Tình trạng ngập nước và kẹt xe: Do thiếu kiểm tra, phá vỡ quy hoạch

Nhiều năm qua, khi nói đến tình trạng ngập nước ở TpHCM, người ta vẫn thường viện dẫn là do mưa gió thất thường, hoặc do “biến đổi khí hậu”… Tuy nhiên, xem xét kỹ tình trạng ấy là do “nhân tai” chứ không phải hoàn toàn do “thiên tai”. Và nếu công tác quản lý đô thị còn buông lỏng thì tình trạng này còn diễn biến trầm trọng hơn.


Tình trạng ngập nước diễn ra thường xuyên vào mùa mưa tại TpHCM. Ảnh: Cao Thăng

Vùng cao cũng ngập

Các chuyên gia về phát triển đô thị nhận định rằng, hiện tượng ngập nước và kẹt xe là một biểu hiện rõ nét nhất sự bất cập của quá trình phát triển đô thị, đặc biệt thiếu vai trò khung của quy hoạch và công tác quản lý quy hoạch.

Theo tài liệu của TS Hồ Long phi, phó ban chỉ đạo Chương trình Chống ngập nước thuộc trung tâm Điều hành chống ngập TpHCM (TTCN), tình hình ngập nước ở TpHCM diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, ở những khu vực cao của thành phố từ trước đến nay chưa bao giờ ngập nhưng nay cũng bắt đầu ngập như quận 12, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn… Không chỉ có thế, những nơi này còn trở thành khu vực có số lượng các điểm ngập gia tăng nhanh nhất trong thời gian qua.

Đi tìm nguyên nhân của tình trạng này không khó… trước đây, những địa phương nêu trên, thoát nước chủ yếu xuống các sông, kênh rạch quanh vùng. Nay khi nhiều khu dân cư mới mọc lên, lấp đi nhiều kênh rạch, đường đất bị bê tông hóa, nước không có chỗ thoát, chỗ thấm xuống đất nên đọng lại và gây ngập.

UBND TpHCM đã có quy định cấm san lấp sông, kênh, rạch và nếu cần thiết lấp thì phải xây dựng hệ thống thoát nước hoặc hồ điều tiết nước với diện tích tương tương diện tích sông, kênh, rạch đã lấp để làm chỗ thoát cho nước.

Quy định là thế nhưng nhiều chủ đầu tư sau khi san lấp kênh, rạch đã không xây lại hệ thống thoát nước với diện tích thoát nước đáp ứng theo yêu cầu. Tất nhiên, với nhiều nhà đầu tư, cái lợi trước mắt vẫn là sự ưu tiên lựa chọn của họ. Nhưng vấn đề là chính quyền các địa phương phải thấy được điều ấy và phải có những quyết định cứng rắn để điều chỉnh.

Hơn 5 năm trước đây, TpHCM đã có một bản đồ án quy hoạch thoát nước. Căn cứ theo đồ án này, hàng loạt dự án thoát nước, cải thiện môi trường các lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm, Tàu Hủ-Bến Nghé… đang được triển khai thực hiện.

Nhưng còn một vế lớn của đồ án quy hoạch là xây dựng các hồ điều tiết và bảo vệ hệ thống sông, kênh rạch hiện hữu để phục vụ công tác tiêu thoát nước thì chưa được triển khai thực hiện đúng như quy hoạch. Đó chính là nguyên nhân làm cho tình trạng ngập nước tại TpHCM thêm trầm trọng.

Nói như TS Hồ Long phi, tình trạng ngập ở TpHCM hiện nay chủ yếu vẫn là do “nhân tai” chứ chưa phải “thiên tai”. Việc bảo vệ các cửa xả, các hố gas thu nước cũng còn lỏng lẻo. Những hố gas thu nước ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố đầy rác. Tuy nhiên, hầu như chưa có ai bị xử lý vì hành vi vứt rác bừa bãi.

Kẹt xe ngày càng trầm trọng, vì đâu?

Nếu như ở các khu vực ngoại thành, tình trạng kẹt xe có thể đổ lỗi cho thiếu đường thì ở khu vực trung tâm thành phố khó có thể viện lý do nào bởi đây là khu vực trước đây đã được quy hoạch và xây dựng khá bài bản. Thế nhưng, hiện nay, khu vực trung tâm đã bị kẹt xe và tình trạng này ngày càng trầm trọng.

Cứ đến giờ cao điểm sáng, trưa, chiều là khu vực đường Lê Quý Đôn, Tú Xương… lại bị ùn ứ giao thông do cha mẹ học sinh đến đưa đón con đi học. Xe hơi, xe gắn máy của phụ huynh đậu tràn xuống hai bên đường, lòng đường ở giữa chỉ còn 1 làn xe cho tất cả các phương tiện giao thông lưu thông. Và hậu quả tất yếu: kẹt xe.

Theo TS Nguyễn trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TpHCM, đó vẫn chưa phải là nguyên nhân chính mà việc thay đổi quy hoạch ở khu trung tâm mới là “chính danh thủ phạm”.

Quy hoạch trước đây của khu vực đường Lê Quý Đôn, Tú Xương… là quy hoạch cho khu dân cư với các biệt thự xinh xắn, dân cư ít và các con đường nội bộ nhỏ, hẹp. Thế nhưng, hiện nay, nhiều tòa nhà đã bị thay đổi công năng từ chức năng ở sang làm trường học. trường học thì thu hút thêm người đến và kẹt xe tất nhiên diễn ra. Đặt trường học ở khu trung tâm sẽ thu hút nhiều học sinh hơn ở các khu ngoại thành. Thế nhưng cái lợi ích trước mắt này đang xâm phạm đến lợi ích phát triển chung của cả cộng đồng.

Tình trạng kẹt xe ở khu vực trung tâm TpHCM đã gây bức xúc cho nhiều kiến trúc sư, các nhà làm quy hoạch. Thậm chí, trong hội thảo về quản lý quy hoạch và kiến trúc được Hội Kiến trúc sư TpHCM tổ chức, nhiều kiến trúc sư đã kiến nghị “tạm dừng xây mới, xây cao các công trình kiến trúc ở khu vực trung tâm cho đến khi có được giải pháp tổ chức giao thông phù hợp”.

Hiện nay TpHCM đã có chủ trương hạn chế việc chuyển đổi công năng từ nhà ở sang trường học hoặc các công trình công cộng thu hút dân chúng vào khu trung tâm. Tuy nhiên, trường học và các công trình khác ở đây vẫn mọc lên. Vì vậy có thể nói để xây dựng văn minh đô thị còn bắt nguồn từ công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình theo đúng quy hoạch. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *