Trách nhiệm bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa

Quán hàng ăn, hàng giải khát làm ngay sát cửa chùa chiền, rồi rác rưởi, xe cộ của khách ăn uống chiếm hết lối vào; thậm chí quán hàng còn dựng ngay trong khu vườn của đình miếu, và ban thờ ngoài trời bị biến thành bệ để bát đĩa, ống đũa; cửa tam quan bị biến thành nơi để vật liệu xây dựng với gạch, đá, cát sỏi ngổn ngang…


Vườn tháp Chùa phật Tích Bắc Ninh

Ðó là tình trạng thường gặp tại nhiều ngôi chùa hay di tích lịch sử – văn hóa, bởi đã bị một số người lấn chiếm, biến thành nơi sinh hoạt, nơi buôn bán, làm cho cấu trúc, cảnh quan ngôi chùa hoặc di tích bị biến dạng. Còn cần phải nói tới tình trạng nhiều hiện vật quý như những tấm bia, những bức tượng, những cuốn sách quý được lưu giữ hàng trăm năm đang đứng trước nguy cơ hư hỏng, trở thành mục tiêu của “đạo chích”… Thực tế ấy đang diễn ra không chỉ ở nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội, mà còn là nỗi lo lắng với rất nhiều địa phương. Ngay ở các di tích nổi tiếng, mức độ vi phạm cũng không kém phần nghiêm trọng. Tại Hồ Gươm, những di tích cổ như tháp Báo Ân, tháp Bút tuy không bị lấn chiếm nhưng cũng bị bôi vẽ nhằng nhịt rất thiếu văn hóa bởi những con số, những dòng chữ. Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tình trạng ném tiền lên mái nhà cầu may, đốt hương, đốt vàng mã, vứt rác và bán hàng rong vẫn diễn ra nhộn nhịp, ngang nhiên ngay trước mắt cơ quan quản lý. Các hiện tượng này không chỉ phá hoại cảnh quan khu di tích, gây bất bình trong dư luận xã hội, gây phản cảm cho du khách mà còn khiến cho nhiều ngôi chùa, đình, di tích cổ rơi vào tình trạng xuống cấp đáng báo động.

Luật Bảo vệ di sản văn hóa đã quy định, di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại và nghiêm cấm các hành vi vi phạm di tích lịch sử văn hóa và ghi rõ: Bảo vệ di sản văn hóa không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội để giữ gìn vốn tài sản quý giá đó cho con cháu đời sau. trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thời gian và của bom đạn trong chiến tranh, nhiều di tích lịch sử cổ kính đã bị hủy hoại hoặc xuống cấp. Nay thêm vào đó là sự vô ý thức của một số cá nhân, và có thể là cả sự thờ ơ của chính quyền sở tại… Nên có thể đặt câu hỏi rằng, liệu bao lâu nữa, nhiều di tích lịch sử văn hóa sẽ chỉ còn lưu giữ lại trong những bức ảnh và trong ký ức của cộng đồng?


Dịch vụ đổi tiền lẻ tại Chùa Hương Mỹ Đức Hà Nội trong mùa lễ hội

Với trình độ khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, chúng ta có thể xây dựng những công trình hiện đại và đồ sộ, song để phục dựng các di tích lịch sử đã biến dạng hoặc biến mất trở lại với nguyên trạng là rất khó khăn. Ðể giải quyết tình trạng này, Nhà nước đã ban hành và sửa đổi Luật Bảo vệ di sản văn hóa, các địa phương cũng đã đưa ra những quy định để bảo vệ các di tích. Một số địa phương, như Thủ đô Hà Nội, đã có chủ trương, kế hoạch di dời dân ra khỏi các khu di tích, tạo lại môi trường, xây dựng địa bàn sinh sống mới cho bà con… Tuy nhiên thiết nghĩ, bên những việc làm ấy, còn là việc giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa ở các cộng đồng dân cư, các trường học và chính những người đang sống cạnh các khu di tích. Hơn nữa, các cấp chính quyền cũng cần có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa, để có biện pháp phối hợp cùng các cơ quan văn hóa, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức hữu quan để thường xuyên kiểm tra việc tu sửa, bảo vệ di tích. Ðặc biệt, cần phải có chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi cố tình xâm hại di tích.

Bảo vệ di sản văn hóa là tăng cường niềm tự hào về truyền thống dân tộc, là sự bảo đảm cho mối dây thiêng liêng nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai, từ đó hình thành nên một yếu tố văn hóa quan trọng tham gia vào sự phát triển bền vững của đất nước. Nhiệm vụ này không chỉ là trách nhiệm của một tổ chức, một cá nhân nào, mà là sự quan tâm, cùng chung tay góp sức của toàn xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *