Tái định cư ở các công trình thủy điện: Người dân đang gặp nhiều khó khăn



 




Hôm qua 18.2, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (QH) làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện di dân, tái định cư (TĐC) các công trình thủy điện, thủy lợi.


Các đại biểu tham dự đã chỉ ra một loạt bất cập của công tác di dân, TĐC. Hầu hết các hộ TĐC được bố trí diện tích đất sản xuất hẹp hơn, chất lượng đất xấu hơn so với đất tại nơi ở cũ, chưa tạo thêm được việc làm mới. Nhiều nơi, người dân phải di chuyển lên vùng cao, có điều kiện tự nhiên, văn hóa khác hẳn nơi cũ gây khó khăn cho sinh hoạt. Do đó, đời sống người dân khu TĐC không đảm bảo, khó ổn định.


Khu TĐC Thái Lâm, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An), thuộc công trình Bản Vẽ, người dân đã về sống 3 năm ở đây nhưng vẫn chưa có đất sản xuất, nhất là đất sản xuất lúa nước. Dân ở khu TĐC xã Hướng Linh (công trình Rào Quán) được giao đất 1 ha/hộ nhưng không sản xuất được hoặc khu TĐC Lộc Bổn (Công trình Tả Trạch) có 30% số người trở về sản xuất ở vùng lòng hồ và 30% số người đi lao động ở nơi khác, còn lại là đi làm thuê kiếm sống…


Bên cạnh đó, một số chủ dự án đã không thực hiện đúng cam kết. Công trình Bản Vẽ, quy định mỗi hộ dân được giao 1 – 1,5 ha/hộ đất sản xuất nông nghiệp song bà con mới chỉ được giao 700 – 800 m2/đất vườn. Nhiều điểm TĐC như thôn Làng Non, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa, Quảng Trị)… vẫn thiếu kênh mương tưới tiêu… Nghiêm trọng hơn, ở điểm TĐC thủy điện Tuyên Quang, Bản Vẽ, Rào Quán do công tác quản lý và quy mô công trình chưa phù hợp nên thiếu nước sinh hoạt, có nơi mùa khô 6 – 7 tháng không có nước…







Từ năm 1995 – 2009, có 22 công trình thủy điện, thủy lợi trọng điểm đã và đang xây dựng, với tổng số diện tích đất bị thu hồi để xây dựng công trình là 81.622 ha và 49.785 hộ gia đình nằm trong khu vực bị ảnh hưởng. Tổng dự toán đã duyệt để thực hiện di dân lên tới hơn 16.954,8 tỉ đồng. Đến nay, các dự án đã TĐC được khoảng 21.580 hộ, với trên 103.434 khẩu, đạt 54%.


Có ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng trên có một phần trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, vấn đề này bắt nguồn từ thực tế của tự nhiên. “Tây Bắc, Tây Nguyên chưa có các dự án thủy điện đã thiếu đất canh tác rồi. Di dân đi đâu mới đủ đất? Khi làm thủy điện Sơn La, chúng tôi cũng có phương án đưa bà con lên Tây Nguyên. Nhưng chính Tây Nguyên đang giải quyết đất cho đồng bào tại chỗ còn khó”, Bộ trưởng Phát phân trần. Ông Phát cũng cho rằng chính các dự án thủy điện đã lấy đi phần đất tốt nhất cho nông nghiệp.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước tổng kết: “Công tác di dân mới đạt mục tiêu đưa được bà con đến một nơi nào đó, còn mục tiêu để bà con sống và hội nhập thế nào thì đang bế tắc”. Theo ông Phước, Nghị quyết của QH về thủy điện Sơn La đã khẳng định xây dựng công trình thủy điện là một cơ hội để phát triển vùng Tây Bắc, nhưng thực tế đến nay bà con không có đất sản xuất.


Vấn đề di dân, TĐC đối với các công trình thủy điện, thủy lợi sẽ được Ủy ban Dân tộc của QH giám sát và báo cáo tại kỳ họp QH vào tháng 5.2009 tới.


Xuân Toàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *