Trên công trình Thủy điện Sơn La

Sau gần bốn năm khởi công xây dựng, Thủy điện Sơn La đã ra dáng một trong những công trình thủy điện lớn nhất Ðông – Nam Á. Khoảng mười nghìn kỹ sư, công nhân của các nhà thầu đang ngày đêm tập trung lực lượng và thiết bị máy móc làm việc ba ca tranh thủ mùa khô chạy đua với thời gian đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hướng tới mục tiêu tháng 5-2010 tích nước, chuẩn bị phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2010, sớm hai năm so kế hoạch.


Công nhân Công ty cổ phần LILAMA 10 thi công các hạng mục công trình Thủy điện Sơn La.

Chạy đua với thời gian

Ai đã từng lên đến khu vực đỉnh cống dẫn dòng ở cao độ 138 m, nơi có thể ngắm toàn cảnh công trường mới cảm nhận hết sự hoành tráng của Thủy điện Sơn La. Các đốt của đường ống áp lực khổng lồ, đường kính 10,5 m đang được lắp đặt vào các vị trí. phía dưới gian máy sâu hun hút, kỹ sư, công nhân các đơn vị đang miệt mài đổ bê-tông, lắp kết cấu thép. trong đêm, ánh đèn, ánh lửa hàn rực sáng, tiếng máy vang động một vùng trời Tây Bắc.

Theo Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La (BQLDA) cho biết: Hạng mục đập bê-tông đầm lăn (RCC) đã đạt khối lượng hơn 71%; lắp đặt 28 nghìn tấn thiết bị công nghệ, đạt gần 37%; đào hầm đạt 100% (846 m dài); đập không tràn, đã thi công đến cao độ đỉnh 227,1 m tại khu vực vai trái. Tại khu vực lòng kênh đang thực hiện các công tác chuẩn bị để có thể tiếp tục thi công bê-tông vào đầu tháng 12. Hạng mục cửa lấy nước đã đạt cao độ 186,1 m và đang chuẩn bị thử khô van phẳng cửa lấy nước. Ðối với phần nhà máy thủy điện, các đơn vị thi công đang tập trung thi công dầm cầu trục gian máy ở cao độ 133,23 m tại các tổ máy số 1, 2 và 3. Tổ máy số 1 đã thi công bê-tông buồng xoắn đạt cao độ 112,25 m; buồng xoắn tổ máy số 2 đang thi công bê-tông đạt cao độ 105 m, buồng xoắn tổ máy số 3 đã hoàn thành công tác lắp đặt, đang bàn giao để đổ bê-tông. Các buồng xoắn tổ máy số 4, 5 và 6 đang thi công đúng tiến độ.

trưởng BQLDA Nguyễn Hồng Hà cho biết, hiện có 7/10 mốc chính của nhà máy đã hoàn thành, những mốc còn lại không kém phần phức tạp và khó khăn. Muốn tích nước vào tháng 5-2010, công trình phải hội tụ bốn điều kiện: Hoàn tất công tác di dân lòng hồ; các hạng mục tiếp xúc với hồ chứa phải đạt cao trình chống lũ năm 2010, ở cao độ 190 m; đập ngăn sông phải đạt cao độ 195 m; công trình xả lũ đập tràn phải vận hành an toàn 12 cửa van xả sâu (xả đáy). Hiện nay, một số hạng mục chính của tuyến năng lượng đang ở “đường găng tiến độ”, trong đó căng nhất, khó nhất, khối lượng công việc còn nhiều là hạng mục nhà máy thủy điện. Ðể bảo đảm tiến độ khởi động không tải vào tháng 11 và phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12-2010, các đơn vị phải tập trung lực lượng thi công nhà máy thủy điện tại khu vực tổ máy số 1, 2, 3, bảo đảm điều kiện lắp đặt tua-bin tổ máy số 1 từ tháng 1-2010; thi công và lắp đặt toàn bộ thiết bị cửa lấy nước và đường ống áp lực tổ máy số 1. Từ giữa tháng 11 đến đầu năm 2010, các thiết bị phụ trợ, thiết bị siêu trường, siêu trọng của nhà máy thủy điện sẽ được nhà chế tạo giao đến chân công trình, trong đó có máy biến áp, trục tua-bin và bánh xe công tác nặng từ 110 tấn đến 260 tấn. BQLDA đã yêu cầu nhà thầu nước ngoài phải bảo đảm đúng tiến độ cung cấp thiết bị và lên phương án vận chuyển an toàn về công trường. Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị cung cấp thiết kế thi công để nhà thầu kịp triển khai thực hiện. Hiện nay, 150 kỹ sư, công nhân vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La đã được chủ đầu tư gửi đi đào tạo thực tế tại hai Nhà máy thủy điện Hòa Bình và Ya Ly để sau này phục vụ vận hành tổ máy số 1.

Ðể đẩy nhanh tiến độ thi công, các nhà thầu đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đề ra nhiều biện pháp thi công mới. Ở phần đập chính bờ trái, các đơn vị đã lắp đặt mười chiếc cầu tháp để tăng tốc đổ bê-tông, nhờ đó hiệu suất làm việc tăng lên rõ rệt. phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần LILAMA 10 Ðặng Văn Long cho biết: LILAMA đảm nhiệm chế tạo và lắp đặt hơn 73 nghìn tấn thiết bị, kết cấu cho công trình, trong đó trực tiếp chế tạo khoảng mười nghìn tấn thiết bị, kết cấu gồm van, khe van hạ lưu, đường ống… Ðến thời điểm này, công ty đã điều lên công trường năm cẩu lớn sức nâng từ 150 đến 600 tấn. Dự kiến từ nay đến 15-12-2010, đơn vị sẽ tổ hợp các phần liên quan sta-to, rô-to tổ máy số 1. Với kinh nghiệm thi công ở nhiều công trình thủy điện trọng điểm, LILAMA rất tự tin và phấn đấu hoàn thành vượt mức các mốc tiến độ.

Chất lượng công trình đặt lên hàng đầu

Có mặt từ ngày đầu khởi công và chứng kiến thời kỳ khó khăn cả công trường thức trắng đêm để đối phó với cơn lũ tiểu mãn lịch sử, trưởng BQLDA Nguyễn Hồng Hà tâm sự, ông vẫn nhớ như in thời điểm đó, lũ dâng nhanh, nguy cơ vỡ đê quai, cả công trường dồn sức gia cố nên đã vượt qua thời khắc nguy hiểm nhất. Xác định tầm quan trọng của dự án cũng như sự an toàn đối với hạ du, chủ đầu tư cùng các nhà thầu đặc biệt chú trọng công tác quản lý chất lượng ngay từ khi khởi động công trình. Cùng với sự quản lý, giám sát chất lượng của tổng thầu và các nhà thầu thành viên, BQLDA phối hợp Liên danh tư vấn giám sát SMEC (Ô-xtrây-li-a) – Nippon Koie – J.power (Nhật Bản) tổ chức giám sát chất lượng ở tất cả các khâu, từ thẩm định thiết kế, thí nghiệm, kiểm tra vật liệu xây dựng, cấp phối và thi công tại hiện trường. Kết quả kiểm tra cho thấy chất lượng các hạng mục đều đạt yêu cầu. Theo định kỳ và đột xuất, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng cử các đoàn công tác lên công trường kiểm tra công tác quản lý chất lượng. Tại công trình, BQLDA đã đầu tư một trung tâm thí nghiệm trực tiếp kiểm tra các kết cấu, vật liệu trong quá trình thi công. trung tâm này được đầu tư hơn bốn tỷ đồng trang bị đồng bộ hệ thống thiết bị kiểm tra, thí nghiệm hiện đại, nhờ đó chất lượng các hạng mục thi công luôn được bảo đảm. Cán bộ giám sát của chủ đầu tư túc trực 24/24 giờ tại hiện trường, theo đúng quy trình, nghiệm thu tới đâu, nhà thầu mới được phép làm hạng mục tiếp theo. Hằng ngày, trên công trường đều có các cuộc giao ban giữa BQLDA với các nhà thầu, giữa các nhà thầu nên tiến độ và chất lượng luôn được theo dõi sát sao. phó Ban giám đốc điều hành tổng thầu trần Văn phòng cho biết: Tổng công ty Sông Ðà được giao đứng đầu tổ hợp nhà thầu, gồm: Tổng công ty Sông Ðà, LILAMA, Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng – LICOGI, Tổng công ty xây dựng trường Sơn đảm nhiệm việc thi công các hạng mục quan trọng, trong đó, phần đập chính theo công nghệ bê-tông RCC lần đầu áp dụng ở nước ta, đòi hỏi kỹ thuật rất khắt khe. Bê-tông RCC luôn phải duy trì nhiệt độ không cao hơn 22 độ C để hạn chế hiện tượng tỏa nhiệt. Tại trạm sản xuất, bê-tông phải đạt dưới 21 độ C,  vận chuyển qua băng chuyền có mái che, đưa thẳng tới đập và qua khâu kiểm tra, nếu đạt chất lượng và nhiệt độ mới được phép đổ.

Bên cạnh việc giám sát chất lượng, công tác bảo đảm an toàn lao động luôn được BQLDA và các nhà thầu đặt lên hàng đầu. Với đặc thù mặt bằng công trường chật hẹp, thiết bị thi công nhiều, số lao động đông, xen kẽ nhiều đơn vị khác nhau, do đó cán bộ an toàn của các bên thi công thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở, lập rào chắn an toàn, xử lý kịp thời các sự cố thi công, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ tai nạn lao động. Thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia được ưu tiên bố trí vốn, đến nay đã giải ngân được hơn 14 nghìn tỷ đồng. Giữa chủ đầu tư, BQLDA và các nhà thầu có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thi công, lập hồ sơ thanh toán và giải ngân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *