấn đông tiết độ sứ. Mỗi khi Mỗ tới thì giặc biển liền tan. Trẫm lại cho thăng lên Ðặc tiến Khai quốc Thiên sách Thượng tướng, tiến tước Tĩnh an hầu. Kế đó ban sách tặng phong tiên phụ của Mỗ là Khải tá hầu, tiên mẫu là Khải tá hầu phu nhân.


 


Chiếu Vua ban tăng thêm vẻ sáng phương nêu rõ sự sủng ái của quốc gia là rất mực vậy. Ðây chẳng phải bởi con có huân công oanh liệt mà cha mẹ được vẻ vang? Lại bởi vì Mỗ có công lao lớn, nên trẫm ban thái ấp lưu làm nơi ở thuộc đất Hàm Châu. Ðó là cái điềm hợp cát của người hiền ở vào đất tốt, thì mệnh trời sẽ được bền lâu mãi mãi. Há chẳng phải người lấy đất để bền chắc móng nền mà chính là đất lấy người để đất nổi danh? Chiến công lẫm liệt, huân danh lẫy lừng của Mỗ như vậy đã hiển hiện ra trước tai mắt mọi người ai ai cũng thấy. Kịp khi Lê Ðại Hành cướp ngôi, Ðinh Ðiền Nguyễn Bặc mật đưa thư tới báo, Mỗ biến sắc tức tốc đề binh lên đường, tới nơi thì hai người đều đã tử tiết. Mỗ liệu sức mình đơn độc khó bề chống chọi, bèn lui vào động Trinh Thạch tự thủ, ôm nỗi niềm cô trung, đợi thời mưu sự về sau. Tinh thần trung dũng quả cảm ấy của Mỗ thực đã biểu lộ cái tầm nhìn xa rộng của Mỗ về thế gian này. May thay trẫm được trời rủ lòng thương mến, lấy khoan dung để thay bạo ngược, lặng lẽ thuận tình, hành sự chí công, vỗ về trăm họ. Chiếu thư mời gọi ba lần mà Mỗ vẫn chưa chịu về triều, trẫm rất lấy làm ái hộ đức tính kiên trung ấy lại càng đáng khen cho khí tiết thanh cao của con người ấy. Bấy giờ có giặc lại nổi loạn ở cửa biển Kỳ Bố rất ngông cuồng tàn bạo, trẫm đã ba phen khiển tướng chinh phạt mà chưa dẹp yên được. Ðến khi sai Nguyễn Uy đem quân đi đánh thì vẫn còn nghe câu nói từ miệng giặc: “Hễ ông Dũng đến là tự nhiên kinh”. Lúc Nguyễn Uy đến, giặc chẳng màng để tâm, chỉ có điều chúng cần biết viên tướng đem quân tới là ai thôi. Tướng Uy lên tiếng: Khâm sai Chinh đông Ðại tướng Nguyễn Uy. Giặc liền hát câu vè:


 


“Uy đến chẳng đáng sợ
Dũng đến tự nhiên kinh”.


 


Trên đường dừng lại nghe trẻ chăn trâu hát câu đồng dao:


 


“Uy mặc Uy chẳng sợ chi
Có ông Dũng đến vậy thì mới kinh”.


 


Trẫm lại biết thêm về uy đức của Mỗ vốn nổi danh ở miền duyên hải (hải quốc) vậy. Trẫm bèn sai Nguyễn Uy thảo thư đưa vào động nói rõ sự thực còn dặn thêm Uy: Hãy tìm lời dụ Mỗ. Mãi tới lúc ấy Mỗ mới chịu nghe lời trẫm về triều. Trẫm vội lấy lễ khách bậc thầy để tiếp đãi với bái hiệu là Minh Triết phu tử. Nhân đó Mỗ liền tiến cử người con trai của mình là Bùi Quang Anh cho trẫm. Trẫm lấy nguyên chức như ngày trước mà phong tặng: Anh Dực tướng quân trấn đông Tiết độ sứ, phái đi trấn thủ miền đất Kỳ Bố (với nhiệm vụ Tổng thống trấn thủ ba đạo) lại sai đình thần tiễn Mỗ trở lại ấp Hàm Châu. Ðường về Hàm Châu ngày ấy Mỗ cùng người con trai của mình là Bùi Quang Anh đồng hành. Vừa về đến nơi thì giặc đã tự tới đầu hàng. Thấy rõ uy đức của Mỗ đến như thế, trẫm càng tăng lòng hâm mộ.


 


Tới nay Mỗ ở tuổi thọ 97 bị đốc bệnh từ tháng trước, trẫm lệnh đình thần chăm lo thuốc thang trị liệu, viết thư ân cần thăm hỏi, lại cũng không quên hỏi han về việc hậu sự. Mỗ có lời đáp rằng: “Trong câu sấm Thập Bát Tử (tức là chữ Lý) xã tắc truyền gia thì thần thích nhất chữ “bát”, lại dặn thêm: “Ngày sau nếu triều đình hữu sự thì trẫm có thể sai khiến sử dụng đứa cháu của Mỗ”. Lời nói ấy cứ âm vang mãi bên tai trẫm; đinh ninh mãi trong tim trẫm. Trẫm nghĩ cử chỉ ấy của Mỗ chính là một tấm gương để cho các tôi thần của trẫm này soi chung vậy. Tới ngày 12 tháng 6 đình thần dâng tấu rằng: “Họ trông thấy phương đông nam có ngôi sao rơi, lặn tắt”. Qua ngày rằm bỗng có tờ điệp cáo phó tới: “Khai quốc Thiên sách thượng tướng Tĩnh an hầu Minh Triết phu tử Bùi  tướng công triều Ðinh ngày trước tạ tế!”. Trẫm bùi ngùi than thở: Trời vừa mới thương họ Lý ta mà sao vội cướp đi một triết nhân vậy. Nhân đó trong triều giảm bớt bữa ăn, bớt vui chơi. Trẫm lệnh cho đình thần thay trẫm lo việc tang lễ, sắm cỗ quan đồng quách ngọc; ban gấm vóc mỗi loại ba súc, vàng 50 lượng, bạc 500 lượng, cùng với điều văn để trợ giúp lễ nghi tang tế.


 


Trẫm ban thêm chế sách tặng Mỗ là Trinh Quốc công; lại gia phong mỹ tự dựa trên đức độ bình sinh của Mỗ: “Cương nghị, bất khuất, chính trực, không a tòng”. Và ban tên thụy: Cương Chính tướng công. Lại truy phong cho tiên khảo (cha) của Mỗ là Khải tá công, tiên mẫu (mẹ) là Khải Tá công phu nhân. Ðể biểu dương tấm lòng của Mỗ và cũng là để bộc bạch tấm lòng chuộng hiền của trẫm vậy.


 


Ô hô ! Mỗ hiếu trung vẹn cả hai đường.
Tiết nghĩa song toàn hai chữ.


 


Ðó quả là điều hiếm thấy, hiếm nghe bậc nhất từ cổ chí kim ở thế gian này. Trẫm mong cho tính danh của Mỗ sẽ bất tử; hơn nữa nó là tấm gương cho các thế hệ bề tôi của trẫm mãi về sau soi vào. Cầu mong trời đất hãy chứng giám cho đức tính trung liệt của Mỗ, giúp cho con cháu nhà họ Bùi này đời đời luôn có anh tài xuất hiện, để giúp đỡ Vua nước Nam ta, bảo vệ giữ gìn nước Nam ta, cứu giúp dân chúng nước Nam ta.


 


Ðó chính là điều trông đợi sâu xa nhất của quả nhân vậy.


 


Ngày 12 tháng 8 nhuận năm Thuận Thiên thứ 9 (1018) Ngự chế thái sư Khuông Việt (thần) Lý Pháp Chân vâng mệnh chép, thợ khắc đá Phạm Công Thắng vâng mệnh khắc bia.


 


……………………………………….


 


(1) Mỗ đây là chỉ Bùi Quang Dũng.


 


(2) Tức Sứ quân Ngô Xương Xí và Kiều Công Hãn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *