Xử lý hình sự nhà thầu thi công cẩu thả



 










Dù đã tháo rào chắn gần 2 tháng nay, nhưng đơn vị thi công vẫn không tái lập mặt đường Trần Quang Diệu nối dài (P.13, Q.3)


Buổi đối thoại “Nói và làm”, do HĐND và Đài truyền hình TP.HCM thực hiện hôm qua thu hút rất đông người dân tham dự, bởi nội dung đề cập đến hai vấn đề nhức nhối hiện nay: “lô cốt” gây kẹt đường và thiếu nước sạch.


Bức xúc của cảnh sát giao thông


Mở đầu buổi đối thoại, ông Trần Văn Hớn, ngụ tại 157 Cao Đạt, P.1, Q.5, ta thán: “Đại lộ Đông – Tây là công trình thế kỷ, nhưng cách tổ chức thực hiện lại thiếu chuyên nghiệp, cụ thể là việc rào chắn còn sơ sài, gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân rất nhiều!”. Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, tiếp lời : “Bà con bức xúc một, CSGT bức xúc mười”. Rồi ông dẫn chứng: Từ năm ngoái đến 2 tháng đầu năm 2009, toàn thành phố xảy ra 57 vụ ùn tắc giao thông, trong đó có 26 vụ do rào chắn gây ra. “Bà con thoát ra khỏi khu vực rào chắn đó là xong, còn CSGT hằng ngày phải đứng chịu trận tại các điểm nóng đó hàng giờ hỏi sao không bức xúc!”, thượng tá Vân nói.


Nhưng đó là những bức xúc của ngày… hôm qua. Còn sắp tới, mọi người đều “rùng mình” khi nghe Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Trần Quang Phượng “xin cải chính” số lượng thống kê rào chắn năm 2009, ban đầu dự tính toàn thành phố sẽ đào 56 km đường, nay vì áp lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nên số phải đào là 75,4 km đường. Riêng tại Q.5, ông Phượng cho biết không phải đào 5-6 tuyến đường như lãnh đạo Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước thành phố thông báo mà phải đào đến 10 tuyến đường và đặt tối thiểu 20 rào chắn! “Chúng tôi hứa quyết tâm chấn chỉnh những yếu kém gây bức xúc nơi bà con, rất mong bà con thông cảm!”, ông Phượng nói như năn nỉ.


Ngay sau đó, ông Sarashina, Giám đốc dự án thi công gói thầu D – Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM, đã kiến nghị: “Thành phố cho phép kéo dài rào chắn càng dài càng tốt để tiện việc thi công, tập kết phương tiện vật tư…”. Không đồng tình, thượng tá Võ Văn Vân cho rằng Sở GTVT cần xem xét giảm bớt chiều dài của rào chắn trên đường từ 100m hiện nay xuống còn 50m. “Thi công xong đoạn này, thì rào đoạn kế tiếp để thi công nhằm giảm áp lực ùn tắc giao thông trên đường phố”, thượng tá Vân nói.


Phó giám đốc Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TP.HCM Lương Minh Phúc cam kết sẽ yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm thiểu khó khăn trong sinh hoạt, đi lại của người dân tại các khu vực có rào chắn. Ông Phúc cũng công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh các sai phạm của nhà thầu, đơn vị thi công, gồm: 39300530 hoặc 0918604240.


Không phải xử rồi… huề cả làng


Trước tình trạng thi công bê bối, coi thường sự an toàn của người dân của các nhà thầu, PV Báo Thanh Niên đặt vấn đề: nhiều vụ tai nạn xảy ra tại các công trường thời gian qua, dù xảy ra chết người nhưng hầu hết các nhà thầu chỉ bị xử phạt hành chính, trong khi hành vi này đã đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự; việc xử lý thiếu kiên quyết dẫn đến nhà thầu càng cẩu thả hơn. Đồng tình với ý kiến này, ông Huỳnh Công Hùng, Phó trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP thẳng thắn: “Sai thì phải xử, xử phải nghiêm, không phải xử rồi huề… cả làng. Chúng ta phải thống nhất với nhau chuyện này!”. Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng nói Sở đã tham mưu UBND TP ban hành các quy định nhằm xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm. “Quan điểm của Sở là xử mạnh tay, phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các nhà thầu thi công cẩu thả, đã được nhắc nhở nhiều lần”, ông Phượng nói.


Cũng tại buổi đối thoại, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe do lô cốt gây ra. Đó là cần gắn băng-rôn thông báo có rào chắn cách nơi thi công ít nhất 2 giao lộ để người đi đường chủ động tìm đường “né”; đơn vị thi công phải đảm bảo việc bố trí người điều tiết, phân luồng giao thông tại khu vực rào chắn; tại rào chắn ban đêm phải gắn đèn chiếu sáng; các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc các đơn vị thi công tái lập mặt đường, gây nguy hiểm cho người đi đường… Ngoài ra, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho biết sẽ chuyển kiến nghị giảm thuế đối với các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do lô cốt gây ra, để UBND TP xem xét giải quyết.






Dân vẫn khát nước sạch

Trả lời người dân P.7, Q.8 về tình trạng thiếu nước sạch sử dụng từ 7 – 8 năm qua, ông Phạm Mạnh Đức – Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn – nhìn nhận hiện nguồn nước sạch chỉ đáp ứng nhu cầu người dân tại những nơi đã có mạng cấp nước. Thực tế, còn rất nhiều địa bàn chưa có mạng cấp nước như: một phần P.4, 5, 7 (Q.8), Q.Bình Tân… Theo ông Đức, nguyên nhân do khó khăn về vốn, đồng thời đề nghị các ngành liên quan cho vay vốn để đầu tư mạng cung cấp nước sạch cho dân.


Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) Lý Chung Dân nói những ngày qua Sawaco đã vận hành tối đa, thậm chí vượt công suất trong mức độ an toàn của các nhà máy nước, với tổng sản lượng nước cung cấp là 1.250.000 m3/ngày nhưng ở các khu vực cuối nguồn như: Q.7, 8, H.Nhà Bè vẫn còn thiếu nước trầm trọng… Ông Dân cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất của Sawaco hiện nay là nguồn vốn đầu tư mạng cấp nước. Trong năm 2008, tổng số tiền mà Sawaco đầu tư mạng cấp nước hơn 1.000 tỉ đồng và dự kiến năm 2009 cũng tương đương như thế. “Mạng cấp nước là tài sản lớn nhất của ngành cấp nước nhưng ngân hàng không giải quyết cho vay thế chấp, mà chỉ cho vay thế chấp đối với dự án nhà máy nước. Đây là một nghịch lý…”.


Minh Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *