Ra mắt Viện nghiên cứu công nghệ gốm sứ Việt Nam

Ngày 31/1, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam chính thức ra mắt Viện Nghiên cứu Công nghệ gốm sứ Việt Nam tại Vĩnh phúc. Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp gốm sứ Việt Nam, Viện sẽ huy động nguồn lực của các thành viên trong Hiệp hội để tập trung nghiên cứu và hợp tác về khoa học, phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ chuyên ngành vật liệu gốm sứ; tạo điều kiện gắn nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực gốm sứ.

TS Lê Đình Quý Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu gốm sứ Việt Nam, cho biết: Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam với hơn 74 DN thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực gốm sứ, nhưng hầu như chưa có sự phối hợp tốt trong các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và dịch vụ khoa học công nghệ. trong thời gian tới, Viện sẽ tập trung cho việc nghiên cứu công nghệ sản xuất các nguyên liệu, sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu; nghiên cứu các công nghệ xử lý và tinh chế một số nguyên liệu có nguồn gốc từ khoáng sản trong nước; nghiên cứu chế tạo, cải tiến thiết bị công nghệ sản xuất vật liệu gốm sứ và thực hiện các dịch vụ về khoa học công nghệ.

Hiện nay, tổng công suất thiết kế của ngành sản xuất gạch ốp lát nước ta đạt trên 300 triệu m2/năm. Tuy nhiên, hầu hết dây chuyền thiết bị chính và hóa chất, phụ gia sử dụng vẫn phải nhập khẩu của châu Âu và trung Quốc. “Do vậy, Viện sẽ tập trung mọi nguồn lực và hợp tác với các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu trong nước để triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu công nghệ sản xuất các sản phẩm trong nước chưa sản xuất được, nhằm nâng cao tính chủ động về nguyên liệu đầu vào, giảm giá thành sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước” – TS Lê Đình Quý Sơn cho biết thêm.

Về lâu dài, Viện Nghiên cứu công nghệ gốm sứ sẽ chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, đặc biệt chú trọng đến việc phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như có chế độ đãi ngộ thích hợp để các nhà khoa học, nhà quản lý giỏi tham gia hoạt động, cộng tác. Dự kiến trong năm 2010 Viện sẽ đầu tư một tòa nhà nghiên cứu 2 tầng có diện tích 2.500m2 với hệ thống phòng làm việc, phòng hội thảo và phòng thí nghiệm hiện đại, chuyên sâu về vật liệu gốm sứ. Tổng vốn khoảng 70 tỷ đồng.

Tập đoàn prime Group, nhà sản xuất VLXD số 1 Việt Nam là một trong số các DN sẽ hỗ trợ cho các hoạt động của Viện Nghiên cứu công nghệ gốm sứ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *