Thừa Thiên -Huế: Phục dựng công trình di tích tháp Chămpa cổ nhờ phương pháp “kích”

Ứng dụng 2 phương pháp ứng lực: kích nâng và kích đẩy, kỹ sư Lê Văn Quảng, phó Giám đốc phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền trung,Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) đã giúp trùng tu và phục dựng thành công di tích tháp Chăm phú Diên – Mỹ Khánh, có tuổi thọ trên 1.000 năm nằm sâu trong lòng cát…

Cách đây hơn 5 năm, đứng trước tình trạng tháp Chăm bị nghiêng, lún, nứt gãy với độ lún nghiêng sâu 0,8m, thân tháp lại bị mục mủn do bị nước mặn bào mòn, Lê Văn Quảng đã mạnh dạn lựa chọn phương pháp kích nâng, để nâng toàn bộ tháp có tải trọng hơn 60 tấn này trở về vị trí cân bằng và xử lý gia cường bề mặt tháp. Để tạo tính ổn định cho thân tháp trong quá trình kích nâng, đáy tháp được gia cường thêm 1 lớp bê tông cốt thép (BTCT) dày 8-10cm bằng hình thức đúc luồn từng phần ghép nối cho hoàn chỉnh tạo nên 1 bản đáy cứng để làm điểm tựa dầm, đặt kích. Sau khi thi công xong phần BTCT làm điểm tựa kích tiếp tục thi công luồn thép dầm vào dưới đáy tháp, rồi tiến hành kích giữ với loại các loại kích từ 10 – 20 tấn. Khi hệ thống kích được đặt vào, chỉ cần hơn 20 tay kích phối hợp nhịp nhàng, đều đặn, không để xảy ra một sai xót nhỏ, tháp đã được nâng cao lên hơn 0,7m, trở về vị trí cân bằng và tựa trên hệ cọc BTCT đóng sâu xuống lớp đất cứng 18-25m đủ điều kiện chịu lực, chống lún.

Đơn vị thi công còn sử dụng một số loại hóa chất bảo quản gia cường bề mặt thân tháp như: hoá chất trung hoà, hoá chất cố kết các hạt của cấu trúc, hoá chất bảo vệ bề mặt… để khối xây chống rời rạc, mủn mục, chống ẩm, chống bị ăn mòn; đồng thời tạo lớp màng bảo vệ, đảm bảo tính bền vững, ổn định cho công trình. Việc ứng dụng phương pháp trên của kỹ sư Lê Văn Quảng vừa tiết kiệm được chi phí, vừa đảm bảo tính nguyên trạng, ổn định và bền vững của công trình….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *