U hoài và tráng lệ






Tạp chí Kiến trúc Nhà Đẹp 8.2007

Vẻ đẹp hoang phế, u sầu của công trình sẽ khiến nhiều du khách cảm thấy bất ngờ
vì tại nơi hẻo lánh này lại xuất hiện một kiến trúc phương Tây, mà chính xác
nhất ta phải gọi nó là một lâu đài nhỏ.
Chiếm lĩnh riêng một ngọn đồi, tòa dinh thự nhìn thẳng xuống thung lũng Bắc Hà.
Những cửa sổ vòm cao và hẹp. Những lỗ
châu mai, cửa hầm tăm tối, bí hiểm nhấn mạnh thêm phần đế lực lưỡng của tòa nhà.
Tường gạch cao vút nhưng tróc lở, xen kẽ những đám rêu và dương xỉ ẩm ướt. Bước
lên theo những bậc thang lượn cong, hé cửa nhìn vào, bạn sẽ thấy một khoảng sân
rộng, bao quanh là dãy hành lang hẹp với hàng cột tròn thanh thoát. Đối diện cửa
ra vào ở phía bên kia sân là khối nhà chính hai tầng. Hàng gạch đỏ viền trên các
khuôn cửa vẫn còn tươi tắn. Nhưng những nhánh liễu đắp nổi, tượng trưng cho hạnh
phúc và sự thịnh vượng đã mờ nhạt. Các cửa phòng đóng kín. Tất cả đều quạnh
vắng. Một vài cái quần áo phơi phất phơ và dăm đường kẻ sơn trắng đánh dấu một
sân cầu lông cho ta biết nơi đây vẫn có người.

Bạn sẽ mất một thoáng ngẩn ngơ ở trước sân vì không tìm ra cầu thang để đi lên
tầng trên, và cuối cùng phải men theo dãy hành lang hẹp chan hòa ánh nắng chiều
để vòng ra phía sau. Cầu thang của tầng trên đổ xuống sân sau. Cửa chính của
dinh thự quay về hướng nam – phải chăng điều này chứng tỏ quan niệm về phong
thủy của người trung Hoa đã ảnh hưởng đến việc chọn vị trí và ý đồ thiết kế tòa
dinh thự này?
Những vệt nắng chiều còn sót lại trên dãy hành lang vắng vẻ. Ánh sáng thoắt ẩn,
thoắt hiện thật mê hoặc, vì mỗi bước dừng lại và ngước nhìn, ta lại thấy một
khuôn hình kiến trúc đẹp, liên tục biến đổi bởi các khung vòm, cột tròn của dãy
hành lang kết hợp với ánh sáng tạo thành. Bước ra lan can rộng lớn của tầng
trên, nhìn về những dãy núi xa xăm, rồi quay lại nhìn tòa ngang dãy dọc của lâu
đài cùng con số 1921 vẫn còn rất sắc nét trên nóc của tòa nhà chính, bạn có hình
dung tòa nhà này đã lộng lẫy đến nhường nào khi nó hoàn tất cách đây hơn 80 năm?

Chiều xuống thấp hơn, ánh mặt trời dường như đặc lại. Cái nắng linh lung đó như
vẫn còn thèm muốn, liếm lên lần cuối trên gờ của những cây cột tròn, những khe
cửa sổ của tòa dinh thự này. Ngoái nhìn lại một lần nữa, tòa dinh thự lặng lẽ in
bóng trên nền trời tím sẫm, u hoài và tráng lệ… Vẻ đẹp hoang tàn của lâu đài nhỏ
khiến bạn chạnh lòng, có gì đó tiếc nuối.

"Được biết, Bộ Văn hóa – Thông tin đã đầu tư 7 tỷ đồng để trùng tu nguyên gốc
công trình này, theo chương trình mục tiêu quốc gia. Dự kiến việc trùng tu dinh
Hoàng A Tưởng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay."

Dinh Hoàng A Tưởng được xây
dựng bắt đầu năm 1914 và hoàn tất năm 1921. Tòa nhà có diện tích 420m2 trên
một khuôn viên rộng 4.000m2. Tọa lạc tại cao điểm trọng yếu có thể kiểm soát
toàn bộ thung lũng Bắc Hà, dinh thự vừa là nơi ở của thủ lĩnh Hoàng Yên Chảo
dòng dõi người Tày và sau đó là con trai Hoàng A Tưởng, vừa như một pháo đài
trấn giữ Bắc Hà. Tòa nhà là sự pha trộn hài hòa giữa phong cách kiến trúc Âu
và Á, do các kiến trúc sư người pháp thiết kế và các thợ cả lành nghề người
Hoa cùng dân phu địa phương thực hiện.

Bắc Hà vào thời kỳ trước năm 1945
thuộc chế độ phong kiến nửa thuộc địa. Hoàng Yên Chảo và con trai, Hoàng A Tưởng
là những thủ lĩnh người dân tộc. Dựa vào thế lực của thực dân pháp, hai cha con
đã dựng lên một chế độ cai trị rất hà khắc ở Bắc Hà. Tòa dinh thự cũng được xây
dựng bằng mồ hôi và công sức của dân phu trong suốt 7 năm ròng rã.

 

 

Bài và Ảnh:
Thiên Hương

(KTNĐ số 8-2007)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *